Logo Bệnh viện Nhân dân 115
17/01/2020 14:24

HIV và bệnh thận

HIV có thể khiến người nhiễm dễ mắc các bệnh thận hơn. Trên thực tế, có không ít người nhiễm HIV bị bệnh thận. Vậy người bị nhiễm HIV có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận bằng cách nào?

HIV là gì ?

HIV (Human Immunodeficiency Virus -virus gây suy giảm miễn dịch) là loại virus gây suy yếu và tổn thương hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm khuẩn từ bên ngoài và các bệnh lý khác. HIV tấn công và phá hủy các tế bào chiến đấu với nguồn bệnh khiến cho cơ thể yếu ớt trước các bệnh lý nhiễm trùng và ung thư.


Human Immunodeficiency Virus (HIV). Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Nếu tôi bị nhiễm HIV, có phải là tôi cũng đã bị AIDS ?

Bị nhiễm HIV không có nghĩa là bạn đã bị AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome - hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). Tuy nhiên, HIV không được điều trị có thể dẫn đến AIDS, AIDS là giai đoạn cuối và nặng nhất của HIV.

Có phải những người bị nhiễm HIV có nguy cơ cao mắc bệnh thận không ?

Nhiễm HIV có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh thận hơn. Trên thực tế, có không ít người bị nhiễm HIV bị bệnh thận.

Nếu bạn bị nhiễm HIV, nguy cơ mắc bệnh thận sẽ cao hơn nếu bạn:

- Có nồng độ virus trong máu cao.

- Có số lượng tế bào CD4 thấp (là các tế bào giúp tiêu diệt bệnh).

- Là người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa, người châu Á, người ở khu vực quần đảo Thái Bình Dương hay người Mỹ gốc Ấn.

- Có bị thêm đái tháo đường, tăng huyết áp, hoặc viêm gan siêu vi C.

- Gia đình có người mắc bệnh thận.

- 65 tuổi trở lên.

- Có dùng thuốc hại thận trong nhiều năm qua (ví dụ như NSAIDs và các thuốc giảm đau khác).

Tại sao HIV làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ?

- HIV có thể làm tổn thương các cầu thận (đơn vị lọc máu của thận), do đó làm suy giảm khả năng lọc của thận.

- HIV có thể xâm nhập vào các tế bào thận.

- Nếu không được theo dõi sát, một số thuốc điều trị HIV có thể gây tổn thương cầu thận.


Đơn vị thận (nephron) . Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Làm sao tôi có thể biết tôi đã bị bệnh thận hay chưa ?

Hầu hết bệnh thận giai đoạn sớm không biểu hiện triệu chứng. Cách tốt nhất là xét nghiệm kiểm tra. Có 2 cách xét nghiệm đơn giản để tầm soát bệnh thận.

1. Xét nghiệm nước tiểu: tìm albumin trong nước tiểu. Bình thường, albumin chỉ có trong máu, không có trong nước tiểu. Đây là một loại protein của cơ thể. Có albumin trong nước tiểu nghĩa là thận của bạn lọc không được tốt. Đây là biểu hiện của bệnh thận giai đoạn sớm. Nếu albumin trong nước tiểu dương tính, cần lặp lại xét nghiệm nước tiểu để xác định chẩn đoán. Kết quả dương tính kéo dài trên 3 tháng là một dấu hiệu của bệnh thận đã xuất hiện.

2. Xét nghiệm máu để ước lượng GFR (Glomerular Filtration Rate – độ lọc cầu thận). Xét nghiệm đo nồng độ creatinine trong máu. Creatinine có nguồn gốc từ cơ bắp. Khi thận bị tổn thương sẽ làm tăng creatinine trong máu. Xét nghiệm creatinine máu chỉ là xét nghiệm đầu tiên. Kế tiếp, creatinine được đưa vào một công thức kết hợp với tuổi, chủng tộc, cân nặng và giới tính để tính ra độ lọc cầu thận (GFR). Chỉ số GFR sẽ cho bác sĩ biết thận của bạn hoạt động như thế nào.

Bao lâu thì tôi cần phải xét nghiệm kiểm tra thận một lần ?

Tất cả bệnh nhân nhiễm HIV đều cần làm xét nghiệm kiểm tra chức năng thận. Xét nghiệm này được thực hiện khi mới phát hiện nhiễm HIV và tầm soát bệnh thận ít nhất mỗi năm một lần.

Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh thận ở người nhiễm HIV?

Nếu bị nhiễm HIV, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận bằng cách:

- Đo huyết áp thường xuyên và kiểm soát huyết áp từng bước một theo như lời bác sĩ dặn.

- Uống thuốc điều trị HIV như đã được kê toa.

- Sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, mỡ máu, tình trạng thiếu máu và huyết áp nếu bác sĩ có kê toa.

- Kiểm tra chức năng thận hàng năm thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu.

Tài liệu tham khảo: www.kidney.org


BS CKII Lê Thị Hồng Vũ

– Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115





TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080