Logo Bệnh viện Nhân dân 115
04/05/2020 09:00

Gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi thường gặp ở người lớn tuổi, nếu không được điều trị đúng sẽ dễ có nguy cơ viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét… do nằm lâu và khả năng tử vong cao.

1. Đại cương

- Gãy cổ xương đùi là loại gãy giữa chỏm và liên mấu chuyển xương đùi, thường gặp ở người lớn tuổi.

- Nguyên nhân thường gặp do té trong nhà, tai nạn giao thông và loãng xương.

- Tiên lượng khá nặng nề vì thường gặp biến chứng khớp giả, hoại tử chỏm, thoái hóa khớp háng.

- Nếu không được điều trị dễ gây biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét… do nằm lâu và khả năng tử vong cao.

- Theo thống kê ở Mỹ khoảng 250.000 trường hợp có tổn thương xương vùng đầu trên xương đùi, chi phí khoảng 8,7 tỷ USD mỗi năm, còn ở Việt Nam thì chưa có thống kê đầy đủ.

2. Chẩn đoán
2.1. Bệnh sử: có cơ chế chấn thương, thường do té trượt chân trong nhà, sưng đau, biến dạng vùng háng, không nhấc chân khỏi giường được, không đi được.

2.2. Khám lâm sàng:

- Nhìn: thấy ngắn chi, bàn chân ngoài.

- Sờ: đau vùng bẹn, đau tam giác Scarpa, mấu chuyển lớn di chuyển lên cao so với đường Peter, Nelaton- Roser.

- Gõ: gõ dồn trục đau.

- Đo: ngắn chi chiều dài tương đối, chiều dài tuyệt đối bình thường.

2.3. Chẩn đoán hình ảnh:

- Xquang háng thẳng nghiêng: phát hiện gãy xương và phân độ Garden, Pauwel, Delbet…


Phân loại gãy cổ xương đùi theo Garden


Phân loại theo Garden:

+ Độ 1: gãy dạng cài nhau, các thớ xương còn thẳng, đường gãy 1 vỏ xương.

+ Độ 2: gãy cài không di lệch, các thớ xương còn thẳng, đường gãy 2 vỏ xương.

+ Độ 3: gãy di lệch khép, thớ xương nằm ngang.

+ Độ 4: gãy di lệch nhiều, đầu xương tự do trong ổ cối.

 

- CT scan: chụp khi nghi ngờ chấn thương gãy và những trường hợp gãy phức tạp.

 

2.4. Chẩn đoán xác định: dựa trên bệnh sử, cơ chế chấn thương, khám lâm sàng, Xquang, CT scan (đối với trường hợp nghi ngờ).

2.5. Chẩn đoán phân biệt: gãy liên mấu chuyển, gãy khung chậu…

3. Điều trị:
3.1. Sơ cứu: Bất động nẹp chống xoay, thuốc giảm đau.

3.2. Điều trị bảo tồn:

Đối với gãy cài (độ 1, độ 2): đây là tiên lượng tốt, có thể điều trị bảo tồn bó bột Whitman, kéo liên tục trên giàn Braun, tuy nhiên do biến chứng nằm lâu nên ít sử dụng, thường dành cho trẻ em.

3.2. Điều trị phẫu thuật: dành cho mọi trường hợp gãy, mục đích tránh các biến chứng nằm lâu, có hai phương pháp là kết hợp xương và thay khớp.

Kết hợp xương: gây tê tủy hoặc mê, nắn trên bàn chỉnh và dưới màn hình tăng sáng (C-arm), dùng đinh, nẹp vít ….tùy phẫu thuật viên.


Kết hợp xương vít dưới C-arm


Vật lý trị liệu sau mổ:

- Tuần 1: bệnh nhân ngồi để chân xuống giường (háng gấp 900, gối gấp 900), bệnh nhân đi 2 nạng.

- Tuần 2-8: bệnh nhân đi 2 nạng, chạm chân đau, tập tầm vận động tối đa.

- Tuần 8-12: tùy theo tình hình lành xương, mức độ đau, có thể cho bệnh nhân bỏ nạng.

Thay khớp háng: có 3 loại

- Chỏm More: ít sử dụng, do chỏm nhỏ, dễ trật, dễ mòn ổ cối.

- Bán phần (bipolar): hiện nay thường hay sử dụng, kỹ thuật làm đơn giản, bệnh nhân có thể đứng dậy vào ngày hôm sau.

- Toàn phần: ưu tiên làm ở những trường hợp gãy cổ xương đùi có kèm theo tổn thương ổ cối trước đó. Khuynh hướng chọn thay khớp háng toàn phần cho những bệnh nhân vận động nhiều.

* Vấn đề chọn chỉ định phẫu thuật còn tùy vào độ tuổi:

+  Ở trẻ em và người trẻ <60 tuổi: chọn kết hợp xương.

+  60-65 tuổi : tùy theo mật độ xương có thể chọn kết hợp xương hoặc thay khớp.

+  65-70 tuổi: phần lớn đều thay khớp và cho phép vận động sớm, nên dùng khớp toàn phần (nếu khả năng sinh hoạt còn cao).

+  >70 tuổi: thay khớp bán phần.

Thay khớp háng bipolar


Vật lý trị liệu sau mổ thay khớp:

- Tuần 1: bệnh nhân gấp háng 900, gấp gối 900, đi 2 nạng hoặc đi khung.

- Tuần 2-8: kéo dãn bao khớp trước, tăng tầm vận động khớp tới mức yêu cầu của nhà sản xuất, đi 2 nạng hoặc đi khung, tập mạnh cơ vùng háng. Tránh tư thế trật khớp.

- Tuần 8-12: tùy theo mức độ đau và lành xương, sức cơ, bệnh nhân có thể bỏ nạng hoặc khung.



BS Võ Anh Quân

Khoa Điều trị theo yêu cầu – Y học thể thao, Bệnh viện Nhân dân 115





TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080