Logo Bệnh viện Nhân dân 115
17/01/2018 17:44

Đứt dây chằng chéo trước khớp gối, điều trị thế nào?

Theo BS.CK2 Trần Văn Dương, hiện nay khoa Y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 có thể triển khai tất cả các kỹ thuật mổ nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước khớp gối như: 2 bó 3 đường hầm, 2 bó 4 đường hầm, 1 bó 2 đường hầm và cho kết quả rất tốt.
Khớp gối là khớp bản lề, là một khớp yếu nhất của cơ thể. Khớp gối gồm 3 khớp là khớp chày-đùi, khớp chè-đùi và khớp chày-chè. Sự vững khớp gối được bảo đảm bởi các yếu tố cân cơ, dây chằng, bao khớp...

Về mặt dây chằng, khớp gối có 4 dây chằng là: dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài và dây chằng bên trong. Do khớp gối là khớp lỏng lẻo nên rất hay bị chấn thương như: trật khớp, gãy xương, đứt dây chằng, tổn thương sụn… trong đó đứt dây chằng chéo trước là tổn thương hay gặp nhất. Theo thống kê ở Mỹ mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp tổn thương dây chằng chéo trước.


Hình 1: Giải phẫu 2 bó dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước bị đứt khiến mâm chày sẽ bị di lệch ra trước so với xương đùi, làm cho khớp gối bị mất vững khiến người bệnh đi lại khó khăn. Tình trạng lỏng khớp kéo dài dẫn đến các tổn thương khác như: teo cơ, rách sụn chêm, thoái hóa khớp…

Về mặt giải phẫu dây chằng chéo trước gồm 2 bó là: bó trước trong và bó sau ngoài. Bó trước trong là bó chính có tác dụng giữ vững gối khi gấp, bó sau ngoài là bó phụ có tác dụng giữ vững gối khi duỗi.

1- Nguyên nhân: có 2 loại

- Chấn thương trực tiếp chiếm khoảng 30% xảy ra khi va chạm trực tiếp vào vùng gối hay gặp ở các môn thể thao đối kháng: bóng đá, bóng chuyền… hoặc tai nạn giao thông té đập gối.

- Chấn thương gián tiếp là loại hay gặp nhất như trong trường hợp đang chạy thì dừng hoặc chuyển hướng đột ngột trong lúc bàn chân giữ nguyên.
.

Hình 2: Hình ảnh đứt dây chằng chéo trước

2- Triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán:

+ Hỏi bệnh sử, có thể bệnh nhân nghe thấy tiếng “rắc” sau chấn thương, sau đó gối sưng nề và hạn chế vận động do chảy máu trong bao khớp gối. Dù có được điều trị hay không thì các triệu chứng cũng tự hết sau vài tuần.

+ Lỏng gối
- Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại.
- Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng.
- Khi chạy nhanh có cảm giác sụm chân, dễ vấp ngã.
- Khi đi nhanh trên đường không bằng phẳng, dễ có cảm giác trẹo gối.
- Lên cầu thang cảm giác không thật chân, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

+ Teo cơ
Đùi bên chấn thương nhỏ dần so với bên lành do teo cơ. Triệu chứng này thường xuất hiện muộn nguyên nhân vì khớp gối lỏng lẻo dẫn đến bệnh nhân ít vận động do đau.
Teo cơ dễ xảy ra ở những người ít hoạt động như dân văn phòng, học sinh… Tuy nhiên đối với vận động viên thể thao, triệu chứng lỏng gối thường biểu hiện không rõ ràng vì cơ đùi rắn chắc làm cho gối vững giả tạo, mặc dù dây chằng chéo trước đã đứt hoàn toàn.

+ Các nghiệm pháp giúp chẩn đoán:
Các nghiệm pháp được bác sĩ thực hiện giúp chẩn đoán tổn thương dây chằng chéo trước gồm: ngăn kéo trước, Lachsman, Pivot shift đều dương tính tùy mức độ phụ thuộc vào mức tổn thương dây chằng.
Khi có các triệu chứng trên các bác sĩ sẽ cho chỉ định chụp X-quang và MRI khớp gối. Chụp X-quang giúp chẩn đoán các trường hợp bong dứt điểm bám và tình trạng xương.
Chụp cộng hưởng từ khớp gối ngoài giúp chẩn đoán đứt dây chằng còn giúp phát hiện các tổn thương kèm theo như sụn chêm, sụn khớp, dây chằng chéo sau, dây chằng bên…


Hình 3: Hình ảnh MRI đứt dây chằng chéo trước

3- Điều trị:

3.1 Điều trị bảo tồn:

3.1.1 Chỉ định:
- Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững
- Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
- Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng

3.1.2 Điều trị: chủ yếu dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, tập vật lý trị liệu tăng sức mạnh cơ tứ đầu đùi.

3.2 Điều trị phẫu thuật:
Phẫu thuật nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước đứt là phẫu thuật phổ biến hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới.
Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là sau 3 tuần kể từ khi bị chấn thương.

Phẫu thuật viên có thể dùng mảnh ghép bằng gân khác thay thế dây chằng chéo trước khớp gối đã bị đứt, có thể là mảnh ghép tự thân hoặc đồng loại. Tuy nhiên do hiện nay ở Việt Nam các ngân hàng mô chưa phát triển nên chủ yếu vẫn là dùng các mảnh ghép tự thân là chính. Các mảnh ghép tự thân hiện nay hay được sử dụng là: mảnh ghép gân hamstring, mảnh ghép gân bánh chè, mảnh ghép gân mác dài, mảnh ghép gân tứ đầu đùi…

Việc sử dụng mảnh ghép nào là tùy theo sở thích và kỹ năng được đào tạo của từng phẫu thuật viên, tuy nhiên mảnh ghép hamstring vẫn là mảnh ghép được ưa thích và hay dùng hơn cả.


Hình 4: Nội soi tái tạo dây chằng chéo trước 1 bó và 2 bó

Có nhiều kỹ thuật mổ nội soi tái tạo lại dây chằng chéo trước khớp gối. Hiện nay tại khoa Y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 chúng tôi có thể triển khai tất cả các kỹ thuật đó như: 2 bó 3 đường hầm, 2 bó 4 đường hầm, 1 bó 2 đường hầm và cho kết quả rất tốt. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào là tùy theo từng đối tượng bệnh nhân, kinh nghiệm và kỹ năng được đào tạo của từng phẫu thuật viên.

4- Tập vật lý trị liệu:

Sau mổ bệnh nhân sẽ được bất động chân phẫu thuật bằng nẹp Zimmer ở tư thế duỗi và đi 2 nạng không chống chân đau trong vòng 3 tuần. Sau mổ bệnh nhân sẽ được các kỹ thuật viên vật lý trị liệu hướng dẫn chườm đá chống sưng nề và tập vật lý trị liệu:

Quá trình tập vật lý theo từng giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: 2 tuần đầu sau mổ
Mang nẹp Zimmer 24/24h trừ khi tập, chườm đá gối chấn thương ngày 2-3 lần, mỗi lần từ 5-10 phút, tập lắc xương bánh chè, tập day sẹo vết mổ để chống dính, tập gồng cơ tĩnh, tháo nẹp tập gấp gối tới 60 độ. Tập nâng chân khỏi mặt giường.

+ Giai đoạn 2: từ tuần thứ 3 - tuần thứ 4
Tập gấp gối tăng dần, tiếp tục tập gồng cơ đùi và cẳng chân với lực cản tăng dần. Sau 3 tuần có thể bỏ nạng và nẹp Zimmer, tập đạp xe trong phòng.

+ Giai đoạn 3: sau 4 tuần
Tiếp tục tập gấp duỗi gối, tập gồng cơ với kháng lực tăng dần, tập lên xuống cầu thang, tập nhún đùi. Tập dáng đi bình thường.

Bệnh nhân chỉ trở lại với thể thao 9 tháng sau mổ.

BS.CK2 Trần Văn Dương
Phụ trách khoa Y học thể thao - Bệnh viện Nhân dân 115


Tài liệu tham khảo

1-Benvennuti JF(1998), “Objective assesement of anterior tibial translation in Laschman test position”.
2-Miller MD, Cole BJ,(2008), “Textbook of Arthroscopy”, Elsivier,
3-Murray MM at al(,2013), “The ACL handbook: Knee Biology,Mechanics, and Treatment”, Springer Science + Business Media Newyork
4-Prentice W E, Voigh ML(2001), Rehabilitation of the knee, Techniques in musculoskeletal Rehabilation
5- Nguyễn Văn Quang (1997), “Khám lâm sàng khớp gối”, Tạp chí y học Tp. Hổ Chí Minh, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080