Logo Bệnh viện Nhân dân 115
29/10/2017 10:32

Đừng dại dột mà dọa tự tử bằng Paraquat

Đó là khuyến cáo của TS. BS Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM). Bởi BS Vũ Đình Thắng đã chứng kiến nhiều trường hợp "dọa" tự tử nhưng chết thật.

TS.BS Vũ Đình Thắng bên cạnh bệnh nhân đang được cứu sống nhờ kỹ thuật “Lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính”. Ảnh: Đỗ Bá, báo Gia đình & Xã hội

Những cái chết dại dột

Hồi đầu năm 2017, bệnh nhân T.A.T (15 tuổi, ở Đồng Tháp) được chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, mỗi khi TS.BS Trưởng khoa Vũ Đình Thắng thăm khám, cháu T cứ nắm lấy vạt áo của ông mà lay nhẹ, ánh mắt trong veo: “Bác sĩ ơi, cứu con”. Bất chấp mọi nỗ lực từ phía bác sĩ, chất độc Paraquat cứ lần mòn đốt cháy mọi tế bào bên trong cơ thể cháu T do cháu uống quá nhiều và được phát hiện muộn. Trong vòng 20 ngày, BS Thắng luôn phải đối mặt với ánh mắt trong veo cùng lời khẩn cầu của cháu T.

BS Thắng chia sẻ: “Đắng lòng lắm! Độc chất Paraquat cứ hủy hoại dần bên trong cơ thể cho đến khi tử vong, trong suốt quá trình ấy bệnh nhân vẫn tỉnh táo và trò chuyện như bình thường”.

Theo BS Thắng, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 1-2 ca ngộ độc Paraquat với cùng lý do "dọa tự tử" như trường hợp bệnh nhân T. Giải thích lý do tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc Paraquat, vị chuyên gia Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho hay: Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai kỹ thuật "Lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính".

“Đầu năm 2005, lần đầu tiên chúng tôi cứu sống một nữ bệnh nhân ngộ độc Paraquat bằng kỹ thuật mới này. Cô gái này cũng chỉ 17 tuổi và cũng vì buồn chuyện gia đình mà uống Paraquat để dọa tự tử. May mắn thay, cô gái này sinh sống tại TPHCM nên được gia đình đưa đến đây trong vòng 2 giờ sau khi uống. Chúng tôi dùng kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính liên tục trong vòng 7 ngày (mỗi ngày lọc 8 tiếng) mới cứu sống được nữ bệnh nhân này", BS Thắng nhớ lại.

Người đồng thời là tác giả nghiên cứu ứng dụng và triển khai kỹ thuật "Lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính" đối với bệnh nhân ngộ độc Paraquat cũng nói thêm rằng, ứng dụng kỹ thuật này cũng chỉ giảm tỷ lệ tử vong từ 85% xuống còn 54% mà thôi.

“Đối với tình huống ngộ độc Paraquat, bác sĩ không có nhiều lựa chọn phương pháp điều trị. Với các phương pháp điều trị thông thường (uống than hoạt tính, súc ruột…) thì tỷ lệ sống được 25%, với lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính thì tỷ lệ sống được tối đa 46% (với điều kiện tiếp cận phương pháp này trong vòng 6-12 giờ sau khi uống và uống dưới 50ml). Vì vậy, dẫu cải thiện được tỷ lệ sống nhờ kỹ thuật này nhưng tốt nhất là đừng dại mà dọa tự tử bằng Paraquat”, BS Thắng đưa ra khuyến cáo.

Gia tăng cơ hội sống còn

Trên thực tế, với con số giật mình 1-2 ca ngộ độc Paraquat/ngày tại Bệnh viện Nhân dân 115, kết quả nâng cao tỷ lệ sống từ 25% lên 46% đã giữ được tính mạng rất nhiều bệnh nhân trót dại uống thuốc diệt cỏ này để dọa tự tử. Theo BS Thắng, kỹ thuật này không hề phức tạp, chỉ với cột than hoạt tính kết nối với máy lọc thận để “mượn đường” lấy máu ra ngoài cơ thể, lọc độc chất Paraquat qua cột than rồi đưa máu trở lại cơ thể.

“Paraquat từ dạ dày thấm vào máu rồi đi vào các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Vì vậy, lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính sẽ loại bỏ dần độc chất cho đến khi bệnh nhân xét nghiệm âm tính với Paraquat là hoàn tất quá trình. Thông thường, mỗi ngày lọc một lần, mỗi lần kéo dài 8 giờ và thực hiện trong vòng 5-7 ngày mới kết thúc”, BS Thắng giải thích thêm.

Thực tế, đa phần bệnh nhân "dọa tự tử" bằng cách uống thuốc diệt cỏ Paraquat lại đến từ khu vực nông thôn, vì vậy để tiếp cận kỹ thuật "Lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính" thường mất thời gian. Bên cạnh đó, chi phí cho mỗi lần lọc máu hấp phụ lên đến 12 triệu đồng. Tính ra để hoàn tất quá trình điều trị chi phí lên đến 60-84 triệu đồng. Tuy nhiên, kỹ thuật này ngoài ứng dụng gia tăng cơ hộ cứu sống bệnh nhân ngộ độc Paraquat, còn rất hữu hiệu đối với nhiều tình huống ngộ độc khác qua đường uống.

Nhằm gia tăng cơ hội sống còn của bệnh nhân ngộ độc, đặc biệt với ngộ độc do uống Paraquat, từ năm 2010, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhân dân 115 chuyển giao kỹ thuật "Lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính" trên toàn khu vực phía Nam. “Chúng tôi đã triển khai chuyển giao kỹ thuật này từ bấy đến nay trên toàn khu vực. Song do chi phí thực hiện kỹ thuật khá đắt nên không phải đơn vị nào cũng có điều kiện duy trì thực hiện liên tục”, BS Thắng cho biết thêm.

Bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc, BS Thắng chia sẻ: "Dọa tự tử đã là điều dại dột. Nhưng dọa tự tử bằng cách uống Paraquat chính là “đỉnh cao dại dột” và vạn lần không nên”.

Đầu tháng 2/2017, cụm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm” do GS.TS Nguyễn Gia Bình làm chủ nhiệm, với sự tham gia của 28 bác sĩ tại nhiều bệnh viện được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Trong đó có nhánh đề tài “Ứng dụng kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng cột than hoạt tính trong điều trị ngộ độc cấp” của TS.BS Vũ Đình Thắng.


Theo Thanh Giang
Báo Gia đình & Xã hội, ngày 14 Tháng 3, 2017

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080