Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/09/2017 17:19

Đêm bên lằn ranh sinh tử cùng khoa Cấp cứu Tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115

Khi đứng giữa lằn ranh sinh tử, các bác sĩ trực cấp cứu luôn phải giữ cho mình “trái tim nóng và cái đầu lạnh”.
Bởi lẽ, bác sĩ luôn phải có cái đầu lạnh, không để cảm xúc chi phối thì mới có thể tỉnh táo xử lý mọi tình huống một cách chuẩn xác.



Bác sĩ cấp cứu: Những con người có “thần kinh thép”

Tiếng còi xe cấp cứu vang vọng trong đêm khuya, cánh cửa khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115 mở toang. Đằng sau cánh cửa ấy như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ hỉ - nộ - ái - ố, là nơi thấm đẫm tình người, cũng là nơi chứng kiến niềm vui, nỗi buồn và cả sinh ly tử biệt…

Chưa đến 10 phút, 6 lượt xe cấp cứu liên tục đưa bệnh nhân đến, chẳng cần nhắc nhở, tất cả các y, bác sĩ và nhân viên có mặt ở đây đều biết cần phải làm gì. Sau câu hỏi ngắn gọn “Bệnh nhân bị làm sao?” những chiếc băng ca chở người bệnh nhanh chóng được đẩy vào phòng Cấp cứu.

Dường như bước chân của bác sĩ, điều dưỡng gấp gáp và vội vã hơn rất nhiều bước chân của người bình thường. Nhận ca lúc 21g, chưa kịp hoàn tất thủ tục tiếp nhận các bệnh nhân còn lại từ ca trực trước, nhưng ê kíp y bác sĩ khoa Cấp cứu đã liên tục đón nhận nhiều người bệnh mới.

Ê-kíp trực cấp cứu trong đêm 5/9 tiến hành ép tim, bóp bóng thở, tiêm thuốc... cho người bệnh ngưng tim

21g20, bánh xe của chiếc băng ca lăn nhanh cùng bước chân dồn dập, tiếng y lệnh của bác sĩ đưa cụ ông L.H.Q đã ngưng tim vào thẳng phòng Hồi sức. Và một cuộc chiến đầy khốc liệt chính thức bắt đầu. BS Nguyễn Thanh Quang, BS Phan Thành Duy cùng các điều dưỡng nhanh chóng tập trung ép tim, gắn máy móc, có người bóp bóng giúp thở, tiêm thuốc.

Gần 20 phút trôi qua, cả ê-kíp vẫn chưa dừng lại. Cứ vài lần nhồi tim, các bác sĩ lại nhìn qua máy điện tim tìm kiếm tia hy vọng. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt căng thẳng của các y, bác sĩ. Không gian nghẹn lại.

Sau cánh cửa là những ánh mắt lo lắng với theo của người nhà bệnh nhân...

Ngoài cửa phòng, người con trai như nín thở, mắt không ngừng nhìn về người bố mong một phép màu. Anh kể bệnh với bác sĩ, bố anh có tiền sử tắc động mạch cảnh 2 bên, cách đây 3 ngày ngất xỉu nhưng sau đó tự tỉnh dậy được. Đêm nay, cụ ông lên cầu thang thì bị tương tự như thế, anh vội vã đưa đến bệnh viện.

Tuy nhiên, do người bệnh ngưng tim quá lâu, đến bệnh viện trong tình trạng giãn đồng tử, dù bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng vẫn không mang được cụ Q. quay trở lại, gia đình xin về vì muốn bố được ra đi trong vòng tay con cháu.

Sau khi giải thích cho người thân, dù không nói ra cảm xúc nhưng ánh mắt bác sĩ hiện rõ sự bất lực, đau đớn khi chấp nhận “thua cuộc” trong cuộc chiến giành giật bệnh nhân với tử thần. Nhưng họ không được phép lơ là, gục ngã vì có rất nhiều bệnh nhân rất cần bác sĩ lúc này.

Dù ngày hay đêm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên BV Nhân dân 115 đều phải hoạt động hết công suất vì thường tiếp nhận rất nhiều ca do TNGT cũng như nhiều trường hợp bệnh nặng

Trong gian phòng lớn, tiếng rên siết của người bệnh, sự hốt hoảng của người nhà khi thấy tình trạng người thân xấu đi, tiếng của máy đo nhịp tim, máy thở… cứ đều đặn vang lên.

23g, các băng ca nằm san sát nhau chật kín, các y bác sĩ không ngừng tay, tập trung cao độ công tác khám, điều trị. Phòng chụp CT-Scan, X-Quang, tiểu phẫu… vẫn luôn hoạt động hết công suất.

Cánh cửa phòng cấp cứu đóng mở liên hồi, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, có thể là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, do mâu thuẫn thanh toán lẫn nhau, ngộ độc hoặc muốn buông bỏ cuộc sống nên tự kết liễu…

Gương mặt căng thẳng, cả bố và mẹ anh T.V.C (1987, Q.3, TPHCM) níu tay bác sĩ để nhờ cứu con mình. Được biết, anh C đang trên đường về nhà sau một “cuộc vui” thì bị tai nạn, té đập đầu xuống đất. Gia đình hay tin lập tức đưa anh vào viện. Thi thoảng, anh con trai lại nôn mửa, bác sĩ khẽ dặn người thân để nghiêng đầu sang một bên để tránh hít phải chất nôn vào phổi. Sau đó, đưa vào chụp CT-Scan và tiếp tục theo dõi.

Các bác sĩ cùng hội chẩn cho một ca bệnh khó

1g50 phút sáng, tiếng khò khè lớn như tiếng ngáy của bệnh nhân N.D.K (SN 1968) bị tai biến được chuyển lên từ BV Quân dân miền Đông khiến các bác sĩ trong phòng cấp cứu bật dậy, thần kinh “căng như dây đàn”. Lập tức, người bệnh được chuyển vào phòng Hồi sức bóp bóng, đặt nội khí quản. Qua CT-Scan, bác sĩ chẩn đoán vỡ mạch máu dẫn tới hôn mê. Mặc dù cơ hội không cao, nhưng cả ê-kíp đều chiến đấu với tinh thần “còn nước là còn tát”.

Trong vai trò trưởng tua trực, BS.CK1 Trần Hùng Tấn - 20 năm công tác tại Khoa Cấp cứu Tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 - có nhiệm vụ điều khiển các hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Anh cho biết: “Đặc thù của Khoa Cấp cứu là phải nhanh, bình tĩnh, sẵn sàng ứng phó cho tất cả các loại bệnh. Đôi lúc, ngồi đó tay viết nhưng mắt và tai phải nghe ngóng khắp phòng để theo dõi, phát hiện kịp thời những ca chuyển nặng, từ đó có hướng xử trí thích hợp”.

Công việc bớt căng thẳng hơn từ tầm 4g sáng, nhưng ê-kíp trực cấp cứu vẫn luôn tay, tận tụy thăm hỏi người bệnh này, giải quyết yêu cầu, tư vấn cho thân nhân khác kéo dài đến 7g sáng hôm sau mới kết thúc. Những gương mặt phờ phạc, đôi mắt mệt mỏi sau đêm dài nhưng không một ai than phiền.

Nghề y - Lắm rủi ro nhưng nhiều ý nghĩa

Khoa Cấp cứu không chỉ là nơi để cứu sống bệnh nhân, ở đây còn được nghe, cảm nhận về tình người, tình thân trong gia đình. Đó là một người mẹ chân bước không vững nhưng ân cần nâng đầu, động viên tinh thần khi con trai bị tai nạn. Đó là cô bé 16 tuổi vừa chăm sóc bà vừa tranh thủ học bài cho kịp buổi lên lớp ngày mai. Đó là người con trai bật khóc nức nở, lặng lẽ ôm hôn khắp người bố vì sau lễ Vu Lan này, bông hồng cài trên ngực anh đã chuyển thành màu trắng…

Hay một thanh niên chạy đôn đáo đưa người phụ nữ không thân thích nhập viện trong tình trạng hôn mê. Được bác sĩ thông báo bị xuất huyết não, tiên lượng xấu, anh lại tìm mọi cách liên lạc với thân nhân người bệnh. Đến phút cuối, khi người phụ nữ ấy đi hết kiếp người, anh cũng là người bên cạnh, động viên và giúp đỡ gia đình.

BS Nguyễn Lê Tùng luôn trong tư thế khẩn trương khi những tiếng kêu "bác sĩ ơi" trong phòng cấp cứu không ngưng nghỉ. Người kêu nhức đầu, người đau chân, người đau bụng, người cảm thấy khó thở…

Chỉ khi có mặt ở phòng cấp cứu thời điểm này, người ngoài mới hiểu hết công việc của tập thể y, bác sĩ tại đây. Họ không chỉ có nhiệm vụ cứu người, không chỉ đẩy hết bệnh nhân vào phòng, đóng cửa lại rồi... muốn làm gì thì làm như một vài thông tin thường thấy trên mạng, mà bên trong là một áp lực khủng khiếp về tinh thần.

Trong phút rảnh rỗi hiếm hoi, BS.CK1 Trần Hùng Tấn bày tỏ, hơn 20 năm công tác tại khoa Cấp cứu anh chưa biết đến ngày lễ tết là thế nào, bởi cấp cứu là công việc chiếm toàn thời gian 24/24, phức tạp và áp lực, đòi hỏi sự linh hoạt, nhanh nhạy và có mặt bất cứ lúc nào. Nhiều khi, công việc bận túi bụi đến mức trời mưa hay nắng cũng chẳng biết.

“Bệnh nhân ngày càng tăng trong khi số lượng bác sĩ của khoa gần như không thay đổi, đôi lúc mệt đến mức “oải”, tưởng như muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, chỉ cần sát cánh cùng những đồng nghiệp là đã thấy vui rồi. Hơn nữa, mỗi ngày trực cấp cứu, chúng tôi chỉ thấy người bệnh mới chứ không gặp lại những gương mặt cũ, đây cũng được xem là niềm hạnh phúc rất lớn” - BS Tấn lạc quan chia sẻ.

Bên cạnh chuyên môn, năng lực cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ còn phải có một sự tinh tế, khéo léo nhất định trong cách cư xử với người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh vai trò trưởng tua, cấp cứu cho các bệnh nhân, BS.CK1 Trần Hùng Tấn (giữa) - 20 năm công tác tại Khoa Cấp cứu Tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115 còn tranh thủ thời giờ thị phạm cho các bác sĩ trẻ

Nói về những khó khăn mà người bác sĩ trực cấp cứu phải trải qua, BS Nguyễn Lê Tùng cho biết: “Các ca cấp cứu tại đây đa phần trong tình trạng nguy cấp, lượng bệnh đông và phức tạp. Do đó, ai cũng muốn người nhà mình được ưu tiên khám trước, dễ phát sinh mâu thuẫn, nhiều trường hợp quát mắng, đe dọa bác sĩ. Thậm chí, nhiều băng đảng giang hồ gây hấn, sau đó kéo nhau tới bệnh viện. Mặc dù nơm nớp lo sợ nhưng với bác sĩ không điều gì quan trọng hơn là phải cứu chữa bệnh nhân”.

Ngoài chuyện bị đánh, chửi, vị bác sĩ trẻ cho hay, hơn ai hết những bác sĩ tại khoa Cấp cứu luôn là đối tượng dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm nhất bởi khi có trường hợp nguy kịch sẽ không kịp đeo găng, mặc áo bảo hộ. Lúc này, không có thời gian tính toán thiệt hơn, chỉ biết sẵn sàng cho mọi trường hợp.

Vĩ thanh...

Dù phải đối mặt với nhiều rủi ro, làm việc trong áp lực lớn và rất ít thời gian nghỉ ngơi, nhưng theo BS Phan Vân Đình, hầu như không một y bác sĩ nào muốn bỏ cuộc. Ở bệnh viện, chúng tôi luôn nhìn vào tấm gương của các bậc đàn anh đi trước. Tất cả đều không dễ dàng từ bỏ. Dù chính các anh - những người anh lớn - ngoài việc cứu người còn gánh trên vai trách nhiệm chèo chống, dạy dỗ cho những bác sĩ đàn em.

Ai đó nói nghề y không chỉ là “nghề”, mà còn là “nghiệp”. Bởi nghề y là nghề phải học trọn đời, học mải miết, học trên giảng đường, học trong phòng bệnh và học từ chính cuộc sống. Và để trụ lại với công việc này, không chỉ là sự nỗ lực chuyên môn, trách nhiệm mà còn có ngọn lửa đam mê, và cả cái nghiệp cứu người thiêng liêng đã chọn họ - những “thiên thần áo trắng”.

Theo Phương Nguyên - Viết Hưởng
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080