Logo Bệnh viện Nhân dân 115
05/10/2017 11:12

Cứu sống ngoạn mục bệnh nhân chảy máu không rõ nguyên nhân

Đó là trường hợp hy hữu của anh Huỳnh Thanh T. (Sinh năm 1974, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được chuyển tới Bệnh viện Nhân dân 115 vào lúc 22g12 ngày 12/9 trong tình trạng đa chấn thương, khó cầm máu.
Theo chị Nguyễn Thị D. (vợ anh T.), 14 năm trước do sơ ý tai nạn lao động, anh T. bị chấn thương cột sống, chấn thương nặng 2 chân. Anh được phẫu thuật tại một bệnh viện lớn tại TPHCM, nhưng do dập tủy nên anh T. bị liệt 2 chân, mất chức năng đi lại. Năm 2010, anh T. bị loét cùng cụt và 2 bên hông do nằm quá lâu và không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân được chuyển xuống một bệnh viện tại TPHCM để nạo mủ. Bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử các nhóm cơ, mạch máu... vùng loét.

Khoảng tháng 8/2017, bệnh nhân T. có hiện tượng liên tục chảy máu tại vị trí loét vùng mông, không thể cầm máu. Anh T. nhanh chóng được đưa tới bệnh viện địa phương và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị.

Vị trí điểm chảy máu của anh T. qua hình ảnh DSA

Tại khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, sau khi thực hiện các xét nghiệm chụp chiếu ban đầu, bệnh nhân vẫn khó xác định được nguyên nhân gây chảy máu liên tục. Phương pháp tạm thời được đưa ra là cầm máu bằng gạc nhưng không hiệu quả, bệnh nhân phải được truyền máu liên tục bù lấp lượng máu đã mất.

BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn - khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình - bác sĩ điều trị cho anh T. cho biết: Việc cầm máu cho bệnh nhân là một thách thức khá lớn đối với bác sĩ và mỗi kíp trực. Bệnh nhân được chuyển qua BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (Quận 8) để ưu tiên điều trị một số vấn đề, tuy nhiên do tình trạng máu chảy quá nhiều nên anh T. được chuyển về lại bệnh viện.

Bệnh viện tổ chức hội chẩn do BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh chủ trì, với sự phối hợp của các chuyên khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Lồng ngực mạnh máu, Gây mê - Hồi sức ngoại... nhằm tìm cách tìm nguyên nhân và chặn đứng tình trạng máu chảy dữ dội, đồng thời phải mở đường hậu môn cho ra ngoài. Tuy nhiên, việc ghép da tại vị trí loét bất thành do không xác định và cầm được máu. Huyết áp bệnh nhân giảm mạnh.

Phương án thứ hai được đưa ra có hiệu quả cao đó chính là phối hợp với Đơn vị Can thiệp mạch máu - khoa Chẩn đoán hình ảnh, dùng DSA để tìm nguyên nhân và giải quyết tình hình.

Sức khỏe của anh T. (bệnh nhân nằm) diễn tiến khá tốt sau ca phẫu thuật

BS.CK2 Nguyễn Đức Khang - trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: Sau khi chẩn đoán xác định vị trí máu chảy qua DSA, luồn ống thông đi từ động mạch đùi và dùng keo sinh học làm thuyên tắc mạch cầm máu. Đây là phương pháp can thiệp tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả tối ưu.

Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo và có thể ăn uống, nói chuyện như bình thường. Tình trạng cầm máu được giải quyết triệt để, huyết áp trở về trạng thái ổn định.

Bệnh nhân đã được xuất viện vào ngày 25/9 và tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080