Logo Bệnh viện Nhân dân 115
09/10/2017 13:00

CLB Bệnh nhân thận: “Thêm sức” cho hành trình tiếp lửa sống

Đều đặn mỗi tháng, CLB Bệnh nhân Thận - Bệnh viện Nhân dân 115 lại được tổ chức một lần, không chỉ để truyền đạt kiến thức mà đơn giản đây là dịp mà bác sĩ - người bệnh gặp nhau, giao lưu và… “tiếp lửa” trong hành trình chống lại căn bệnh thận mạn.
Buổi sinh hoạt CLB Bệnh nhân Thận lần thứ 5 được tổ chức ngày 4/10 với chủ đề “Bệnh Thận mạn và những điều cần biết”.

Buổi sinh hoạt CLB Bệnh nhân Thận được tổ chức mỗi tháng 1 lần

Hai bài trình bày với các nội dung:

- “Vai trò của chế độ ăn giảm đạm trong bệnh thận mạn” do BS.CK1 Lê Thị Hồng Vũ trình bày.

- “Phòng ngừa và phát hiện bệnh thận mạn” được thực hiện bởi BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội Thận - Miễn dịch ghép - Bệnh viện Nhân dân 115.

BS.CK1 Lê Thị Hồng Vũ

Như thường lệ, hơn 100 ghế ngồi tại Hội trường - Bệnh viện Nhân dân 115 gần được lấp đầy. Có người còn quay phim hay phát trực tiếp lên mạng xã hội (livestream) để nhiều người cùng được cập nhật.

Mỗi một buổi sinh hoạt là một kiến thức mới mẻ và đong đầy tình cảm.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt

1. CLB Bệnh nhân Thận là nơi để bệnh nhân Thận mạn đến được cập nhật những kiến thức mới nhất, nghe để thuộc và nghe để cùng sẻ chia cho nhau.

Lượng bệnh nhân quá đông, với hơn 1.300 ca/ năm/ 13 bác sĩ đã khiến cho việc giải thích, dặn dò điều trị trở nên hạn chế. Nhu cầu giải đáp thắc mắc trở nên thiết thực và cần thiết, vừa giải tỏa nỗi lo, vừa là phương tiện để bệnh nhân cộng tác hữu hiệu vào việc điều trị bệnh hiệu quả.

Muốn thắng được bệnh thì bác sĩ và bệnh nhân phải cùng một chiến tuyến, quyết tâm!

“Trong vài tiếng ngắn ngủi, đừng nghĩ đến chuyện gì hết, mình tạm gác tất cả những chuyện ngoài kia. Ở đây, mình nghe, nhìn, nhớ và mình làm theo… là điều mà tôi rất mong mỏi và vui mừng. Chỉ có thế thì bệnh mới có tiến triển tốt lên được” - BS.CK2 Tạ Phương Dung bộc bạch.

2. “Chúng ta là một gia đình. Khoa Nội thận là ngôi nhà thứ hai của các bạn”. BS.CK2 Tạ Phương Dung luôn tâm niệm và chia sẻ như thế với nhân viên của mình và với bệnh nhân. Bởi, nếu chạy thận, bệnh nhân phải đến bệnh viện ba lần/tuần, mỗi lần 3 - 4 giờ để lọc máu và phải đến bệnh viện suốt đời.


Thế nên, ít có khoa nào mà bác sĩ - bệnh nhân lại thuộc tên nhau đến thế, gặp nhau thường xuyên đến vậy. Và cũng sẽ dễ hiểu vì sao mà bác sĩ khoa này lại “khoái” nói những câu “hẹn gặp lại” với bệnh nhân đến vậy. Đơn giản, còn gặp là còn sống!

CLB Bệnh nhân Thận cũng thế, đó là những buổi “họp gia đình”.

3. “Bị bệnh rồi thì cứ điều trị, sao cứ phải họp, phải học phòng tránh” - đó là thắc mắc không hiếm bắt gặp. Không! Điều trị sẽ bất thành nếu bệnh nhân không biết/ tuân thủ những lưu ý khi điều trị.


Chỉ cần bệnh nhân ăn nhiều muối, sử dụng những thực phẩm giàu natri, kali, phospho hay uống quá nhiều nước thì việc điều trị sẽ dẫn đến thất bại.

Biết để áp dụng. Biết những kiến thức trong mỗi buổi sinh hoạt còn để chia sẻ cho người thân, bạn bè xung quanh biết cách phòng bệnh, phát hiện sớm để có hướng điều trị sớm, tích cực nhất. Thế nên, đừng ngại đặt câu hỏi, sẻ chia và cả… livestream.


4. Khép lại mỗi buổi sinh hoạt, BS Phương Dung đưa ra lời khuyên những người có nguy cơ cao, lớn tuổi nên có chế độ ăn giảm đạm (không phải kiêng tuyệt đối), giảm muối, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn, không rượu bia, thuốc lá. Và tất nhiên, vị trưởng khoa này luôn tạm biệt và “hẹn gặp lại” bệnh nhân của mình tại khoa và những buổi chia sẻ kiến thức lần tiếp theo.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080