Logo Bệnh viện Nhân dân 115
06/08/2019 07:10

Chăm sóc bệnh nhân có lỗ mở khí quản tại nhà

Chăm sóc lỗ mở khí quản tại nhà bao gồm: thay băng, rửa lỗ mở khí quản, thay canuyn (hoặc vệ sinh canuyn), chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động phù hợp và tái khám đúng hẹn.

1. Lỗ mở khí quản là gì?

- Lỗ mở khí quản (lỗ thở) là một đường thông khí đưa không khí vào thẳng khí quản mà không qua đường mũi họng.

- Lỗ thở này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong trường hợp mở lỗ thở lâu dài, người bệnh phải biết cách vệ sinh, chăm sóc nó để tránh nhiễm trùng.


2. Chăm sóc lỗ mở khí quản như thế nào?

Chăm sóc lỗ mở khí quản tại nhà bao gồm: thay băng, rửa lỗ mở khí quản, thay canuyn (hoặc vệ sinh canuyn), chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động phù hợp và tái khám đúng hẹn.


3. Những lưu ý khi thay băng, rửa lỗ mở khí quản?

- Thay băng, rửa vết mổ mở khí quản 1 lần mỗi ngày.

- Quan sát tình trạng vùng da xung quanh mở khí quản khi thay băng, tái khám ngay khi thấy dấu hiệu vùng da xung quanh mở khí quản sưng, đỏ, chảy máu, chảy mủ…

- Kiểm tra vị trí ống mở khí quản, kiểm tra dây cột mở khí quản được cột vừa vặn (nhét vừa 2 ngón tay), tái khám ngay khi thấy ống mở khí quản tụt hoặc rơi ra ngoài.

- Kiểm tra màu sắc, tính chất đàm nhớt trong ống mở khí quản mỗi khi thay băng, tái khám ngay khi thấy đàm nhớt tăng, lẫn máu, mủ, hoặc nghẹt đàm, tắt ống.

- Che lỗ mở khí quản bằng 1 miếng gạc ẩm để tránh bụi bẩn và dị vật rơi vào đường thở.

4. Thay mới hoặc vệ sinh nòng trong mở khí quản như thế nào?

- Bệnh nhân nên tái khám đúng hẹn để được kiểm tra thay mới hoặc vệ sinh nòng trong mở khí quản đúng cách để tránh các biến chứng.

- Việc thay mới phải do bác sĩ thực hiện tại bệnh viện hay phòng khám có đủ trang thiết bị cấp cứu.


5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động như thế nào?

- Bệnh nhân nên uống nhiều nước, ăn bổ sung thêm rau xanh và trái cây.

- Sử dụng máy tạo hơi nước trong phòng... để tránh viêm phổi, nhất là trong mùa đông.

- Khi ngủ, tránh để chăn hay ga giường bịt vào lỗ thở. Khi tắm, nên che chắn lỗ thở và phải cẩn thận tránh để nước bắn vào đường thở gây ho, sặc, ngạt thở.

- Luyện tập thể thao nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khỏe.


7. Tái khám khi nào?

Nên tái khám ngay khi có 1 trong các triệu chứng sau: sốt cao, khó thở, ho nhiều, đàm nhớt tăng nhiều hoặc lẫn máu mủ, tụt hoặc rơi ống mở khí quản, vùng da xung quanh mở khí quản sưng, nóng, đỏ, đau, chảy máu, chảy mủ...

 

ĐD Nguyễn Phạm Hồng Tâm

PT ĐDT khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhân dân 115

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.      Lê Thị Bình (2010), Điều dưỡng cơ bản 1 và 2, Bộ Y tế, Nhà xuất bản Giáo dục

2.      Trịnh Văn Minh, Hoàng Văn Cúc (1999), Giải phẫu người, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

3.      Nguyễn Tấn Cường (2011), Chăm sóc mở khí quản và người bệnh có mở khí quản - Điều dưỡng Ngoại 2, Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội.

4.       Đỗ Đình Xuân (2007), Phụ giúp thầy thuốc mở khí quản - Điều dưỡng cơ bản tập II, Nhà xuất bản Y học  Hà Nội.

5.       Frances Donova Monahan Marianne Neighbors (1998), Knowledge Base for Patients with Resiraratory Dysfunction, chapter 14 Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice 2 nd Edition, WWB Saunders.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080