Logo Bệnh viện Nhân dân 115
24/11/2017 14:11

BS.CK2 Trần Văn Dương tư vấn cách khắc phục chấn thương thể thao

Sáng 23/11, BS.CK2 Trần Văn Dương - BV Nhân dân 115 tư vấn cách khắc phục chấn thương thể thao, tai nạn lao động, tai nạn giao thông... với bạn đọc Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi.
s 
Không chỉ trong thể thao mà thường ngày, chúng ta hay gặp các chấn thương trong tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông… nhiều bạn đọc AloBacsi thắc mắc về thời gian phục hồi, cách vận động, chăm sóc bệnh nhân bị chấn thương như thế nào…
Sáng 23/11, BS.CK2 Trần Văn Dương - Phụ trách khoa Y học thể thao, BV Nhân dân 115 sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc AloBacsi để giải đáp những thắc mắc này.
Từ bây giờ, quý bạn đọc có thể gửi câu hỏi đến email: tuvan@alobacsi.vn hoặc trong thời gian diễn ra buổi giao lưu từ 10g-11g30, bạn có thể gọi hotline 08983 08983 để được BS Dương tư vấn trực tiếp.
 
Nội dung tư vấn của BS.CK2 Trần Văn Dương
 
- Ngô Hoàng Khang - TPHCM
 
Chào BS,

Cho em xin hỏi. Cách đây 1 tháng khi chơi thể thao em có bị lật bàn chân (bong gân) cảm giác rất đau, lúc đó em có dùng nước đá chườm cho bớt đau, sau khoảng vài ngày em có thể đi lại bình thường.

1 tuần sau cảm giác đau gần như là không còn chỉ âm ỉ một chút, em có chơi lại thể thao và cảm giác đau nó quay lại, đến khoảng vài ngày thì hết nhưng mỗi khi em chơi thể thao thì cái cảm giác đau ấy trở lại.

Sáng ngủ dậy thường cảm nhận rõ đau ở trong bàn chân hơn.
 
Trường hợp như em có nên đi khám tại BV không? Và khám khoa nào ạ? Em cảm ơn BS!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào bạn Khang,
 
Theo như mô tả của bạn thì bạn đã gặp một chấn thương ở vùng cổ chân. Trước hết xin chúc mừng bạn đã biết sơ cứu đúng cách là chườm đá vào vùng bị chấn thương.

Tuy nhiên sau một thời gian nghỉ ngơi và điều trị mà bạn vẫn còn đau khi vận động chứng tỏ có tổn thương ở vùng cổ chân, có thể là dây chằng vì nếu tổn thương xương thì bạn sẽ không vận động được.
 
Bạn lên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị cho bạn.
 
- Nguyễn Hiệp Lộc - Đà Nẵng
 
Chào BS Dương,
 
Cháu đang học võ. Khi tập xoạc chân hay đá cao thì cháu hay bị đau phần đùi bên phải. Nếu vậy cháu có thể tiếp tục học võ được không ạ? Hay cháu nên khắc phục như thế nào, nhờ BS hướng dẫn giúp cháu.
 
Cháu cảm ơn BS rất nhiều!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Bạn Lộc thân mến,
 
Khi bạn xoạc chân hay đá cao mà đau phần đùi bên phải phía trong thì thường do cơ khép đùi bị kéo dãn đột ngột, do đó bạn cần phải khởi động kỹ trước khi tập và kéo dãn từ từ để cơ thể thích nghi. Bạn vẫn có thể theo đuổi niềm đam mê võ thuật của mình được.
 

s

 
- Cà Văn Dục - kaxuan...@gmail.com
 
Chào AloBacsi,
 
Cháu bị tai nạn lao động rơi trên nóc nhà xuống. Đi chụp X-quang BS bảo cháu bị rạn xương chậu và bó bột một tuần rồi cho cháu xuất viện.
 
BS bảo về nhà đắp thuốc nam, hạn chế vận động là vài tháng sẽ khỏi. Nhưng cháu bị 4 tháng rồi mà chưa khỏi.
 
Cháu vẫn phải đi bằng nạng, chỉ bỏ nạng đi được khoảng 10 mét. Cháu thấy chân đi khập khiễng, chân thấp chân cao và cảm giác đau nhói ở khớp háng.

AloBacsi hãy cho cháu biết khoảng bao lâu nữa cháu mới có thể đi lại bình thường và sau này có bị biến chứng gì không ạ? Cháu cảm ơn BS nhiều.

BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn,
 
Theo như mô tả của bạn sau 4 tháng điều trị mà bạn vẫn còn cảm giác đau ở khớp háng và chân thấp chân cao thì có thể bạn bị gãy khung chậu di lệch lên trên hoặc trật khớp háng. Do đó, bạn cần khám lại ở các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị kịp thời.

Nếu bạn ở phía Nam có thể khám ở BV Chợ Rẫy, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115…
 
- Lê Xuân Thắng - duycanh...@gmail.com
 
Chào AloBacsi,
 
Em bị ngã đập tay xuống và giờ bị hơi nhô đầu xương đòn lên ở vai phải mọi cử động tay vẫn bình thường. Em đi khám thì không bị gãy xương, chụp X-quang, người chụp nói theo dõi bán trật khớp cùng vai đòn.
 
Em đưa BS khoa ngoại xem phim rồi khám, sờ vai và cử động, BS bảo là em bị viêm khớp do sau chấn thương và cho uống thuốc hẹn 1 tháng sau khám lại.
 
Em cũng đi kiểm tra lại tại BV tư nhân thì BS cũng kết luận vậy.
 
Cho em hỏi, với triệu chứng đầu xương đòn hơi nhô lên vậy có phải là bán trật khớp hay bị viêm khớp ạ? Liệu uống thuốc chỗ nhô có hết không? Em cảm ơn AloBacsi!

BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Em Thắng thân mến,

Theo những mô tả của em thì em đã bị trật khớp cùng đòn. Trật khớp này không ảnh hưởng tới chức năng mà chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Đối với bệnh này, uống thuốc không hết được, muốn hết trật khớp em cần khám ở các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám và phẫu thuật nắn lại khớp cùng đòn, tái tạo lại dây chằng cho em.
 
- Nguyễn Ngọc Cường, 35 tuổi - TPHCM
 
BS cho cháu hỏi,
 
Đầu gối cháu lâu lâu nó nhức nhẹ một cái, bắp chân và cơ đùi hay đau là sao, thưa BS?
 
Cháu khám ở Thủ Đức, BS cho chụp MRI thấy ghi kết quả xương đùi không sao, gân cơ và cơ đùi không sao, mạch máu thần kinh không thấy bất thường mà sao cháu đứng lâu là mỏi cơ (BS không cho thuốc gì hết nói về chơi thể thao là được).

Mong BS Dương tư vấn giúp cháu. Cháu cảm ơn BS ạ!

BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào bạn Cường,
 
Theo như mô tả của bạn, đã chụp MRI bình thường thì có thể bạn bị đau là do quá tải. Vì vậy bạn cần nghỉ ngơi, không nên đứng một tư thế quá lâu, nên chuyển đổi hoạt động nghỉ ngơi giúp cho các gân cơ xương khớp chi dưới có thời gian phục hồi.
 
- Bạn đọc Thanh - thanh...@gmail.com
 
Chào BS ạ,
 
Em bị gãy xương chêm trong bàn chân, hôm nay đi bó bột, BS dặn kê cao chân, mà em không biết ngày nào cũng vậy hay là 72 giờ đầu thôi ạ?

Khi kê cao chân em bị tê chân, cảm giác tê như hàng ngàn con kiến cắn ở phần bàn chân dưới mấy ngón chân.Như thế có sao không? Với lại gót chân của em hơi đau do tỳ chân.

Mong BS tư vấn giúp em với ạ!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào em Thanh,
 
Sau chấn thương các mô mềm sẽ bị đụng dập dẫn đến sưng nề đặc biệt là ở chi dưới, do đó kê cao chi sẽ giúp tuần hoàn trở về tim thuận lợi hơn, giúp giảm sưng nề.

Khi chân còn sưng nề thì nên kê cao chân giúp giảm sưng nề chứ không giới hạn thời gian.

Tuy nhiên, như những triệu chứng em mô tả có thể em đã bị chèn ép bột. Em lên tái khám để các bác sĩ khám lại và xử lý kịp thời cho em nếu có chèn ép bột.
 
- Bùi Tiên Sinh - Gò Vấp
 
Chào BS,
 
Tôi 69 tuổi, bị cao huyết áp, mỗi ngày đều uống thuốc. Cũng mấp mé bị tiểu đường nhưng hiện tại chỉ điều chỉnh ăn uống chứ chưa uống thuốc tiểu đường. Tôi có hút thuốc lá, không bỏ được. Và có 1 cái “bụng bia”, tôi hạn chế bia rượu vài năm nay rồi nhưng vòng bụng không giảm.

Hiện tại tôi cũng bị giãn tĩnh mạch chân, 2 cổ chân sưng phù. Sau khi uống thuốc kết hợp đi vớ chuyên dụng thì cũng giảm nhiều. Nhưng tôi để ‎ý đến buổi chiều thì vẫn còn sưng hơn buổi sáng một chút.
 
Trước kia tôi hay đi bộ mỗi ngày 30 phút. Từ khi bị giãn tĩnh mạch chân, có ngày đi, có ngày không. Tôi không biết với sức khỏe hiện nay của tôi thì nên thể dục như thế nào, có đi bộ 30 phút như trước được không? Mong BS hướng dẫn cho tôi được rõ. Xin cảm ơn BS!

BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào bác,

Với tuổi như bác và có cao huyết áp, giãn tĩnh mạch chi… thì bác vẫn có thể tập thể dục được để duy trì sức khỏe nhưng bác nên lựa chọn những môn thể dục nhẹ nhàng phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe của mình như tập yoga, đi bộ… với thời gian khoảng 30 phút mỗi ngày là đủ.
 
Chúc bác khỏe, vui.

s 

 
Kính gửi BS Dương,
 
Con 18 tuổi. Con là nữ mà giờ cao 1m79 rồi BS ơi.
 
Con rất sợ bị cao thêm. Gần đây con không dám ăn nhiều nên khá là mệt mỏi, ảnh hưởng đến học hành. Nhưng nếu ăn nhiều con sợ mau bị cao thêm nữa. Dáng đi của con cũng hơi gù gù vì con hay cúi.

BS ơi, có phải con sẽ cao thêm nữa cho tới hết 23 tuổi? Con có nên đi khám nội tiết không? Nếu khám nội tiết mà không có bệnh thì làm sao để hết cao thêm? Con nghe nói tập tạ và không ăn đồ ăn có canxi sẽ giúp hạn chế chiều cao, có đúng không BS?
 
Con rất mong nhận được‎ ý kiến của BS. Chúc BS luôn vui khỏe, thành công!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Mỹ Tiên thân mến,
 
Vì em không nói rõ là trong gia đình bố mẹ em có cao không, nhưng nếu em băn khoăn về chiều cao của mình thì em nên đến khám ở các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để các bác sĩ chuyên khoa khám cho em.
 
Nếu tất cả các chỉ số nội tiết của em là bình thường thì em nên tự hào về chiều cao của mình và biết đâu trong tương lai Việt Nam có một người mẫu hoặc vận động viên tầm cỡ quốc tế là em.
 
- Quang Dũng - Tân Bình
 
Thưa BS,
 
Em chơi đá banh và bị đau gối, nghỉ hơn tháng. Đến nay chân đi bình thường nhưng co duỗi khớp gối kêu lộp cộp, vận động mạnh như chạy hay lên xuống cầu thang thì hơi đau nhẹ.
Không biết tình trạng vậy là sao, thưa BS? Em năm nay 33 tuổi ạ.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào bạn Quang Dũng,
 
Theo như mô tả của bạn thì có thể bạn đã bị một tổn thương ở vùng khớp gối, có thể ở đây là sụn chêm. Bạn nên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa y học thể thao để các bác sĩ khám và chụp MRI khớp gối, chẩn đoán chính xác vị trí và kiểu rách, từ đó sẽ đề ra phương pháp điều trị sớm và phù hợp cho bạn.

Tùy thời gian và vị trí của vùng tổn thương, nếu bệnh nhân đến sớm trước 3 tuần kể từ khi chấn thương, và rách sụn chêm ở vùng có nhiều máu nuôi, các BS sẽ khâu sụn chêm rách qua nội soi. Còn nếu đến trễ sau 3 tuần và rách sụn chêm ở vùng không có máu nuôi, BS sẽ mổ và cắt tạo hình sụn chêm rách qua nội soi.
 
- Băng Nhi, 13 tuổi - Hà Nội

Thưa BS Dương,

Cháu bị đau đùi phải gần háng do xoạc dọc. Lúc cháu xoạc tự nhiên có tiếng "tựt", cảm thấy như bên trong đùi có gì bị đứt. Từ lúc đó trở đi cháu không thể giơ chân cao, khi giơ cao cảm thấy đau ở chỗ bị "tựt" và không thể xoạc xuống như lúc trước nữa.

Không biết cháu có bị gì nghiêm trọng không và cách chữa trị như thế nào? Mong BS giúp đỡ cháu.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào cháu Nhi,

Như các triệu chứng cháu mô tả có thể cháu đã bị đứt cơ khép đùi. Cháu cần khám ở các bệnh viện có chuyên khoa y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám, chụp MRI chẩn đoán xác định tổn thương và điều trị sớm cho cháu.

Nếu đứt cơ khép đùi thì BS sẽ phẫu thuật khâu lại cơ đứt. Thời gian phục hồi khoảng 6-8 tuần, sau đó cháu có thể vận động bình thường.

a
 
- Phạm Hải Long - Vĩnh Long
 
Chào BS,
 
Em phẫu thuật xương đòn bằng nẹp vít được 6 tuần. Hiện tại biên độ hoạt động của tay cũng khá nhưng mấy ngày gần đây chỗ nẹp có cảm giác rất cộm, cơ ngay xương đòn căng lên có cảm giác như bẩy xương lên. Đồng thời nhói đau chỗ gãy khi bước đi mạnh.

BS cho em hỏi là có bị bung nẹp không? Và như vậy là xương chưa lành phải không ạ? Em có nên đi tái khám luôn không? Cám ơn BS!

BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn,
 
Vì xương đòn nằm sát ngay dưới da lên có thể sờ thấy xương và nẹp vít. Tuy nhiên, bạn nên đi tái khám lại để các bác sĩ chụp phim X-quang cho bạn để theo dõi tiến trình liền xương và các biến chứng có thể xảy ra như bung nẹp vít chẳng hạn.

Nếu thật sự bị bung nẹp vít thì BS sẽ phẫu thuật lấy nẹp vít bị bung và kết hợp xương lại cho bạn.
 
- L. V. Tài - tailinh...@gmail.com
 
Chào BS,
 
Dạ thưa BS, em bị tai nạn giao thông, bị gãy nát xương chày ở gần khớp gối. Em băng bột được 1 tháng rồi. Giờ em không còn cảm thấy đau nhức gì cả.
 
BS cho em hỏi, xương em không còn cảm thấy đau nhức nữa là đã tốt rồi phải không BS? Em băng bột vậy khoảng bao lâu mới tháo bột được? Ăn uống có kiêng cữ gì không? Có cần kiêng chuyện vợ chồng không, BS ơi?
 
BS trả lời giúp em, em cám ơn BS nhiều lắm!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Theo mô tả bạn bị gãy nát mâm chày và đã băng bột, hiện tại đã bó bột hơn một tháng và hết đau nhức là tốt. Tuy nhiên, bạn phải tái khám để các bác sĩ theo dõi quá trình lành xương, các di lệch thứ phát sau bó bột (nếu có) và tháo bột cho bạn khi xương đã lành.

Ăn uống thì chọn những thực phẩm có nhiều dinh dưỡng như thịt, cá, có vỏ cứng như tôm, cua,… chứa nhiều canxi làm xương mau lành.

Việc sinh hoạt vợ chồng không cần hạn chế, tuy nhiên bạn phải lựa chọn các tư thế không ảnh hưởng tới xương gãy của bạn và khi tình trạng sức khỏe của bạn cho phép. Chúc bạn vui, khỏe, mau trở lại với công việc và hoạt động bình thường hàng ngày.
 
- Đào Thị Thu Thủy, 24 tuổi - Hà Nội
 
BS ơi cho em hỏi,
 
Em bị gãy mở bàn chân bên phải kèm gãy đốt 2 và 3 ở bàn chân trái, phải mổ và đóng đinh được 2 tháng thì em có cần mổ rút đinh ra không ạ? Và chi phí hết bao nhiêu ạ? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào em Thu Thủy,

Đinh cố định xương gãy sẽ hết vai trò của nó khi xương đã lành. Khi đó em nên mổ rút đinh ra. Còn về chi phí, khi em khám tại các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, các bác sĩ tư vấn cho em nhé.
 
- Nguyễn Huy Hùng - Nặng: 55kg - Tuổi: 20 - Tân Bình
 
Chào BS,

Hôm qua em có thi đấu bóng đá. Trong một tình huống, em đặt trụ chân phải và sút chân trái. Em dùng lực khá mạnh nhưng lại sút hụt bóng. Sau đó em cảm giác đau ở gối, bắt đầu nhức dần.
 
Tối về em có chườm đá. Và giờ rất đau, di chuyển rất khó khăn. Em có hỏi mấy anh chơi bóng thì họ bảo có thể bị dây chằng? Em không biết sao nữa. Mong nhận được câu trả lời từ BS. Em cảm ơn.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Hùng thân mến,
 
Trước hết, xin chúc mừng em đã biết sơ cứu đúng cách là chườm đá ngay sau bị chấn thương.
 
Theo như em mô tả thì có thể em đã bị tổn thương dây chằng khớp gối, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, em cần khám ở các bệnh viện có chuyên khoa y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị cho em.
 
- Nguyễn Thị Lan - Nặng: 49 kg - Tuổi: 39 - Phú Thọ
 
BS ơi,

Em thường xuyên bị đau nhức gót chân (cả 2 gót chân), đau nhiều vào chiều tối. BS ơi, bệnh này có nguy hiểm không và nên đi khám chữa ở bệnh viện nào là tốt? Bệnh này nên chữa bằng đông y hay tây y? Em xin cảm ơn BS.

BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào bạn Lan,
 
Theo như triệu chứng bạn mô tả thì có thể bạn đã bị bệnh viêm cân gan chân. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, bạn cần khám ở các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị cho bạn.

Nếu bị viêm cân gan chân, bạn cần thay đổi thói quen trong sinh hoạt: giảm cân, đi dép đế bằng và mềm, không đi giày cao gót, dùng các thuốc chống viêm nonsteroide theo toa của BS điều trị.
 

- Lý Trung Nghĩa - Cao: 165cm - Nặng: 80 kg - Tuổi: 20 - Vĩnh Long
 
Chào BS,
 
BS cho em hỏi là chân em lúc trước bị mỏi, sau ngày hôm đó thì bị đau nhói ngay phần đầu gối nhưng đến sáng đỡ thì hết, còn trời tối thì đau. Mỗi khi làm việc nặng cũng đau luôn, rất khó chịu, lúc hỉ mũi thì cái chân nó cũng đau.

Em có ra tiệm mua thuốc uống nhưng có thuốc thì nó đỡ, còn hết thuốc thì lại tiếp tục như thế.
Còn bàn tay của em lúc trước bị bong gân nhưng lâu ngày không khỏi, để bình thường thì không sao nhưng lật ngược lại thì khá là đau.
 
Mong BS cho em biết em bị bệnh gì mà tay chân lâu ngày không hết đau ạ? Em xin cám ơn.

BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn,
 
Với chiều cao và cân nặng trên thì bạn đã bị thừa cân, dẫn đến quá tải cho các khớp chi dưới, đặc biệt là khớp gối. Do đó, bạn cần thực hiện chế độ luyện tập và dinh dưỡng phù hợp để giảm cân, giảm tải cho khớp gối hạn chế thoái hóa khớp sau này.

Về tình trạng đau bàn tay và đau khớp gối, bạn không nên tự mua thuốc uống mà nên khám ở các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và y học thể thao để các bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị cho bạn.
 
- Vũ Thị Hoa - bahoa...@gmail.com
 
Tôi bị thoái hóa các đĩa đệm cột sống và đau nhức toàn thân đã lâu.

Tôi đã điều trị nhiều thuốc tây y giảm đau kháng viêm giãn cơ. Các thuốc đông y và châm cứu, điện dung, tất cả đều ở bệnh viện nhưng chưa hiệu quả, mức độ đau có chiều hướng tăng lên.

Mong BS cho tôi lời khuyên về chữa trị. Tôi xin chân thành cảm ơn rất nhiều!

BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Chào chị Hoa,
 
Theo như những mô tả của chị đã điều trị nội khoa và tập vật lý trị liệu không bớt, chị nên khám ở các bệnh viện có chuyên khoa ngoại thần kinh và cột sống để bác sĩ khám và chẩn đoán đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp, chị nhé.
 
- Trần Văn Tin - trantin...@gmail.com
 
Thưa BS,
 
BS cho em hỏi tại sao chân em 5 tháng vẫn chưa lành ạ?
 
Em bị tai nạn gãy nát xương cẳng chân, xương chày và xương mát vùng gãy kín. Sau đó mổ bỏ nẹp vào và vài ngày nhiễm trùng, rút nẹp và cố định ngoài. Thời gian sau rút cố định và bó bột nhưng 5 tháng vẫn chưa lành.
 
Bây giờ làm sao nhanh lành, nhờ BS tư vấn giúp em với! Em cảm ơn BS!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương
 
Tin thân mến,
 
Theo như mô tả của em thì em đã bị khớp giả nhiễm trùng (xương gãy không liền và có nhiễm trùng tại ổ gãy). Việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém để đạt lành xương và chức năng vận động chi gãy tốt.
 
Em nên khám ở các bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để các bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho em.
 

Phỏng vấn BS.CK2 Trần Văn Dương:

- Trong quá trình luyện tập thể thao, chấn thương nào thường gặp nhất? Làm sao để phòng tránh?

Tập thể thao có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên trong quá trình tập luyện ta có thể gặp các chấn thương. Các chấn thương thường gặp có thể là:

- Bong gân: là hiện tượng dây chằng bao khớp bao quanh khớp bị giãn, rách

- Đau, căng cơ là do gân hoặc cơ bị vặn xoắn, kéo dãn hoặc bị rách.

- Trật khớp là tình trạng hai đầu xương của một khớp bị tách rời nhau ra

- Đứt dây chằng: dây chằng nối 2 đầu xương của một khớp bị đứt, làm cho khớp đó bị lỏng lẻo hoặc tách rời ra

- Gãy xương: có thể gãy xương rõ rệt ngay lập tức do lực tác động mạnh hay gặp ở những môn thể thao có tính chất đối kháng như võ thuật, bóng đá… hoặc gãy xương do mệt lâu ngày do các lực chấn thương nhỏ, lặp đi lặp lại, hay gặp ở bàn chân.

- Đứt gân: gân là thành phần nối liền cơ và xương vùng gần khớp. Đứt gân hay gặp nhất là gân gót ở vùng cổ chân.

Để phòng trách các chấn thương thể thao chúng ta cần:

- Lựa chọn môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

- Trang bị đồ bảo hộ, bảo vệ đầy đủ: chọn giày, dụng cụ thể thao thích hợp cho từng môn chơi…

- Phải có quá trình khởi động trước khi tập để cho cơ thể thích khi từ từ tránh bị chấn thương trong khi tập.

- Phải có thời gian nghỉ ngơi đủ giữa 2 lần tập để cho cơ thể phục hồi. Không tập quá nhiều và quá nặng trong một lần tập dễ sinh quá tải làm cơ thể mệt mỏi dễ gây ra chấn thương

- Khi có chấn thương không tự chữa trị lên đến khám bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để được khám và điều trị sớm và đúng cách. Hiện nay bằng những phương tiện hiện đại hầu hết các chấn thương thể thao đều được điều trị hiệu quả giúp người chơi thể thao mau hồi phục để trở lại môn thể thao yêu thích của mình.

- Nên tập thể dục vào khung thời gian nào?

Thời gian tập thể dục tốt nhất trong ngày là từ 7-10 giờ sáng và 15-18 giờ chiều. Không nên tập thể dục vào sáng sớm vì ban đêm cây hút khí oxy và thải khí cacbonic làm cho chúng ta hít phải dễ sinh mệt mỏi.

Tập thể dục vào buổi chiều là tốt nhất vì khi đó thân nhiệt cao, khi ta tập sẽ giúp cơ thể thải mồ hôi nhiều hơn, dẫn đến thải độc tốt hơn.

Mặt khác, khi đó cơ thể linh hoạt, các cơ xương khớp hoạt động trơn tru sẽ ít gặp các chấn thương trong khi tập. Sau một ngày làm việc mệt mỏi tập thể dục sẽ giúp giải tỏa stress, tái tạo năng lượng, làm cho cơ thể khỏe mạnh, sảng khoái về tinh thần giúp phục hồi sức khỏe.

- Những người cao tuổi thường có bệnh đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, giãn tĩnh mạch chân… thì nên chọn môn thể dục nào? Nên tập luyện lúc nào?

Đối với những người cao tuổi có các bệnh nội khoa mãn tính thì lên lựa chọn những môn thể dục nhẹ nhàng, giúp duy trì sức khỏe như yoga, đi bộ…

Có thể tập vào buổi sáng từ 7-10 giờ hoặc buổi chiều từ 15-18 giờ nhưng tập vào buổi chiều là tốt nhất vì những lý do mà tôi vừa nêu trên.

- Tập thể dục xong nên bổ sung nước thế nào?

Khi tập thể dục, cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi, trong đó có các khoáng chất nên cần bổ sung nước và khoáng chất. Nên uống nước một cách chậm rãi và chọn các loại nước có nhiều chất điện giải, vitamin (ví dụ nước trái cây, giúp bổ sung các dinh dưỡng và năng lượng đã bị tiêu hao), hạn chế dùng nước ngọt và nước có ga.

- Nên chườm như thế nào khi bị chấn thương?

Thông thường sau một chấn thương thì mô mềm sẽ bị dập, các mạch máu ở vùng chấn thương sẽ bị xuất tiết. Giai đoạn này tốt nhất là nên chườm lạnh từ 24-48 giờ. Với mục đích là giảm đau, giảm xuất tiết các mạch máu, giảm sưng nề.

Sau giai đoạn 48 giờ, quá trình chảy máu ngừng lại thì lúc đó nên chườm nóng (có thể dùng gừng) để thúc đẩy quá trình phục hồi làm giãn mạch, các kích thích hệ thống miễn dịch và làm cho máu lưu tới vùng tổn thương được nhiều hơn.

- Khi bị chấn thương, nên dùng dầu xoa bóp như thế nào?

Đa số dầu xoa bóp thành phần là menthol, có tác dụng giảm đau, nên dùng sau 48 giờ, giúp giảm đau và làm cho máu lưu thông đến vùng tổn thương nhiều hơn.

- Những kỹ thuật tân tiến mà khoa Y học thể thao BV Nhân dân 115 đang áp dụng và ưu điểm của những kỹ thuật này?

Khoa Y học thể thao BV Nhân dân 115 là khoa y học thể thao đầu tiên và duy nhất ở phía Nam được thành lập từ năm 2007 đến nay đã được 10 năm. Khoa chịu trách nhiệm điều trị các chấn thương gặp phải khi chơi thể thao của các vận động viên chuyên nghiệp hoặc người chơi nghiệp dư.

Với trang thiết bị hiện đại như dàn máy nội soi khớp thế hệ mới nhất, phòng tập vật lý trị liệu với nhiều dụng cụ hiện đại,sự hướng dẫn tận tình của các kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Các bác sĩ giàu kinh nghiệm được huấn luyện và đào tạo liên tục tại nhiều trung tâm y học thể thao lớn trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

Hiện tại khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật tân tiến như nội soi khớp gối, khớp vai, khớp háng, khớp khuỷu, khớp cổ tay, cổ chân… giúp điều trị nhiều loại bệnh lý khớp điển hình như tái tạo dây chằng chéo trước kỹ thuật 2 bó 4 đường hầm, kỹ thuật all inside, khâu sụn chêm rách, tái tạo dây chằng chéo sau, khâu gân trên gai rách…

Phẫu thuật nội soi là kỹ thuật điều trị ít xâm lấn, ít tàn phá mô mềm, quan sát rõ và xử lý tổn thương triệt để giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật, trả bệnh nhân về với lao động, công việc hàng ngày và trở lại tập luyện thể thao sớm.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080