Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/04/2018 23:47

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh tư vấn về bệnh ung thư

Hơn 30 câu hỏi được BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh trả lời cặn kẽ, mang đến nhiều thông tin bổ ích như: Tiên lượng ung thư vú không dựa vào kích thước khối u; Sau xạ trị, trường hợp nào cần/không cần cách ly; 80 tuổi có nên phẫu thuật ung thư; Chi phí của một gói tầm soát ung thư...

“Ung thư không đáng sợ, đáng sợ là thiếu hiểu biết về nó” - đây là đúc kết của một bệnh nhân ung thư vú đã chiến đấu với bệnh này hơn 3 năm.

Cùng với các thông tin chính xác được các bác sĩ và phương tiện truyền thông cung cấp hằng ngày, có thể thấy bệnh nhân ung thư ngày càng lạc quan và hiểu biết nhiều hơn về căn bệnh của mình.

Với mong muốn tiếp tục chia sẻ những kiến thức bổ ích, các thông tin mới về bệnh ung thư, một lần nữa, AloBacsi mời BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân dân 115 tư vấn với bạn đọc vào chiều 19/4.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

- Lê Thị Hà - Đồng Nai

Chào BS,

Mẹ em bị ung thư vú từ năm 2007, đã phẫu thuật cắt bỏ rồi. Hiện nay, mẹ em hay bị ho dai dẳng kéo dài và sức khỏe yếu, hay bị cảm.

Cách đây 3 tuần, mẹ em có đi BV Ung Bướu TPHCM tái khám, BS bảo có chấm đen ở phổi, cho đi CT, sau đó nói là chưa thể kết luận được, lại yêu cầu mẹ em qua BV Phạm Ngọc Thạch để làm lại các xét nghiệm (CT, xạ hình xương…). Sau đó sẽ phải qua BV Nhân dân Gia Định để đo điện tim.

BS ơi, sức khỏe người bình thường cũng đã không chịu được những xét nghiệm và những tình trạng chờ đợi mệt mỏi như thế. Mẹ em sắp phải làm xạ hình xương, sợ rằng mẹ em sẽ không đủ sức khỏe để tiếp tục.

Hay là không làm xạ hình nữa được không ạ? Em muốn hỏi là việc xạ hình này liệu có thực sự cần thiết không, nếu như sau xạ hình phát hiện ra ung thư di căn vào xương thì có chữa trị được không, có thể kéo dài được bao lâu?

Em tìm hiểu thì thời gian còn lại chỉ được vài tháng nữa thôi, vậy xạ trị chỉ gây thêm đâu đớn cho bệnh nhân chứ có tác dụng gì đâu ạ?

Rất mong BS cho em lời giải đáp. Xin chân thành cảm ơn BS ạ.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em Hà,

Mẹ em có tiền sử ung thư vú và đã được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ, có thể sau đó đã xạ trị và hóa trị, hiện tại chỉ theo dõi, tuy nhiên gần đây xuất hiện các triệu chứng bất thường (các chấm đen ở phổi), tôi nghĩ rất có thể bệnh của mẹ em đã tái phát và di căn ở phổi. 

Để chẩn đoán tái phát và di căn ở phổi thì phải có bằng chứng, mẹ em đã được chụp CT, tuy nhiên CT cũng không xác định chính xác được, do đó cần phải làm thêm một số xét nghiệm, ví dụ như xạ hình xương để theo dõi có di căn xương hay không.

Trong ung thư vú, giai đoạn càng trễ thì tỷ lệ di căn xương càng cao. Mẹ em đã mổ trên 11 năm rồi, nếu không may tái phát thì tỷ lệ di căn xương khá cao, vì vậy BS điều trị mới yêu cầu mẹ em làm xạ hình xương.

Kỹ thuật xạ hình xương khá đơn giản, không quá phức tạp mà ảnh hưởng đến sức khỏe, người ta chỉ dùng một đồng vị phóng xạ bơm vào cơ thể và chụp hình (như chụp X-quang), từ đó mới phát hiện ra các ổ di căn xương và có cách điều trị sớm, kịp thời thì thời gian sống sẽ kéo dài thêm vài năm.

Cách điều trị di căn xương phải dựa vào tổng thể của bệnh nhân ung thư vú, có thể sẽ phải điều trị hóa trị hoặc kết hợp xạ trị để làm giảm đau cho ung thư xương, cũng như các thuốc hóa trị để làm giảm thiểu các tác dụng phụ của di căn xương.

Theo tôi, mẹ em nên tuân thủ chỉ định điều trị của các BS, em nhé.


- Lê Tấn - Bình Thuận

Xin BS tư vấn giúp em,

Tế bào gai di căn hạch carcinom có thể chữa trị hoàn toàn, và kéo dài tuổi thọ như người bình thường hay không? K di căn hạch có nghĩa là gì thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn Tấn,

Bạn không cho biết cái cơ quan mà BS lấy ra để có giải phẫu bệnh lý là tế bào gai di căn hạch carcinom của cơ quan nào nên tôi không thể trả lời bạn việc có thể chữa hoàn toàn hay không.

Trường hợp đã có di căn hạch, bệnh đã có tiến triển xa, do đó để tiên lượng bệnh phải dựa vào mức độ của di căn hạch, mức độ di căn của các cơ quan khác thì mới đánh giá được. Di căn nghĩa là bệnh đã tiến xa, thời gian của bệnh nhân cũng sẽ bị ngắn lại.


- Nguyễn Thị Bích Ngà - bichnga57…@gmail.com

Chào BS Ngọc Anh,

Gần đây em hay nghe nói về phương pháp điều trị ung thư nhắm trúng đích. Em muốn hỏi BS hiện giờ ở BV Nhân dân 115 có áp dụng phương pháp này không ạ?

Người nhà em có khối u trong gan, đang chờ kết quả sinh thiết. Không biết là ung thư gan có điều trị nhắm trúng đích được không BS? Mong được BS tư vấn.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em,

Phương pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư là phương pháp người ta sử dụng một loại thuốc là thuốc nhắm trúng đích để điều trị cho các bệnh nhân ung thư có biểu hiện đột biến gen, mà đích nhắm là những thuốc phù hợp với các gen của những bệnh nhân đó. BV Nhân dân 115 đã áp dụng phương pháp điều trị nhắm trúng đích từ lâu rồi. 

Ung thư gan nếu phát hiện sớm phẫu thuật vẫn là ưu tiên hàng đầu, phát hiện trễ thì có thể kết hợp các biện pháp bơm hóa chất… Thuốc nhắm trúng đích vẫn được chỉ định trong điều trị ung thư gan ở giai đoạn trễ và tổng trạng bệnh nhân còn tốt.


- Bạn đọc có email: cobe…@gmail.com

Thưa BS, 

Em lỡ có em bé 3 tháng sau điều trị phóng xạ iot 131 thì giờ em phải làm sao, thưa BS? BS tư vấn giúp em với ạ. 

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em,

Em không nói rõ em điều trị đồng vị phóng xạ 131 là được bao lâu rồi, trước khi em có thai hay sau khi em có thai? Vì khi em đã có thai rồi thì có lẽ BS điều trị cũng đã có những lời khuyên dành cho em.

Do đó, em phải nói rõ em được uống trước hay sau khi có thai thì tôi mới có thể tư vấn tiếp cho em là nó có ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào.



- Trần Thị Hằng - Hà Nội

Chào BS Ngọc Anh,

Ông tôi 81 tuổi, hiện nay ông đi khám và phát hiện có 1 khối u kèm theo hạch ở phía ngoài manh tràng, có hiện tượng bị bầm tím. BS có khuyên gia đình nên phẫu thuật cắt bỏ khối u. 

Nhưng do ông vừa bị tai biến nhẹ nên BS cho tôi lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, thuốc và chăm sóc, để nâng sức khỏe của ông sau phẫu thuật. Gia đình tôi xin cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn Hằng,

Ông cụ 81 tuổi ở vùng ruột có khối u, đặc biệt đây là vùng ruột manh tràng hoặc vùng ruột hồi tràng thường thì khả năng ác tính sẽ rất cao.

Nội dung bạn gửi không có kết quả nội soi, sinh thiết… nên tôi không nắm rõ tình trạng hiện tại của ông cụ như thế nào. Tuy nhiên, BS điều trị đã khuyên gia đình nên phẫu thuật cắt bỏ khối u, theo tôi gia đình nên theo lời khuyên của BS, vì với 1 khối u như vậy thường khả năng ác tính cao hơn, biết sớm xử lý sớm thì thời gian sống của bệnh nhân sẽ tốt hơn.

Cách chăm sóc, chế độ dinh dưỡng… thì sau phẫu thuật BS sẽ có hướng dẫn phù hợp cho người nhà, gia đình bạn an tâm nhé.



- Nguyễn Văn Nam - Hải Dương

BS cho em hỏi, 

Có cách nào để chữa được bệnh sarcoma không ạ? Em xin cảm ơn!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Bạn Nam thân mến,

Bệnh sarcoma là một dạng ung thư phần mềm trên cơ thể, thường biểu hiện ở các chi, các cơ quan như thành bụng, thành ngực…

Điều trị bệnh này thường là phẫu thuật, còn hóa trị và xạ trị chỉ là phương pháp điều trị thêm thôi. Một khối sarcoma càng nhỏ, điều trị phẫu thuật sẽ mang lại hiệu quả cao.

Nếu một khối sarcoma mà không có khả năng phẫu thuật thì tiên lượng bệnh nhân rất kém.


- Quan Dao - lenny…@gmail.com

Xin chào BS,

Bố tôi 77 tuổi. Bố tôi nội soi đai trực tràng và được chẩn đoán bị trĩ nội - polyp đai tràng sigma - K trực tràng.

Cụ thể: Sigma cách rìa hậu môn 30cm có 2 polyp không cuống D# 2cm. Trực tràng: Từ rìa hậu môn 5- 10 cm có tổn thương dạng sùi loét chiếm 3/4 chu vi lòng ruột.

Kết quả sinh thiết: Sinh thiết mô trực tràng tăng sinh các ống tuyến, thượng mô tuyến lót 2 đến 3 hàng tế bào, mô đệm thưa, tế bào tuyến nhân tăng sắc hơi mất phân cực. U tuyến ống kèm nghịch sản vừa tế bào. BS chẩn đoán bố tôi là tiền ung thư và đề nghị nhập viện để mổ.

Xin hỏi BS:

Bệnh của bố tôi có phải là ung thư trực tràng chưa?

Nếu không mổ thì liệu có biến chứng gì không và có thể sống thêm được mấy năm nữa?

Bố tôi đã lớn tuổi, không bị tim mạch, huyết áp, sức khỏe cũng không được tốt lắm, có chịu được được phẫu thuật lớn không?

Nếu mổ thì cơ hội sống thêm được bao lâu? Nếu mổ có phải đeo hậu môn nhân tạo suốt đời không?

Hiện bố tôi đang uống thuốc nam được 4 tháng nhưng không thấy khả quan. Đi tiêu thỉnh thoảng vẫn ra máu, khó đi.

Mong BS cho lời khuyên có nên đưa bố tôi đi mổ không? Xin chân thành cảm ơn.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Theo mô tả sang thương của bố bạn thì tôi nghĩ đây là ung thư, vì tổn thương sùi và lấy chiếm hết 3/4 chu vi lòng ruột thì ít khi nào nó là tổn thương lành tính. Có thể trong quá trình sinh thiết, BS nội soi chưa lấy đúng mô ung thư thì chưa đọc ra mô ung thư, nhưng với kinh nghiệm lâm sàng của tôi thì đây là trường hợp ung thư.

Khi đã xác định là ung thư thì điều tiên quyết là phải mổ nếu muốn kéo dài cuộc sống lâu hơn.

Bạn băn khoăn bố bạn đã lớn tuổi, sức khỏe không tốt, liệu có chịu được cuộc phẫu thuật lớn hay không thì còn do kết quả tầm soát đánh giá trước khi phẫu thuật. BS phẫu thuật chúng tôi thường kết hợp với BS gây mê và các BS chuyên khoa khác để đánh giá tổng trạng bệnh nhân. Chỉ khi tổng trạng và tình trạng của các bệnh nền (tim mạch, tiểu đường…) cho phép thì chúng tôi mới tiến hành phẫu thuật.

Việc có phải đeo hậu môn nhân tạo suốt đời hay không thì còn tùy thuộc vào vị trí tổn thương ở trực tràng. Nếu tổn thương trực tràng ở vị trí thấp từ 3-5cm thì khả năng mang hậu môn nhân tạo hầu như là 80%.  Còn tổn thương càng lên trên cao thì khả năng mang hậu môn nhân tạo càng thấp.

Trường hợp của bố bạn, thông tin cho biết tổn thương cách rìa hậu môn từ 5-10cm, tuy nhiên chúng tôi cần phải thăm khám trực tiếp bằng tay thì mới đánh giá được khả năng có phải mang hậu môn nhân tạo suốt đời hay không.


- Phạm Văn Trọng - Đồng Nai

BS cho em hỏi, 

Bác của em bị u ác tính thực quản 1/3 dưới. Kết quả sinh thiết u gai tế bào biệt hóa kép. Mong BS tư vấn cho bác em hướng điều trị bệnh này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em,

Ung thư thực quản 1/3 dưới thông thường có chỉ định phẫu thuật. Đối với các ung thư ở vùng thực quản, nếu trong giai đoạn sớm thì phẫu thuật vẫn đem lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, phẫu thuật còn tùy tình trạng khối u có di căn chưa, tổng trạng bệnh nhân có cho phép phẫu thuật hay không, nếu hội tụ được các yếu tố đó thì phẫu thuật là tốt nhất.

Trường hợp không phẫu thuật được, BS sẽ áp dụng phương pháp hóa trị và xạ trị đi kèm để làm giảm bớt sự xâm lấn của tế bào ung thư, nhằm kéo dài tuổi thọ và giảm các biến chứng của ung thư thực quản như hẹp thực quản làm người bệnh không ăn uống được.


- FB Võ Yến B.

Xin chào, 

Cho tôi hỏi tôi bị K vú đang hóa trị, tôi khó ngủ, thường xuyên thức cả đêm. Tôi uống Rotunda có được không? Tôi bị loạn nhịp đã đốt điện sinh lý. Rất mong được BS tư vấn. Xin cảm ơn!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Trong quá trình điều trị ung thư vú thì tình trạng khó ngủ cũng hay xảy ra, bạn có thể xin ý kiến của BS đang điều trị về các thuốc để có thể khắc phục được những tác hại do thuốc hóa trị gây ra.

Bạn đang dùng Rotunda, đây là loại thảo dược giúp an định thần kinh, bạn có thể sử dụng được. Rotunda không gây rối loạn mạch. Bạn bị loạn nhịp đã đốt điện sinh lý thì cũng nên đi khám tim mạch để được tư vấn thêm.


- FB L. Q. Loan

Dạ em muốn hỏi trường hợp người nhà em bị u trung thất và hạch nách hạ đòn, sinh thiết ở BV Ung Bướu kết quả người thân em bị ung thư hạch bạch huyết, vậy có mổ u trung thất để giải phóng chèn ép được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Ung thư hạch bạch huyết hay còn gọi là lymphoma. Có lẽ người nhà bạn đang bị lymphoma, đây là một dạng ung thư hạch ở hệ thống bạch huyết, nó có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan, các vùng trong cơ thể.

Bệnh ung thư hạch bạch huyết là bệnh lý toàn thân, do đó điều trị là điều trị toàn thân chứ không điều trị tại chỗ. Tuy nhiên, đây là ung thư hạch bạch huyết di căn hạch thượng đòn và khối u lớn ở vùng trung thất, mà u vùng trung thất có thể gây chèn ép các cơ quan vùng trung thất (như chèn ép khí quản, phế quản, các hệ thống mạch máu, phổi…), chính vì các triệu chứng chèn ép mà các BS lâm sàng sẽ có quyết định phẫu thuật để giải quyết các chèn ép đó hay không.

Các BS chuyên khoa ung bướu thì sử dụng các biện pháp xạ trị, hóa trị để làm giảm thiểu các biến chứng, đặc biệt như biến chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên do hạch lymphoma vùng trung thất.

Gia đình bạn nên tham khảo ý kiến của BS đang theo dõi điều trị để có phương pháp điều trị cụ thể, bạn nhé.


- FB Tr. Lực

BS cho em hỏi,

Bệnh ung thư vú sau hóa trị, bệnh có chiều hướng nặng hơn, hiện di căn qua gan và xương ức gây đau nhức, BV có cho thuốc giảm đau và hẹn sau 1 tháng điều trị tiếp tục.

Vậy khi điều trị lại có cần phải thay đổi phương pháp hay không, hay vẫn hóa trị tiếp? Có phương pháp nào tốt hơn không? Cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Khi hóa trị ung thư vú mà bệnh có chiều hướng nặng hơn chứng tỏ là bệnh nhân không đáp ứng phác đồ điều trị đó. Trong quá trình điều trị mà bệnh nhân tiếp tục có di căn qua gan, xương… thì coi chừng thuốc đã mất tác dụng, phải chuyển sang phác đồ khác.

Tiếp tục điều trị vẫn là biện pháp mang lại hiệu quả, tùy theo tình trạng khối u BS sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.


- FB L. Luxuri

Xin chào BS,

BS làm ơn cho em hỏi, con em được 2 tuổi em thường xuyên chở cháu đi học và chạy ngang qua 1 công ty đang tháo lắp mái nhà xưởng. Em thấy có những bụi thủy tinh dùng để cách nhiệt bay dính vào người em và con của em.

Mấy ngày gần đây cháu hay ho và sổ mũi, liệu có phải do hít phải bụi bông đó không và hít phải bụi đó thì có ung thư phổi không ạ? Em có nghe nói bụi thủy tinh rất độc hại. Mong BS tư vấn giúp em. Xin cảm ơn.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Bạn thân mến,

Chuyện cháu ho và sổ mũi có thể do cảm cúm theo mùa, hoặc do hít phải các khí độc hại ngoài môi trường, vì vậy bạn nên cho cháu đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được BS chẩn đoán và điều trị.

Cho tới nay người ta chưa khẳng định được nguyên nhân gây ung thư phổi là gì, mà chỉ nói tới các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi như do hút thuốc lá, nhiễm các bụi amiăng, bụi thủy tinh… do đó bạn cũng không nên quá lo lắng.


- FB Kim N.

Chào BS,

Mẹ em 55 tuổi, vài tháng trước mẹ em có đi khám sức khỏe và làm xét nghiệm máu.
Kết quả lượng tiểu cầu của mẹ em cao hơn mức cho phép, qua 2 lần xét nghiệm máu vẫn không tìm được nguyên do.

Sau đó BS yêu cầu mẹ em làm xét nghiệm bằng cách lấy tủy. Do quá lo sợ mà mẹ em đã không thực hiện xét nghiệm trên.

Thưa BS, theo tình trạng trên thì kết quả xấu nhất mà mẹ em có thể mắc phải là gì ạ? Mẹ em có nguy cơ bị ung thư máu không? Mẹ em sợ bị bệnh đó nên rất hoang mang.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em,

Em chưa cho tôi biết kết quả số lượng tiểu cầu là bao nhiêu, mà chỉ nói ở mức độ cao nên tôi chưa thể tư vấn sát sao cho em.

BS điều trị yêu cầu mẹ em lấy tủy xét nghiệm, theo tôi đây là xét nghiệm mang tính chính xác nhất để chẩn đoán các bệnh lý về máu, đặc biệt các bệnh lý về tiểu cầu, hồng cầu và bạch cầu.

Tăng tiểu cầu xảy ra ở nhiều bệnh lý khác nhau, có cả các bệnh lý của ung thư máu, do đó mẹ em nên tầm soát theo hướng dẫn của BS để được chẩn đoán sớm.





- FB H.T.C.

Thưa BS, 

Em năm nay 28 tuổi, bị ung thư tế bào nuôi và đã điều trị 9 đợt đa hóa chất, cách đây hơn 2 năm. Em vẫn đi tái khám định kỳ, mọi thứ đều ổn.

Vậy thưa BS thời gian tới đây em có thể có thai được không? Trong thời gian mang thai, em có cần tái khám bên ung bướu không, hay chỉ cần khám với BS sản khoa là được? Em cảm ơn BS!

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Tiền căn em bị ung thư tế bào nuôi (đây là một dạng Choriocarcinoma), đã điều trị hóa chất đủ liều, em nên tiếp tục tái khám định kỳ. Thời gian tới em vẫn có thể có thai, tuy nhiên trước khi có thai em phải đến tư vấn ở BS sản khoa và BS ung bướu.

Bệnh nhân ung thư vú mặc dù điều trị hóa trị rồi vẫn có thể có thai và có con được.


- FB H. Lieu

Xin chào AloBacsi,

Cho em hỏi là ba em đã điều trị 35 lần xạ trị ung thư hốc mũi, sau đó thấy hiện tượng mũi vẫn ra máu nhưng ít thôi. Trước khi ba em phát hiện ra bệnh thì mũi vẫn thường chảy máu.

Em không biết là điều trị xong mà mũi vẫn bị rỉ máu như vậy thì có sao không ạ? Có cách nào để giúp mũi thôi chảy máu không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em,

Sau xạ trị vào vùng hốc mũi do bệnh lý về ung thư thì bệnh nhân vẫn có các di chứng là chảy máu mũi. Trường hợp của ba em nên đến gặp BS điều trị, trình bày cho BS biết về tình trạng chảy máu để được cho thuốc làm hạn chế tối đa việc chảy máu vùng mũi sau xạ trị.

Thông thường sau xạ trị khoảng 1 tháng các sang thương không còn tổn thương, viêm loét, khi đó các triệu chứng chảy máu sẽ giảm.


- FB Ngoc Hanh

Xin chào BS, 

Tôi muốn tổ chức khám gói tầm soát ung thư cho gia đình (nam và nữ độ tuổi 30-50), xin tư vấn địa chỉ nào và giá gói khám bao nhiêu vì tôi chi trả hết cho cả đại gia đình khoảng 20 người.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Rất hoan nghênh bạn về việc tổ chức khám tầm soát ung thư cho gia đình của mình.

BV Nhân dân 115 trong tháng 5/2018 sẽ hình thành một trung tâm tầm soát ung thư. Hiện có hơn 200 loại ung thư khác nhau, trước hết chúng tôi sẽ phân ra 5 bệnh ung thư dễ mắc nhất của nam và 5 bệnh ung thư dễ mắc nhất của nữ để tư vấn tầm soát.

Giá khám tùy thuộc vào các loại ung thư mà mình cần tầm soát, có những ung thư cần tầm soát ở mức độ gen thì giá thành cao hơn những bệnh ung thư chỉ cần tầm soát ở mức độ chẩn đoán hình ảnh hoặc thử máu đơn thuần, vì vậy chưa có thống nhất về giá, có thể từ 5 triệu đồng trở lên cho 1 lần tầm soát ung thư.


- Oanh Nguyễn - oanh…@gmail.com

Chào BS ạ,

Bố em bị ung thư phổi giai đoạn 3 đã điều trị hóa chất được 4 đợt và chuyển bị sang giai đoạn xạ trị.

Hiện tại bố em vẫn truyền xong và về nhà nhưng em đang mang bầu tháng thứ 5, vậy cho em hỏi nếu bố em xạ trị và đi về nhà như thế thì liệu có ảnh hưởng đến em và mọi người xung quanh không ạ?

Em chân thành cảm ơn.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:


Xin trả lời với em là hoàn toàn không ảnh hưởng gì, vì xạ trị ở đây và xạ trị ngoài, người ta sử dụng năng lượng bức xạ cao chiếu vào trong vùng xạ (vùng tổn thương) để phá hủy các tổn thương ở phổi. Và sau khi bệnh nhân đi ra khỏi phòng xạ trị thì không còn gây ảnh hưởng gì đối với người xung quanh.

Ngay cả đối với bản thân bệnh nhân thì di chứng cũng chỉ ở những giai đoạn sau chứ không phải là ngay tức thì.

Do đó, trường hợp này hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản thân em và mọi người xung quanh.

Còn nếu sử dụng đồng vị phóng xạ dạng uống, ví dụ như điều trị ung thư tuyến giáp, dùng thuốc iod 131 thì những chất thải của bệnh nhân như mồ hôi, nước bọt, nước tiểu, phân... có thể bị nhiễm xạ. Trường hợp này bệnh nhân nên lưu lại bệnh viện 24 giờ, sau đó về nhà sinh hoạt bình thường.

Thật ra thì bây giờ kỹ thuật tiến bộ nên thời gian cách ly ngày càng rút ngắn hơn, tuy nhiên bệnh nhân cũng nên cẩn thận, nên ở lại bệnh viện 24 tiếng đồng hồ. Bởi vì tại bệnh viện đã có sẵn quy trình xử lý chất thải của bệnh nhân để không gây ảnh hưởng đến môi trường.


- Huong Le - hhoa…@yahoo.com.vn

Kính gửi BS,

Mẹ em bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3b. Vậy bệnh này có di truyền cho con gái hay cháu gái không ạ?

Nếu muốn phòng bệnh thì có cách nào không? Em chưa có gia đình thì có nguy cơ mắc bệnh không ạ? Nếu lập gia đình, sinh con thì nguy cơ mắc bệnh có cao hơn không?

Cảm ơn BS rất nhiều.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào em,

Đối với các bệnh lý ung thư sẽ có tỉ lệ di truyền nhất định, tùy theo loại ung thư. Tuy nhiên ung thư cổ tử cung có tỉ lệ di truyền thấp, bạn đừng quá lo lắng, nên khám định kỳ và tầm soát theo hướng dẫn của BS. Trong quá trình khám định kỳ, ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi…

Ung thư cổ tử cung không chỉ liên quan yếu tố di truyền mà còn do các yếu tố ngoại lai như nhiễm HPV, viêm nhiễm đường sinh dục, viêm nhiễm cổ tử cung lâu ngày… do đó ngay cả phụ nữ chưa có gia đình thì vẫn có yếu tố nguy cơ. Tốt nhất là em đến BS chuyên khoa để BS tư vấn về chương trình tầm soát phòng ngừa.


- Trần Thị Thúy - Bắc Ninh

Chào BS,

Em bị nổi một cục có chứa máu bên trong ở vùng cổ, đi khám ở bệnh viện K chẩn đoán bị u nhú da.

Trong kết quả xét nghiệm máu của em về % số lượng bạch cầu như sau: %NEUT: 73,8 (RANGE: 50 - 75); %LYM: 19,5 (RANGE: 20 - 45); %MONO: 4,8 (RANGE: 0-8); %EO: 1,5 (RANGE: 0-8); %BASO: 0,4; (0-1); %IG: 0,1.

Xin hỏi BS như thế có bình thường không?

Em được chỉ định tiểu phẫu cắt bỏ khối u nhú da, liệu sau khi tiểu phẫu có bị tái phát không? Em rất mong được giải đáp sớm, em cảm ơn BS!


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn Thúy,

Bạn bị u nhú ở da, theo mô tả của bạn, tôi nghĩ đây là bướu máu dạng nhú ở vùng cổ.

Tất cả các xét nghiệm của bạn chưa nói lên được điều gì, u lành hay u ác. Do đó chỉ định  tiểu phẫu cắt bỏ tôi nghĩ là hợp lý, bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ của bạn.

Còn sau khi tiểu phẫu, việc tái phát hay không phụ thuộc vào BS phẫu thuật có lấy hết hay không lấy hết tổn thương. Nếu u nhú lành tính sau khi được cắt  bỏ thì khả năng tái phát rất thấp, bạn hãy yên tâm.


- Bạn đọc Hương - guithu...@gmail.com

BS ơi,

Mẹ tôi bị u góc cầu tiểu não. Mẹ tôi năm nay 79 tuổi. Bị bệnh tim, rung nhĩ. BS yêu cầu chụp MRI có cản quang để xác định nhưng có nói sức mẹ tôi không đủ để chụp.

Vậy tôi muốn hỏi BS có nên cho mẹ chụp MRI không? Nếu không chụp thì có cách nào chữa được không? Không chiếu tia thì mẹ tôi sống được bao lâu?

Hiện tại mẹ tôi khó vận động, khó nuốt thức ăn, nửa người bên phải yếu. Tôi xin BS cho lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

U góc cầu tiểu não thường lành tính nhiều hơn ác tính, tuy nhiên, do u ở vị trí này có thể chèn ép, gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến các chức năng của vùng tiểu não góc cầu.

Nếu người nhà của bạn chưa có các biến chứng do khối u chèn ép khi có thể trì hoãn, tuy nhiên khi đã phát hiện u, quan điểm của chúng tôi là nên điều trị càng sớm càng tốt.

Việc chụp MRI là do chỉ định của bác sĩ để đánh giá, chúng tôi chỉ điều trị khi có kết quả hình ảnh khối u trên phim MRI.

BV Nhân dân 115 chúng tôi là trung tâm duy nhất ở phía nam có hệ thống máy Gama knife quay có thể sử dụng để điều trị u góc cầu tiểu não một lần duy nhất. Nếu có điều kiện bạn có thể đưa người thân đến để chúng tôi tư vấn thêm.


- FB H. Duyên

Xin chào BS,

Em đang ở Đài Loan. Em vừa có kết quả kiểm tra tổng quát, nhờ BS xem giúp (có hình ảnh). Chỉ số CA199 của em là 85.1. Trong gia đình thì em có mẹ bị ung thư tụy.

Xin BS giải thích dùm em chỉ số này với. Bước tiếp theo em nên làm gì? Em rất sợ bị ung thư như mẹ em.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

CA199 là chỉ số chỉ điểm ung thư, đối với chúng tôi, chỉ một mình chỉ số này không nói lên điều gì cả, mặc dù nó cao.

Để chẩn đoán ung thư cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác như triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh CT scan nghi ngờ có khối u, cộng thêm chỉ số CA199 cao làm cho chúng ta nghĩ nhiều đến ung thư để có chẩn đoán chính xác hơn thôi.

Do đó, khi xét nghiệm máu, thấy chỉ số CA199 cao, bạn không nên lo lắng quá, mặc dù trong nhà bạn đã có người bị ung thư tụy.

Nếu bạn vẫn chưa yên tâm thì nên đến BS chuyên khoa để làm công tác tầm soát ung thư tụy.

- FB M. Tâm

Thưa BS Ngọc Anh,

Tôi 65 tuổi, hay đau tức bụng dưới, đi kiểm tra nội soi dạ dày, đại tràng, BS kết luận:

+ Viêm hang vị dạ dày, trào ngược thực quản độ A

+ Cách hậu môn 5cm có 1 khối tăng sinh 2mm bề mặt nhẵn

Xin hỏi BS khối tăng sinh vậy có nguy hiểm gì? Cần phải đi kiểm tra thường xuyên không? Đó có phải là polyp không? Nó có khả năng phát triển thành ung thư không?


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào anh,

Khối u cách hậu môn 5cm thì tôi khẳng định đây là polyp hậu môn. Polyp bề mặt nhẵn  và tròn thì thường là lành tính.

Về khả năng nó có phát triển thành ung thư hay không thì khi nội soi phát hiện polyp, bác sĩ thường cắt bỏ, nguồn gốc gây ra ung thư ở vị trí này cũng không còn nữa.

Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có đa polyp (có nhiều polyp ở vị trí khác) thì nguy cơ ung thư cao hơn, cần có kế hoạch theo dõi thường xuyên bằng cách nội soi đại trực tràng để phát hiện polyp sớm, làm sinh thiết sớm, nếu phát hiện ung thư sớm thì xử lý sớm.



- FB B. Thao




Xin chào BS Ngọc Anh,

Mẹ em xét nghiệm chỉ số như vậy có phải bị ung thư không ạ? Cách đây 3 tháng chỉ số CA125 là 36. Đợt này BS có kêu xét nghiệm lại thì thấy tăng cao như hình. Hiện tại mẹ em đang rất hoang mang. Mong BS tư vấn giúp em!


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Thảo thân mến,

CA125 là chất chỉ điểm sinh học sinh u của ung thư buồng trứng. Với xét nghiệm của mẹ bạn CA125 lần trước là 36, lần sau trong hình là 65.8 cũng không phải là quá cao.

Hơn nữa, kết quả CT của không có biểu hiện sang thương buồng trứng mà là u xơ cổ tử cung, do đó bạn cũng đừng quá lo lắng.

Mẹ bạn 48 tuổi, thuộc độ tuổi bắt đầu có yếu tố nguy cơ thì mẹ bạn cũng nên tầm soát định kỳ.


- FB Hong P.

BS ơi,

Em bị nổi hạch cơ ức đòn chũm được 3 năm rồi ạ.

Năm 2015 em đã đi khám ở phòng khám chẩn đoán ung thư sớm, BS cho em làm sinh thiết hạch và kết luận là hạch viêm. Em đã uống thuốc theo BS kê đơn nhưng đến 2 tháng gần đây hạch của em lại to hơn.

Vậy BS cho em hỏi bệnh hạch viêm có thể chữa tận gốc để hạch biến mất, hay phải làm phẫu thuật ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:


Chào bạn,

Bạn đã được sinh thiết hạch, kết quả hạch viêm là lành tính nên bạn đừng lo lắng quá.

Nổi hạch viêm là do bạn có viêm nhiễm ở cơ quan nào đó trên vùng đầu mặt cổ, có thể là viêm nướu răng, viêm chân răng, viêm amidan, viêm VA, viêm họng...

Nổi hạch là phản xạ tốt của cơ thể để ngăn chặn sự phát sinh tiếp tục của các vi trùng ở tầng trên của đường hô hấp đi xuống tầng dưới của đường hô hấp là phổi. Tuy nhiên hạch to ra chứng tỏ tình trạng viêm nhiễm ở vùng đầu mặt cổ của bạn vẫn còn.

Do đó bạn cần khám các chuyên khoa: tai mũi họng, răng hàm mặt… để xác định nguyên nhân gây hạch, sau khi chữa hết vùng viêm nhiễm thì hạch mới xẹp và hết được.


- FB L. Bình

Chào BS,

Mấy tháng nay ở cổ họng tôi có nổi hai cái mụn, thỉnh thoảng hơi rát họng trong vài ngày rồi tự khỏi. Mụn thì vẫn còn.

Cách đây mấy ngày trong họng rất đau và có nhiều mụn nữa nhưng không ho. Sáng dậy tôi khạc đờm có lẫn máu.

Tôi có đi khám, BS nói tôi bị viêm họng, viêm amidan, trào ngược dạ dày, không yêu cầu làm xét nghiệm gì cả.

Có phải tôi bị ung thư không? Để kiểm tra thì tôi cần làm những xét nghiệm gì? Mong BS tư vấn giúp ạ.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn Bình,

Đây là thắc mắc chúng tôi cũng hay gặp. Thông thường các trường hợp nổi hạch nổi cục nhiều ở vùng họng có thể là viêm họng hạt. Đầu tiên bạn phải đi khám bác sĩ tai mũi họng, sau khi bác sĩ thăm khám, khi thấy những u, cục, mụt… có thể bác sĩ sẽ cắt làm sinh thiết, nếu kết quả ác tính thì bác sĩ sẽ thông báo với bạn để bạn đến chuyên khoa ung bướu.

Còn việc bạn khạc đờm ra lẫn máu thì bên cạnh việc khám hầu họng, tôi đề nghị bạn kiểm tra thêm về phổi để không bỏ sót các tổn thương ở phổi có thể có khi bạn ho và khạc đờm ra lẫn máu.


- FB Tr. Nhi

Chào BS,

Mẹ tôi năm nay 53 tuổi, bị ung thư vú giai đoạn 2 (T2N1M0) vừa phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú.
Sau khi cắt thì BV có đem khối u đã cắt đi xét nghiệm kết quả là di căn. BV đưa ra phác đồ điều trị là hoá trị 4 lần và xạ trị 2 lần.

Theo tôi được biết qua người nhà là đã cắt rồi thì không sao nhưng nghe đến di căn làm cho tôi không yên tâm vì vẫn có khả năng mầm bệnh còn sót lại sau phẫu thuật.

Làm phiền BS giải thích cho tôi hiểu rõ hơn tình trạng của mẹ tôi, phác đồ điều trị như vậy có khả quan không? Mẹ tôi có điều trị nhắm trúng đích được không? Rất mong được BS giải đáp.


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Mẹ bạn đã bị ung thư vú ở giai đoạn T2 là khối u đã trên 5cm, N1 là di căn hạch. Đối với tình trạng này thì ngoài phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị và xạ trị là bước đi tiếp theo để đảm bảo được điều trị triệt để và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Do do đó bạn không nên quá lo lắng.

Di căn hạch cũng thường gặp vì ung thư vú ở Việt Nam thường phát hiện ở giai đoạn trễ. Bạn chỉ lo lắng khi nào ung thư đã di căn xa, ví dụ di căn gan, di căn phổi, di căn xương.

Mẹ bạn có được điều trị thuốc nhắm trúng đích hay không còn phải tùy thuộc theo xét nghiệm về sinh học phân tử và hóa mô miễn dịch. Nếu mẹ bạn có HER 2+ thì mới sử dụng thuốc nhắm trúng đích.


- FB Hoa Lan

BS ơi,

Mẹ em vừa đi khám được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2B. Bệnh mẹ em có thể chữa khỏi được không? Nếu chữa được thì có sống thọ như tuổi thọ tự nhiên không hay chỉ duy trì sự sống? Em cảm ơn BS!


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Lan thân mến,

Ung thư vú ở giai đoạn 2B cũng là còn sớm, em nên đưa mẹ em đến BV điều trị.

Còn việc chữa khỏi hay không thì còn tùy thuộc ung thư vú ở giai đoạn 2B nhưng tình trạng di căn hạch có hay không, và còn phụ thuộc vào các đặc điểm về giải phẫu bệnh lý của các tế bào ung thư thì mới có thể đánh giá vấn đề tiên lượng.

Tiên lượng ung thư vú không dựa vào kích cỡ của khối u. Có nhiều trường hợp ung thư vú kích thước rất nhỏ nhưng về hóa mô miễn dịch và sinh học phân tử đưa đến một tiên lượng rất xấu thì việc điều trị bệnh kết quả cũng xấu, và ngược lại.

Em chớ nên hoang mang, lo lắng, cố gắng động viên mẹ điều trị nhé.


- FB Trang N.

Xin chào BS,

Mẹ tôi bị ung thư buồng trứng, đã xạ trị và cắt bỏ tử cung, buồng trứng được 4 tháng. Nay đi tái khám, BS cho làm lại siêu âm và chọc hút tế bào do nghi bị tái phát.

Xin cho hỏi, nếu bị tái phát thì cách điều trị thế nào, có giống như bị lần đầu không?

Tôi (nữ, 38 tuổi), em gái (33 tuổi), con gái tôi (16 tuổi) có nguy cơ bị bệnh này bao nhiêu %? Chúng tôi cần làm những xét nghiệm chuyên sâu nào để tầm soát ung thư, bao lâu thì nên tầm soát một lần? Xin cám ơn BS!


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn Trang,

Mẹ bạn bị ung thư buồng trứng, sau khi đã cắt bỏ thì được hóa trị, sau đó, có thể bệnh nhân bị tái phát sau 4 tháng. Trường hợp này vẫn phải điều trị trở lại, đương nhiên phác đồ lần này sẽ khác phác đồ lần trước.

Thông thường trong điều trị ung thư, một phác đồ dưới 6 tháng mà đã tái phát thì phác đồ đó không hiệu quả, vì vậy bác sĩ sẽ phải áp dụng phác đồ khác cho mẹ bạn. Do đó bạn nên đưa mẹ đến BV để điều trị tiếp tục.

Bạn, em gái bạn và con gái của bạn có yếu tố nguy cơ bao nhiêu phần trăm thì chúng tôi không được nắm rõ nhưng đối với ung thư buồng trứng thì có tỷ lệ di truyền từ 7-12% (con số này vẫn chưa được thống nhất). Tuy nhiên khi có người nhà bị ung thư, và ung thư có yếu tố di truyền thì bạn nên có kế hoạch tầm soát chứ không nên chỉ chăm chú vào tỷ lệ phần trăm ít hay nhiều. Cần làm những xét nghiệm nào để tầm soát thì bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ hướng dẫn cụ thể cho bạn nhé.


- FB M. Anh

BS cho em hỏi,

Ông ngoại em năm nay 80 mới phát hiện bị ung thư dạ dày BS bảo phải cắt bỏ hết bao tử, không biết ông em có chịu nổi không? Mọi người sợ ông lúc phẫu thuật có biến chứng chịu không được mất luôn.

Phẫu thuật vậy ở độ tuổi 80 có an toàn không ạ? Hay là để ông ngoại em như vậy rồi ăn uống cho thỏa, khỏi phải đau đớn? Nhưng em sợ ngoại đi sớm.

Em mong BS tư vấn giúp em nên làm thế nào tốt nhất cho ông. Em xin cám ơn BS!


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Theo tôi nghĩ ung thư dạ dày là phải can thiệp bằng ngoại khoa nếu có thể được và chỉ có can thiệp ngoại khoa mới đem lại hiệu quả và chất lượng sống cho bệnh nhân trong những ngày còn lại một cách tốt nhất. Do đó tôi khuyên là nên phẫu thuật.

Mức độ an toàn của cuộc phẫu thuật như thế nào thì còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh nền, tổng trạng của bệnh nhân. Tại BV Nhân dân 115 chúng tôi đã phẫu thuật ung thư cho nhiều trường hợp trên dưới 90 tuổi, do đó bạn không nên quá lo lắng.

Bạn băn khoăn “để ông ngoại như vậy rồi ăn uống cho thỏa, khỏi phải đau đớn, nhưng sợ ngoại đi sớm” là suy nghĩ hết sức mâu thuẫn vì ung thư nếu không chữa thì rất đau đớn và mau qua đời.


- FB H. Pham

Thưa BS Ngọc Anh,

Mấy tháng gần đây em đi vệ sinh thấy phân có ít máu và nhầy nên đi nội soi BS phát hiện 1 polyp 8-10 mm cách bờ hậu môn 2cm và đã lấy mẫu mô sinh thiết chờ kết quả.

Nhưng em có thắc mắc vì theo em biết thì BS nếu thấy có polyp sẽ cắt ngay trong khi nội soi rồi mới đem sinh thiết còn trường hợp của em BS chỉ lấy mẫu mô sinh thiết mà không cắt polyp và nói là 10 ngày mới có kết quả chứ không cho thuốc hoặc dặn dò giải thích gì hết.

Hiện nay còn mấy ngày mới có kết quả nên em rất lo, sợ nếu bị ác tính mà đợi lâu quá thì nguy.
Em có người quen cũng đi nội soi và được cắt rồi mới sinh thiết, kết quả lành tính thì coi như đã được khỏi bệnh. Và một số trang về sức khỏe trên mạng cũng có nói như vậy. Như vậy có đúng không ạ?

BS cho em hỏi thêm là polyp dễ chảy máu có phải ác tính không BS? Nguy cơ ung thư của em có cao không? Nhiều người bị ung thư hậu môn có triệu chứng khác nhau, có người lại không thấy chảy máu. Em thì thỉnh thoảng thấy ít máu trên phân.

Xin vui lòng giải đáp dùm em! Chân thành cảm ơn BS!


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh:

Chào bạn,

Polyp dễ chảy máu là polyp đã bị viêm, loét, sùi, vì vậy nguy cơ ác tính cao, cho nên cần tầm soát và chẩn đoán kỹ.

Polyp không cắt được, theo tôi suy đoán có thể polyp không có cuống. Polyp đường kính 8-10mm không có cuống thì BS ít khi xử lý cắt polyp, vì nếu cắt thì phải cắt sâu, cầm máu khó khăn, nguy cơ thủng ruột cũng cao, do đó bác sĩ chỉ làm sinh thiết để chẩn đoán polyp lành hay ác tính.

Đối với ung thư ống hậu môn, đúng như bạn suy nghĩ, bệnh này có biểu hiện triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy người. Tuy nhiên, các triệu chứng thông thường nhất là: đi cầu ra đàm lẫn máu, phân dẹt, táo bón thường xuyên, sụt cân,…

Trường hợp của bạn, polyp 10mm không có cuống mà lại dễ chảy máu thì đây là yếu tố nguy cơ nhưng bạn cũng không nên lo lắng nhiều, còn phải chờ kết quả sinh thiết mới có thể chẩn đoán rõ ràng hơn.

Thân mến.

Theo Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080