Logo Bệnh viện Nhân dân 115
08/10/2019 08:54

BS.CK2 Ngô Đức Minh Huy: Bảo vệ mũi họng thế nào trong không khí ô nhiễm?

Không khí ô nhiễm ảnh hưởng gì đến vùng tai mũi họng? Vệ sinh mũi họng sao cho đúng? Nên chọn khẩu trang nào khi ra đường?... là những câu hỏi thời sự mà BS.CK2 Ngô Đức Minh Huy - Phó trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp trong chương trình tư vấn trên AloBacsi.

T

Trước vấn đề thời sự không khí ô nhiễm, BS.CK2 Ngô Đức Minh Huy - Phó trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân 115 có những chia sẻ thiết thực giúp bạn đọc biết cách bảo vệ sức khỏe vùng tai mũi họng


Bệnh nhân viêm xoang chịu ảnh hưởng như thế nào khi không khí ô nhiễm, thưa BS?

Bệnh viêm xoang là bệnh mạn tính, rất dễ tái diễn; đặc biệt trong điều kiện môi trường sinh hoạt ô nhiễm.

Viêm xoang là viêm niêm mạc lót trong các hốc xoang bị viêm nhiễm, phù nề, xuất tiết..; quá trình này kéo dài sẽ gây bít tắc các lỗ thông xoang. Khi lỗ thông xoang tự nhiên bị bít tắc, xoang sẽ lâm vào tình trạng bệnh lý.

Mức độ ô nhiễm môi trường tăng do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển giao thông cơ giới mức độ cao, cũng như những biến đổi khí hậu, ngập lụt, triều cường tăng... sẽ tạo ra môi trường không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí đầu tiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp. Vùng tai - mũi - họng là cửa ngõ tiếp xúc và bị ảnh hưởng đầu tiên.

Những hạt bụi nhỏ, mịn, chúng ta có thể đo bằng chỉ số quang trắc PM 2.5 - kích thước bụi mịn nhỏ hơn 2.5 micromet. Những hạt bụi này đi trực tiếp vào trong đường hô hấp của chúng ta. Thậm chí, chúng có thể hấp thụ vào mạch máu. Những hạt bụi này có thể chứa carbon, nitơ, các kim loại và chứa cả vi khuẩn, virus... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xoang khi chúng ta hít vào.

Xoang là một trong những cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, dẫn đến việc nghẹt mũi, xuất tiết mũi, dễ viêm nhiễm, từ đó sẽ gây ra các triệu chứng ở mũi khiến tình trạng viêm xoang ngày càng tăng.


BS Minh Huy và MC Minh Khuê trong chương trình tư vấn: Bảo vệ mũi họng thế nào trong không khí ô nhiễm?

Còn với bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, họ gặp những bất tiện gì khi không khí ô nhiễm?

Bụi siêu mịn PM 2.5 gồm các hạt bụi li ti với kích thước siêu nhỏ, dưới 2.5 micromet chứa các thành phần sẽ tác động lên các tế bào niêm mạc mũi. Ô nhiễm trong đô thị chủ yếu do các hạt rắn lơ lửng gồm SO2, NO2, CO…,đặc biệt trong môi trường còn có nhiều xăng chì.., nơi có nhiều phương tiện giao thông.

Khi bệnh nhân tiếp xúc, hít vào các tế bào niêm mạc mũi sẽ kích thích với những hạt bụi này, các tế bào sẽ xem đây là những dị nguyên.

Ở người viêm mũi dị ứng, tế bào niêm mạc mũi rất dễ nhạy cảm với  những dị nguyên này, gây ra những triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi... Cho đến khi các dị nguyên này chưa được cải thiện thì viêm mũi dị ứng sẽ ngày càng trầm trọng thêm, thậm chí kéo dài sẽ dẫn đến viêm mũi xoang dị ứng. Nếu tiếp diễn trong thời gian dài sẽ làm bội nhiễm, viêm tai, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi,...

Những người bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang nên làm gì để thấy dễ chịu hơn trong bầu không khí này ạ?

Trong môi trường không khí ô nhiễm như hiện nay, những người viêm xoang hay viêm mũi dị ứng nên tự tập luyện và trang bị cho mình những chăm sóc cần thiết. Để khắc phục, mỗi người nên:

- Mang khẩu trang chất lượng tốt khi tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm.

- Vệ sinh mũi, xoang bằng cách rửa mũi xoang hằng ngày bằng nước muối sinh lý hay nước biển sâu Xisat để làm sạch, thông thoáng hệ thống mũi xoang.

- Giữ môi trường xung quanh như nhà cửa, cơ quan làm việc luôn sạch sẽ, thông thoáng, không gian xanh,...

- Nếu có điều kiện nên tạo không khí trong phòng của mình được trong lành hơn như dùng máy lọc không khí.

- Tập thể dục - thể thao ở nơi khuôn viên trong lành để trao đổi không khí trong lành cho mũi xoang, cải thiện sức đề kháng, nâng cao sức khỏe.


Xịt nước muối vào mũi và nghiêng đầu cho nước chảy ra ở bên đối diện, luân phiên với mũi còn lại. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Chúng ta nên vệ sinh mũi họng như thế nào, nên chọn dung dịch gì, cách thức ra sao, nhờ BS hướng dẫn?

Không khí ô nhiễm chứa rất nhiều bụi mịn, vi khuẩn, virut, nấm mốc… Mũi là cơ quan trú ngụ đầu tiên của các chất ô nhiễm. Chính vì vậy, chúng ta cần phải vệ sinh mũi họng hằng ngày, 2 lần sáng - tối hoặc rửa mũi bằng dung dịch sau khi đi ở môi trường bên ngoài nhằm loại bỏ những chất ô nhiễm này khỏi hệ thống mũi họng.

Dung dịch được chọn đầu tiên vẫn là nước muối sinh lý. Xịt nước muối vào mũi và nghiêng đầu cho nước chảy ra ở bên đối diện, luân phiên với mũi còn lại.

Hiện nay, ta có thể dùng dung dịch nước biển sâu dạng chai phun sương Xisat sẽ tiện hơn. Mỗi lần xịt, bệnh nhân nhấn xịt 3-5 lần, sau đó cúi đầu xuống cho nước chảy ra ngoài.

Đối với súc họng hay xịt họng thì sau khi nhỏ nước muối hay xịt Xisat; chúng ta súc và nhổ ra ngoài.

Nếu chăm sóc mũi họng đúng cách sẽ giúp chúng ta có sức đề kháng tốt, bảo vệ đường hô hấp trong điều kiện không khí ô nhiễm như hiện nay.

Nếu sử dụng nước muối nhiều lần trong ngày có gây ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Nước muối sinh lý, nước biển sâu là những dung dịch trung tính, đặc biệt nước biển sâu còn có tác dụng kháng khuẩn cho cơ thể, tốt cho đường hô hấp. Những dung dịch này hoàn toàn không gây hại, hơn nữa còn làm sạch đường hô hấp để không khí vào cơ thể trong lành hơn.

Trong bầu không khí ô nhiễm thì dùng khẩu trang nào là tốt nhất ạ?

Việc đeo khẩu trang rất có lợi cho chúng ta trong môi trường ô nhiễm này. Trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang như khẩu trang vải, khẩu trang y tế, khẩu trang than hoạt tính và hiện nay có nhiều khẩu trang cao cấp. Đối với những khẩu trang vải chỉ lọc khoảng 10%. Trong những loại bụi siêu mịn, khẩu trang than hoạt tính có thể loại bỏ trên 90% những hạt bụi siêu mịn, những vi khuẩn, virus.

Hiện nay, có một số khẩu trang có thể chống tia UV, lọc khí cao cấp. Những loại khẩu trang cao cấp này hầu như đều có thành phần than hoạt tính để hấp thụ 90% bụi mịn, tốt hơn so với những loại khẩu trang thông thường.


Ở ngoài vành tai, có thể lau bằng bông gòn hoặc tăm bông để vệ sinh cửa tai bên ngoài. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Không khí ô nhiễm có ảnh hưởng đến tai không ạ? Chúng ta có cần vệ sinh tai sau khi đi ra đường không, thưa BS?

Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến mũi, họng có thể gây ra viêm mũi, xuất tiết mũi.

Như chúng ta đã biết về cấu trúc giải phẫu thì ở tai giữa có một vòi tai thông xuống phần sau của mũi họng, do đó những tổn thương viêm nhiễm, xuất tiết ở vùng mũi- họng có thể gây ra ảnh hưởng đến tai giữa và gây ra viêm tai. Khi bị viêm tai, các bạn nên đến khám chuyên khoa của những bác sĩ Tai mũi họng để có hướng điều trị triệt để cho chúng ta.

Rất nhiều người không phải vệ sinh tai thường xuyên vì ở trong tai thường có ráy tai là một chất tự làm sạch của cơ thể và tự thoát ra. Ráy tai có nhiệm vụ thu thập những bụi mịn, bụi siêu mịn và được thải ra ngoài theo cơ chế tự làm sạch giống như há miệng hoặc cử động khớp hàm thì ráy tai sẽ tự được tống ra.

Về vấn đề vệ sinh tai, chúng ta có thể nhỏ nước muối vào trong ống tai và sau đó để chừng vài phút và nghiêng tai để cho nước chảy ra và chúng ta có thể lấy tăm bông thấm ở cửa tai. Không nên sử dụng tăm bông để ngoáy sâu vào trong ống tai vì khi vào trong cây tăm bông có thể làm tổn thương niêm mạc bên trong ống tai, màng nhĩ hoặc nếu có ráy tai thì cây tăm bông có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong ống tai, như vậy không có lợi.

Còn ở ngoài vành tai, có thể lau bằng bông gòn hoặc tăm bông để vệ sinh cửa tai bên ngoài.


Đeo khẩu trang đúng cách, đạt chất lượng giúp loại bỏ những hạt bụi siêu mịn, vi khuẩn, virus. Ảnh: VectorStock

Có thông tin rằng ở Hà Nội hiện nay, ban đêm ô nhiễm hơn ban ngày. Vậy mọi người nên làm gì để bảo vệ tai mũi họng vào ban đêm ạ?

Theo những số liệu quan trắc từ ngày 12/9 - 22/9 vừa qua thì chỉ số PM 25 hoặc AQI đánh giá mức độ không khí ô nhiễm của Hà Nội tăng cao vào ban đêm và lúc trời sáng, vì vậy để hỗ trợ và chăm sóc cho chúng ta thì khi đi làm về, chúng ta có thể tập thể dục để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Môi trường nhà ở phải sạch sẽ và thông thoáng, nhiều không gian xanh, nếu có điều kiện có thể sử dụng máy lọc không khí điều này cũng sẽ làm giảm mật độ ô nhiễm không khí trong phòng.

Người dân đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và những người bị mắc bệnh đường hô hấp vào ban đêm hạn chế đi ra bên ngoài. Nếu trường hợp bắt buộc phải tham gia giao thông thì chúng ta nên đeo khẩu trang và kính chống bụi. Như cũng vừa trao đổi với quý vị thì chúng ta cũng nên chọn cho mình một khẩu trang tốt để có thể ngăn được bụi mịn hiệu quả.

Buổi sáng khi đưa trẻ đi học thì nên đeo khẩu trang cho các cháu, mặc áo bên ngoài kín để tránh bụi mịn tiếp xúc vào da và cơ thể.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK2 Ngô Đức Minh Huy đã chia sẻ những thông tin hữu ích về cách bảo vệ tai mũi họng khi không khí bị ô nhiễm. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080