Logo Bệnh viện Nhân dân 115
22/04/2020 09:00

BS.CK2 Đinh Thu Oanh: Nếu nuốt phải dị vật bạn nên xử trí thế nào?

Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng nam gặp nhiều hơn nữ. Để hiểu rõ hơn vấn đề, mời quý bạn đọc theo dõi bài phỏng vấn BS.CK2 Đinh Thu Oanh - Bệnh viện Nhân Dân 115 dưới đây.

BS.CK2 Đinh Thu Oanh - Trưởng Đơn vị nội soi, Bệnh viện Nhân dân 115


NỘI DUNG TƯ VẤN


Đơn vị nội soi Bệnh viện Nhân dân 115 là nơi thường xuyên xử lý những trường hợp nuốt dị vật. BS có thể cho biết bệnh nhân nuốt dị vật thường ở độ tuổi nào, và dị vật thường là cái gì ạ?

Nguy cơ mắc dị vật có thể gặp bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới nhưng có một số NC cho thấy rằng nam gặp nhiều hơn nữ. Một số tình huống thường gặp là:
- Dị vật là xương (xương cá, xương gà…) thường gặp ở người có thói quen ăn nhanh, vừa ăn vừa làm việc, tiếp khách, nhậu...
- Dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ
- Dị vật là răng giả: Khi ăn uống người bệnh có thể nuốt luôn cả răng giả hay gặp ở loại răng giả có thể tháo lắp.
- Dị vật là đồ chơi: trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi, do đó dị vật thường là đồ chơi, đồng xu, cục pin.
- Dị vật là cây tăm: Người có thói quen ngậm tăm có thể vô tình nuốt phải cây tăm, thường phát hiện ngay hoặc đôi khi nuốt phải mà không biết.
- Dị vật có thể là khối thức ăn, hay gặp ở người lớn tuổi, răng yếu. Ví dụ: Trường hợp miếng gân bò bị kẹt trong thực quản cụ ông 88 tuổi.
- Trường hợp cố tình nuốt dị vật như: tù nhân trong trại, người tâm thần…

Dị vật do bệnh nhân nuốt phải rất đa dạng: xương gà, xương cá, răng giả, hạt sơ ri

Dị vật như thế nào được xem là nguy hiểm, phải đến bệnh viện ngay khi nuốt, thưa BS?

- Dị vật sắc nhọn: Xương cá, kim loại, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn nguyên vỏ => nếu không lấy ra những đầu sắc nhọn có thể gây tổn thương , chảy máu, thủng đường tiêu hóa, nhiễm trùng gây nguy hiểm tới tính mạng. Trong nhóm này lưu ý dị vật đâm xuyên thành thực quản vào cung động mạch chủ và gây tử vong tức thì.

- Dị vật gây độc như pin đèn: Trong pin đèn có các loại hóa chất khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt của đường tiêu hóa tạo ra chất gây bỏng niêm mạc và có thể gây thủng.

- Dị vật gây tắc nghẽn

Với nhóm dị vật này, hội nội soi châu Âu khuyến cáo phải nội soi sớm trong 2 giờ đầu, chậm nhất là 6 giờ.

Thuốc còn nguyên vỏ là dị vật nguy hiểm cần nhanh chóng lấy ra


Để nội soi gắp dị vật ra, trường hợp nào BS sẽ nội soi dạ dày, trường hợp nào nội soi đại tràng?

- Chỉ định nội soi tiêu hóa trên được áp dụng trong các trường hợp ngay sau khi nuốt phải dị vật có nguy cơ gây biến chứng như đã nói ở trên.

- Chỉ định nội soi tiêu hóa dưới để gắp dị vật thường áp dụng khi phát hiện dị vật trên phim X-quang, hoặc CT scan, nhưng đa số dị vật tiêu hóa dưới được phát hiện tình cờ khi nội soi đại tràng, trong các tình huống như: bệnh nhân đi khám vì lý do đau bụng và được bác sĩ cho chỉ định nội soi đại tràng và khi nội soi phát hiện dị vật. Trên thực tế thường gặp là cây tăm, kim loại, cá biệt có trường hợp có cả móc câu…

Việc gắp dị vật ra khá phức tạp đặc biệt là  dị vật sắc nhọn vì có thể gây tổn thương đường tiêu hoá gây chảy máu thậm chí thủng.
Vì vậy cần phải có những dụng cụ chuyên biệt để gắp ra. Ngoài những dụng cụ thông thường như snare, kìm cá sấu thì tuỳ theo hình dạng của dị vật mà bác sĩ nội soi sẽ lựa chọn dụng cụ thích hợp:
- Với những dị vật sắc nhọn thì cần có một loại dụng cụ bằng cao su trùm ra ngoài để giảm thiểu tổn thương niêm mạc ống tiêu hoá khi kéo dị vật ra ngoài.
- Với dị vật là đồng xu thì sẽ sử dụng một loại dụng cụ có cấu tạo như cái vợt để lấy đồng xu ra ngoài...


"Nón bảo vệ" dành cho những dị vật sắc nhọn, tránh cho dị vật cào xước niêm mạc trên đường đi ra


Vợt gắp dị vật, thường dùng để lấy những dị vật hình tròn, bề mặt trơn trượt


Và dị vật như thế nào là ít nguy hiểm và ta có thể theo dõi chờ nó ra ngoài theo phân?

Những dị vật có hình dạng tròn bờ tù, nhỏ, không gây triệu trứng thì không cần nội soi để gắp ra.

Thường thì phải theo dõi phân trong bao lâu thì sẽ thu được dị vật ạ? Trong thời gian chờ đợi, theo BS chúng ta nên ăn uống như thế nào để giúp dị vật ra nhanh hơn?

Thông thường, để thức ăn có thể đi qua hết đường tiêu hóa thì sẽ mất từ 24 đến 72 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, các vấn đề về giới tính, tình trạng sức khỏe, loại thức ăn mà bạn ăn vào cũng làm ảnh hưởng đến thời gian dị vật ra khỏi đường tiêu hóa nhanh hay chậm.

Như vậy muốn dị vật ra nhanh hơn chúng ta có thể ăn các thực phẩm gây nhuận tràng, uống nhiều nước hoặc có thể uống thêm thuốc nhuận tràng.

Dị vật bằng chất liệu gì có thể thấy trên Xquang, còn trường hợp nào không thấy được, thưa BS?

Dị vật có cấu tạo từ kim loại hay xương động vật thì có thể thấy được trên phim X-quang.

Nhiều bạn đọc cảm thấy bất an, sau khi nuốt dị vật họ muốn biết dị vật đã trôi đến đâu, có mắc kẹt hay gây tổn hại gì trong đường tiêu hóa… thì có cách nào để biết được hay không ạ?

Dựa vào một số triệu chứng lâm sàng có thể dự đoán được vị trí của dị vật ví dụ như sau khi nuốt phải dị vật bệnh nhân thấy đau nhói ở vùng cổ thì khả năng dị vật mắc tại vùng cổ, hoặc đau sau xương ức thì có thể dị vật ở thực quản. Tuy nhiên để biết chính xác cần phải nội soi, chụp X-quang, hoặc CT scan.

Một số bạn đọc rất lo lắng sau khi nuốt hạt trái cây có chất độc như hạt na, hạt cherry… theo BS những lo lắng này có cơ sở không ạ?

Hạt na, hạt cherry và một số loại hạt khác có kích thước nhỏ, trơn láng, vỏ cứng không bị phân hủy bởi dịch tiêu hóa và cũng không bị vỡ do sự co bóp của dạ dày, nó có thể đào thải nguyên vẹn theo phân nên không cần lo lắng.

BS có thể kể về một vài trường hợp gắp dị vật đã được xử trí thành công tại Đơn vị Nội soi của BV Nhân dân 115 không ạ?

Một số trường hợp đặc biệt như:

- Trường hợp đơn giản nhất: Một bệnh nhân nam trẻ tuổi đi câu lươn, sau đó bệnh nhân và nhóm bạn câu tổ chức nhậu bằng sản phẩm câu được. Vài ngày sau bệnh nhân thấy đau ở hậu môn nên đi khám, được bác sĩ cho chỉ định nội soi. Khi thăm trực tràng để chuẩn bị nội soi bác sĩ phát hiện ra có một cái lưỡi câu nằm mắc ngay ở kênh hậu môn.Trường hợp này thật may mắn cho bệnh nhân vì lưỡi câu đã đi được qua gần hết chiều dài của đường tiêu hóa mà không gây tổn thương và các bác sĩ chỉ cần lấy tay gỡ nhẹ ra.

- Trường hợp bệnh nhân bị bệnh tâm thần nuốt phải cây nhang, dị vật xuống tới tá tràng. 

- Trường hợp răng giả lớn có móc kim loại nhọn.

-Trường hợp bệnh nhân ăn trái sơ ri nuốt hạt tạo thành khối gây tắc ở trực tràng, các bác sĩ nội soi phải gắp ra từng hạt. 

Hầu hết những trường hợp này dị vật được lấy ra bằng nội soi. Tuy nhiên một số bệnh nhân tới bệnh viện muộn, dị vật đã đâm thủng niêm mạc, gây nhiễm trùng  phải xử trí bằng ngoại khoa.


Một số khuyến cáo để hạn chế tình trạng nuốt dị vật?

- Hạn chế tình huống vừa ăn vừa nói chuyện, tiếp khách, trường hợp cần thiết thì nên chọn các món ăn không có xương.

- Trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh trộn (chan) canh vào cơm ăn cùng một lúc.

- Khi ăn trái sơ ri không nên nuốt hạt

- Người già và trẻ nhỏ tránh thức ăn dai, gân, da, cần cắt nhỏ nấu mềm.

- Cẩn thận khi ăn các món thịt cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ.

- Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong.

- Không cho trẻ em chơi các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, để những vật dụng gây nguy hiểm như pin đèn xa tầm tay của trẻ.

- Nhớ loại bỏ vỏ viên thuốc trước khi dùng, khuyến khích các công ty dược sản xuất thuốc đóng trong chai và hạn chế sản xuất các loại thuốc đóng vỉ.

Khi nuốt phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay ở các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện (X-quang, nội soi…) không nên tự ý điều trị tại nhà, hay điều trị theo mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.


Chương trình được phối hợp thực hiện bởi 
Bệnh viện Nhân dân 115 và Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080