Logo Bệnh viện Nhân dân 115
31/12/2017 10:52

Bệnh nhân tim mạch nên làm gì để huyết áp ổn định?

Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân khoa Tim mạch tổng quát tại Bệnh viện Nhân Dân 115 chiều 29/12, với 3 báo cáo từ các BS chuyên khoa về bệnh lý tim mạch đã thu hút 110 người tham gia.

Nội dung buổi sinh hoạt ngày 29/12 xoay quanh những vấn đề về bệnh lý tim mạch: “Chế độ ăn và luyện tập của bệnh nhân tim mạch”, “Bệnh THA và kiểm soát nhịp tim trong điều trị THA” và “Các lưu ý khi sử dụng thuốc THA”.

Mở đầu chương trình là sự góp mặt của Ths. BS Nguyễn Lê My - Khoa Tim mạch tổng quát với bài báo cáo “Chế độ ăn và luyện tập của bệnh nhân tim mạch”.

ThS.BS Nguyễn Lê My - Khoa tim mach tổng quát - Bênh viện Nhân Dân 115

Theo BS My, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với 17 triệu người tử vong năm 2011, gấp 4 lần số người tử vong do sốt rét, bệnh lao và viêm gan B cộng lại.

Các yếu tố gây nên bệnh tim mạch là từ bản thân của mỗi người và từ môi trường sống như: hút thuốc lá, rốt loạn lipid, tăng cholesterol, tăng huyết áp, tiểu đường, tiền sử gia đình có người bị tim mạch và béo phì.

Chiến lược phòng ngừa tại cộng đồng là kêu gọi cấm hút thuốc lá, chế độ ăn giảm muối, giảm mỡ, tăng chất xơ và các buổi giáo dục về chăm sóc sức khoẻ, tập thể dục đều đặn. Khi đó, chúng ta đã học được cách loại bỏ một số yếu tố gây nên bệnh tim mạch.

Bên cạnh đó, BS My cũng đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho những bệnh nhân như:

Chế độ ăn tốt cho người bệnh tim mạch là giảm tối đa các loại thức ăn chứa các loại chất béo no, cholesterol có trong mỡ, nội tạng, da của động vật (trừ cá) và bột ngọt.

Hạn chế ăn bánh kẹo chứa nhiều đường, tinh bột đường, rượu, bia. Tăng cường ăn rau củ quả và chất xơ, giảm lượng muối hằng ngày, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn vì có chứa nhiều chất béo, gia vị...

Thường xuyên tập thể dục, tối thiểu 150p/tuần, dành ra khoảng 10 phút đi bộ mỗi buổi trưa, sẽ giúp tim mạch khoẻ mạnh hơn và hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

BS My nhấn mạnh “Chúng ta cần 1 chiến lược để đấu tranh với bệnh tim mạch, phòng ngừa bằng cách loại bỏ các yếu tố gây nên bệnh khi chưa phát bệnh, như vậy mới có cuộc sống khoẻ mạnh và hạnh phúc”.


ThS.BS Trương Lệ Quyên trình bày chủ đề: “Bệnh THA và kiểm soát nhịp tim trong điều  trị THA”

Tiếp theo, BS Trương Lệ Quyên trình bày chủ đề: “Bệnh THA và kiểm soát nhịp tim trong điều trị THA”.

BS Quyên cho biết, huyết áp tăng hằng định >= 140/90 mmHg, thì được xem là bệnh THA. THA làm cho tim làm việc nặng nề, áp lực tác động lên thành mạch máu lớn. THA kéo dài sẽ dẫn đến bệnh đột quỵ, tim mạch, hư thận và mù mắt. Nhưng bệnh THA lại không có triệu chứng hay dấu hiệu gì báo trước.

Để xác định THA thì sử dụng dụng cụ đo và đo 2 hoặc nhiều lần liên tiếp, nếu huyết áp vẫn lớn hơn 140 mmHg thì đã bị THA. Để có kết quả đo chính xác thì không được uống cafe hay hút thuốc lá trong 30 phút trước khi đo, mặc áo ngắn tay và thư giãn cơ thể 5 phút trước khi đo.

Khi huyết áp tăng thì tần số nhịp đập của tim sẽ tăng cao, tim sẽ dãn và phì đại để thích nghi và đáp ứng lại nhu cầu của cơ thể. Nhưng khi tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Khi nhịp tim tăng cũng gây tổn hại mạch máu, gây xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ.

Kết thúc bài báo cáo, BS Quyên chia sẻ: “THA là bệnh lý có thể kiểm soát được nhờ vào thuốc chẹn beta giúp giảm nhịp tim, giảm co bóp, giảm tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim và bảo vệ tim”.

Bài báo cáo cuối cùng của BS Thượng Thanh Phương với nội dung: “Các lưu ý khi sử dụng thuốc THA”.


BS Phương nêu ra một số nguyên tắc khi sử dụng thuốc THA: Không ngưng thuốc đột ngột vì có thể dẫn đến THA tự phát không thể kiểm soát được, thận trọng khi đang mang thai, cho con bú hoặc đang bị đái tháo đường. Khi có các tác dụng phụ không mong muốn thì nên giảm liều lượng hoặc chuyển sang sử dụng loại thuốc khác và phải tuân thủ theo chỉ định của BS.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc THA: đi tiểu nhiều, khát nước, chóng mặt, nhức đầu, tim đập chậm, rối loạn tiêu hoá. Một số loại thuốc còn gây mất ngủ, gặp ác mộng, ho khan, ngứa, rát họng, xuất huyết, chảy máu chân răng, phù nề, đỏ bừng mặt,… và một số thuốc chống chỉ định với thai kỳ (như UCMC, ARB).

BS Phương nhấn mạnh: “Để điều trị được bệnh THA, ngoài sử dụng thuốc người bệnh phải thay đổi lối sống bằng cách ăn uống hợp lý, tích cực vận động thể dục thể thao, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá”.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng khoa Tim mạch tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115 

Để cung cấp thêm nhiều kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khoẻ tim mạch cho mọi người, khoa Tim mạch tổng quát sẽ tiếp tục thực hiện nhiều buổi sinh hoạt như vậy trong thời gian sắp tới.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Hiền - Trưởng khoa Tim mạch tổng quát bày tỏ: “Việc tổ chức các buổi sinh hoạt nội khoa thì khoa cũng đã làm nhiều lần rồi, nhưng đông và vui như thế này thì đây là lần đầu tiên và đó là niềm động viên rất lớn cho chúng tôi.

Mong rằng buổi sinh hoạt đã mang đến kiến thức về sức khỏe tới người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh để mọi người có thể tìm hiểu và phối hợp với BS trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và người thân của mình”.

Nguyễn Chúc

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080