Logo Bệnh viện Nhân dân 115
15/07/2019 08:31

Bệnh nhân thoái hóa khớp gối tập luyện như thế nào?

Tác dụng của tập luyện giúp các cơ và dây chằng khớp gối khỏe mạnh, dẻo dai và đặc biệt giúp cho các túi hoạt dịch quanh khớp tiết dịch vào khớp để nuôi dưỡng sụn khớp và bôi trơn cho khớp.
Tập luyện đã được chứng minh là hiệu quả thực sự trong điều trị và phòng bệnh thoái hoá khớp gối. Tác dụng của tập luyện giúp các cơ và dây chằng khớp gối khỏe mạnh, dẻo dai và đặc biệt giúp cho các túi hoạt dịch quanh khớp tiết dịch vào khớp để nuôi dưỡng sụn khớp và bôi trơn cho khớp.
Các động tác tập nên hạn chế các động tác làm tăng đè nén lên khớp gối. Các phương pháp tập dưới đây giúp cho cải thiện tình trạng thoái hoá khớp gối tốt nhất.

TẬP TƯ THẾ ĐỨNG

Đứng với một tay bám vào cạnh bàn hoặc giường. Nâng một chân lên, đung đưa theo chiều trước sau, rồi đổi bên.


Đứng, nâng một chân lên, hai tay giữ ở phía trên khớp gối rồi đá lên hạ xuống, sau đó đổi bên.



TẬP TƯ THẾ NGỒI

Ngồi trên ghế hoặc giường có đủ độ cao để 2 chân có thể vận động tự do. Ngồi ở mép giường hoặc ghế, 2 chân buông xuống dưới, rồi đá chân lên, hạ xuống.


Có thể sử dụng dây thun hoặc tạ hoặc túi cát nặng khoảng 1-3kg để tập tăng sức mạnh cơ; cũng có thể dùng chân kia để tạo kháng lực (như hình vẽ bên).


TẬP TƯ THẾ NẰM

Đặt một cái gối dưới khớp gối, rồi tập đá thẳng chân lên, hạ xuống.


Không kê gối: Nâng chân lên khỏi mặt giường, rồi vận động co duỗi cổ chân.

Nằm ngửa, 2 tay giữ ở vùng đùi trên khớp gối, rồi tập đá lên và hạ xuống, sau đó đổi chân.



Nằm ngửa, dùng một dây thun cố định một bên bàn chân, đầu trên giữ bằng tay rồi co duỗi gối đạp cho căn dây thun.



Nằm nghiêng: Nằm nghiêng rồi vận động chân bên trên lên xuống.


Nằm sấp: Tư thế nằm sấp, co duỗi khớp gối đổi bên liên tục, có thể sử dụng thêm tạ cố định ở cổ chân để tăng kháng trở tập. Sau đó, tập nâng cả đùi lên khỏi giường.


Ngoài ra: Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối có thể tự sáng tạo ra các động tác tập trên nguyên tắc không tăng trọng lượng lên khớp gối. Ví dụ: nằm duỗi thẳng 2 chân và co duỗi bàn chân; nằm ngửa, nâng 2 chân đạp như đạp xe đạp…

TẬP CHO BỆNH NHÂN THOÁI HÓA KHỚP GỐI CÓ LỆCH TRỤC KHỚP

Thoái hoá khớp gối có thể làm biến dạng lệch trục khớp. Làm cho chân khi khép có hình chữ O hoặc chữ X, như hình vẽ.
Tập cho trường hợp này phải làm mạnh các cơ bên đối diện, để có thể cải thiện tình trạng lệch trục này. 

- Tập cho các cơ phía trong (áp dụng cho vòng kiềng hình chữ O): Dùng một cái gối hoặc một quả bóng kẹp giữa hai khớp gối, dùng lực của hai chân ép chặt vào. 


- Tập cho nhóm cơ phía ngoài (áp dụng cho vòng kiềng hình chữ X): Dùng một dây thun cột giữa hai gối hoặc hai cổ chân. Tập bằng cách cố dùng lực mặt ngoài hai chân làm căng dây thun ra.



Chú ý:

-         Tập vừa với sức mình: Nếu sau một buổi tập thấy đau tăng lên hoặc xuất hiện sưng khớp gối thì ngày hôm sau phải giảm thời gian tập xuống.

-         Nên tập chia làm 2 đến 3 lần trong một ngày, không nên tập dồn vào một lúc. Như thế sẽ tập được nhiều hơn và phù hợp với khả năng của người lớn tuổi, có các bệnh khác phối hợp.


Bs.CKII. Nguyễn Xuân Thắng

Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi  chức năng


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080