Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/09/2017 13:27

Bệnh nhân suy thận: Nắm rõ chế độ dinh dưỡng quyết định yếu tố sống còn

Sáng ngày 13/9, khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân thận lần thứ 4 năm 2017 với chủ đề “Bệnh thận mạn và Ghép thận”.
Buổi sinh hoạt thu hút hơn 100 thành viên là thân nhân, bệnh nhân đang điều trị bệnh thận tại bệnh viện.

Phát biểu khai mạc tại buổi sinh hoạt chuyên đề CLB bệnh nhân thận, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ: Theo quy chế của Bộ Y tế, mỗi bác sĩ chỉ phụ trách 10-12 bệnh nhân, cùng lắm là 15 bệnh nhân. Tuy nhiên, tại khoa Nội thận - Miễn dịch ghép phải thường xuyên phụ trách sấp xỉ 100 bệnh nhân. Một năm, tổng số ca chạy thận và điều trị các bệnh về thận tại khoa là lên tới khoảng 1300 ca, mà số bác sĩ tại khoa chỉ có 13 bác sĩ. Chính vì thế, bản thân chúng tôi thấu hiểu sự thiệt thòi: thay vì hỏi được nhiều và chúng tôi có nghĩa vụ trả lời, nhưng thời gian có hạn, nếu chỉ giải đáp thắc mắc thì bác sĩ không có thời gian để khám cho những bệnh nhân tiếp theo.

BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - Bệnh viện Nhân dân 115 phát biểu khai mạc tại buổi sinh hoạt chuyên đề

“Chính từ nỗi trăn trở đó, chúng tôi đã tổ chức những buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân thận như thế này. Hy vọng trong những buổi sinh hoạt như thế này, chúng tôi có thể truyền tải cho quý vị tất cả những gì liên quan đến bệnh thận. Chúng tôi cũng rất vui được giải đáp tất cả những thắc mắc của quý vị mà nhiều khi bà con mình không biết nhờ ai để giải đáp”
- BS.CK2 Tạ Phương Dung bộc bạch.

Hội trường diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Bệnh nhân thận - Bệnh viện Nhân dân 115

Vấn nạn toàn cầu: 10% dân số thế giới bị bệnh thận

Theo thống kê được BS.CK2 Tạ Phương Dung đưa ra, tính trên toàn thế giới, cứ 10 người thì sẽ có 1 người bị bệnh thận. Nếu như năm 1990, tỉ lệ tử vong do bệnh thận đứng ở vị trí thứ 27 thì đến năm 2010 thì tỉ lệ này có sự thay đổi, leo lên vị trí thứ 18. Đặc biệt, con số này đang tiến triển theo chiều hướng xấu. Điều quan trọng, có tới 80-90% bệnh nhân bị bệnh thận mà không biết, khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn nặng.

Bị bệnh thận có 5 giai đoạn: giai đoạn nhẹ, vừa và nặng. Tất cả bệnh nhân đều có quyền yêu cầu bác sĩ cho mình biết đang ở giai đoạn nào. Bởi vì ở những giai đoạn trước 3 thì bệnh nhân có thể ung dung và điều trị "nhẹ nhàng" được nhưng một khi ở giai đoạn 4, 5 rồi thì bệnh nhân phải đối mặt với các phương pháp chạy thận, lọc máu, ghép thận... nếu không sẽ khó sống tiếp được.


Một con số cụ thể khác: Năm 2010, Mỹ có 200 triệu người nhưng chỉ có khoảng 26 triệu người đang sống với bệnh thận mạn. Nhưng cảnh báo có 73 triệu người (1 trên 3 người lớn) có nguy cơ mắc bệnh thận do tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận. Vì thế, đừng chủ quan với bệnh thận.

“Nếu buộc phải lựa chọn bị bệnh suy thận với bệnh ung thư, không được từ chối, bạn chọn sống chung với bệnh nào” - đó là câu hỏi mà BS Tạ Phương Dung muốn bệnh nhân phải lựa chọn. Tất nhiên, có tới 98% số người than dự “tình nguyện” bị bệnh ung thư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỉ lệ tử vong sau 5 năm của bệnh nhân thận chỉ cao hơn bệnh nhân ung thư phổi - tử cung - đại tràng, những bệnh nhân ung thư khác có tỉ lệ tử vong thấp hơn bệnh nhân thận rất nhiều. Điều này khiến tất cả chúng ta nên nhìn lại về mức độ nguy hiểm của căn bệnh suy thận này. 


Lọc máu ngoài thận là một trong 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân suy thận.Phương pháp còn lại là ghép thận. Đây là kĩ thuật nhằm lọc tạp chất khỏi máu khi thận đã không còn lọc được như trước nữa, là một giải pháp tạm thời cho bệnh nhân đang chờ ghép thận. Lọc máu đã cứu sống được rất nhiều người. Tỉ lệ tử vong bệnh nhân thận đã giảm 42% từ năm 1995 - 2012 (theo các báo cáo từ hệ thống dữ liệu thận quốc gia của Hoa Kỳ). Tuy nhiên, đây không phải là một bài toán tuyệt hảo mà chỉ giải quyết được phần nào vấn đề. Có khoảng 40% bệnh nhân trên 75 tuổi với suy thận mạn giai đoạn cuối, hoặc suy thận tiến triển, tử vong trong vòng 1 năm, và chỉ có 19% sống sót sau 4 năm.

Lọc máu sớm tốt hơn hay lọc máu muộn tốt hơn?

Ở các nghiên cứu quốc tế, người ta chọn những người có độ lọc cầu thận là 10-15 ml/phút, một số người có độ lọc thấp hơn tương đương với độ 4 và 5. Người ta chia thành 2 nhóm tương đương nhau: giới tính, tuổi tác, có hoặc không các bệnh mãn tính như đái tháo đường, huyết áp...

Qua kết quả nghiên cứu người ta thấy tỉ lệ sống còn ở giai đoạn 4 và 5 là như nhau. Tỉ lệ các biến cố về tim mạch, nhiễm trùng, biến chứng lọc máu… không khác biệt đáng kể ở 2 nhóm lọc máu sớm và muộn.

Lọc máu sớm không mang lại lợi ích về sống còn. Khởi đầu lọc máu sớm liên quan đến gia tăng nguy cơ tử vong. nghiên cứu đề nghị đưa ra guideline chính thức nhằm cắt giảm gánh nặng chi phí do lọc máu sớm.

Lọc máu sớm không cải thiện tỉ lệ sống, chất lượng sống và tỉ lệ nhập viện so với lọc máu muộn và trì hoãn lọc máu.
Bắt đầu điều trị thay thế thận khi:

- GFR > 6 ml/phút khi có các chỉ định lâm sàng khẩn cấp
- GFR < 6 ml/phút không cần có triệu chứng

Người suy thận nên ăn gì và không nên ăn gì?


Ở bất cứ giai đoạn nào, bệnh nhân suy thận cũng cần tuân theo một chế độ dinh dưỡng khắt khe vì nó quyết định trực tiếp đến sự diễn tiến của bệnh cũng như các ảnh hưởng thứ phát do suy thận gây ra. Đây cũng là nội dung chính được trình bày và thu hút sự quan tâm của cả hội trường.

Theo BS.CK2 Tạ Phương Dung, chế độ dinh dưỡng trong 1 ngày (lấy cụ thể 1 ngày thứ 5) của bệnh nhân thận có thể được thể hiện cụ thể qua các bữa như sau:




Chúng ta có thể ăn cá, thịt heo, lòng trắng trứng nhưng tuyệt đối không nên ăn nội tạng động vật, da + ruột cá, lòng đỏ trứng. Nấm, khoai tây, bánh mì... ăn rất tốt nhưng tuyệt đối không nên xào, chiên hay nướng vì dễ làm tăng kali. Nước màu (chưng đường) dùng trong kho thịt, cá cũng là "thủ phạm" gây tăng kali máu.

Những thực phẩm chứa nhiều kali có thể khiến bệnh nhân suy thận ngưng tim, suy hô hấp dẫn đến tình trạng tử vong. Chúng ta nên tránh những loại trái cây nhiều kali như xoài, chuối, cam, bí đỏ, bắp nướng, bưởi...

Ăn nhạt, lượng muối (Natri) khoảng 2 - 4 g/ngày. Nên bỏ hẳn muối và mì chính vì có chứa nhiều Natri gây phù và tăng huyết áp.

Thức ăn chứa nhiều phốt phát (Phosphat) cũng không được dùng cho bệnh nhân bị bệnh thận. Vậy phốt phát có nhiều trong đâu: Cá da trơn (cá trích, cá thu, cá hồi); Thức ăn từ sữa (bánh sữa, các loại nước sốt, sữa chua, các loại nước uống có sữa); Phô mai cứng; Tạng - gan, thận...

Tóm lại, các thực phẩm được phép ăn: dưa leo, bầu, bí, su hào, cà rốt, khoai tây, cải bắp, rau diếp, quả lê, nghệ, cà chua, cam, dâu, dưa hấu, táo, mơ, đào, xoài, đu đủ, dứa, các loại chất béo (như dầu thực vật, mỡ, bơ), đường, mật ong, mật mía. Nên sử dụng các chất bột chứa ít đạm như khoai lang, khoai sọ, khoai tây, miến dong, bột sắn dây.

Về vấn đề nước uống: Lượng nước uống hàng ngày nên sử dụng = 300 đến 500ml (tùy theo mùa) + lượng nước tiểu hàng ngày + lượng dịch mất bất thường, hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...).

Cũng trong chương trình, nhằm tạo sự tương tác và tạo cơ hội để chính bệnh nhân, người nhà có dịp được tháo gỡ những thắc mắc trong quá trình chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn.


Nhiều bệnh nhân trực tiếp đặt câu hỏi, nhờ vị nữ trưởng khoa giải đáp thắc mắc


Hay cả vội tranh thủ phút bên lề buổi sinh hoạt

Mời đọc chi tiết tại: BS.CK2 Tạ Phương Dung lý giải thắc mắc về bệnh suy thận

7 Nguyên tắc VÀNG bảo vệ thận

- Uống đủ nước, khoảng 2 lít/ngày

- Tập thể dục đúng mức và thường xuyên

- Kiểm soát tốt đường huyết trên BN đái tháo đường

- Kiểm soát tốt huyết áp trên BN tăng huyết áp

- Tránh dư cân hoặc béo phì

- Bỏ hút thuốc lá

- Không tự ý dùng thuốc ngoài chỉ định của thầy thuốc

- Kiểm tra chức năng thận nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh thận (đái tháo đường, tăng huyết áp, gia đình có người bệnh thận)


Mời xem thêm một số hình ảnh về buổi sinh hoạt:














Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080