Logo Bệnh viện Nhân dân 115
16/07/2021 08:13

Bạo lực mạng có phải là một bệnh lý?

Bất chấp những tiện ích vượt trội của mạng xã hội, hàng triệu người dùng trên thế giới vẫn đang quyết liệt phản đối cyber bullying (tạm dịch: bạo lực mạng).

Bạo lực mạng: được định nghĩa là khi ai đó gửi cho bạn những tin nhắn gây tổn thương hoặc quấy rối bạn thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Whatsapp, ... Điều khiến cyber bullying trở nên khác biệt với bắt nạt trực diện là đôi khi bạn sẽ không biết ai đang gửi tin nhắn ‘khủng bố’ bởi người dùng có thể tự ẩn danh trên mạng. Vấn đề là bạo lực mạng để lại những hậu quả không kém so với bắt nạt trực diện.

Mức độ quá phổ biến của bạo lực mạng khiến người ta nghi ngờ hành vi này là một bệnh lý. Hành vi bắt nạt xuất phát từ nhiều lý do. Đôi khi, lý do chỉ là kẻ bắt nạt cần một nạn nhân, một ai đó có vẻ yếu đuối về mặt cảm xúc hoặc thể chất. Hành vi bắt nạt khiến bản thân kẻ bắt nạt cảm thấy mình quan trọng hơn, được biết đến nhiều hơn. Đa số kẻ bắt nạt trông có vẻ lớn hơn hoặc mạnh hơn nạn nhân, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi kẻ bắt nạt hành hạ người khác bởi vì đó chính là cách họ đã được đối xử. Nói cách khác, những kẻ bắt nạt có thể nghĩ rằng hành vi của họ là bình thường bởi vì xuất phát điểm của họ là môi trường tràn ngập sự tức giận, đánh đập, chửi rủa,… Khoa học cũng chỉ ra những lý do cụ thể khiến nhiều người trở thành nạn nhân hoặc kẻ bắt nạt trên mạng xã hội.

* Hành vi ‘trả đũa’

Một số người rơi vào bẫy bắt nạt trên mạng chỉ vì họ đang cố gắng bảo vệ bản thân hoặc bạn bè khi nhận thấy bản thân hoặc bạn bè đang bị người khác chỉ trích, hay còn gọi là đang bị ‘gọi tên’. Những kẻ bắt nạt thường cảm thấy bị tấn công trở lại nếu họ bị chỉ trích vì nói điều gì đó có hại cho người khác. Điều này thậm chí có thể khiến họ ‘trả đũa’ bằng cách nói ra những điều khó chịu hơn và cho rằng đó chỉ là sự bào chữa.

* Thể hiện quyền lực

Những kẻ bắt nạt muốn cho mọi người thấy rằng họ có quyền lực và có thể ‘xử lý’ bất cứ ai họ muốn. Nhiều khi điều này có thể là do những kẻ bắt nạt từng bị lạm dụng bởi một người nào đó và cảm thấy đây là cách để nâng cao cái tôi, lấy lại sự tự tin của họ hoặc để thể hiện bản thân.

* Mua vui

Đối với một số người đam mê không gian mạng, việc làm tổn thương người khác có vẻ... buồn cười, và họ coi đó là một trò giải trí. Càng có nhiều người cổ vũ hoặc giải trí cùng, họ càng muốn tiếp tục những hành vi xấu xí trên mạng.

* Thiếu hiểu biết

Thật khó tin, nhưng đôi khi kẻ bắt nạt tấn công người khác trên mạng là vì họ không biết điều đó là sai hoặc họ không hiểu mức độ đau đớn mình đang gây ra cho người khác. Đối với họ, bắt nạt trên mạng không phải là bắt nạt ‘thực sự’, vì vậy họ không nhận thức được tác hại của nó, cũng như không nhận thức được cảm xúc của người khác.

* Nhân cách khác trên mạng

Có một khía cạnh tính cách chỉ bộc lộ khi bạn ở trên không gian ảo, nó hoàn toàn khác với con người thật của bạn, khiến bạn dễ dàng nói những điều bạn biết là sai. Điều này thường xảy ra khi bạn không hài lòng hoặc bất mãn với con người thật của mình.



Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.



Kết quả của những nghiên cứu

Tại Hàn Quốc, giới chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu với mục đích điều tra tâm lý của nạn nhân và kẻ bắt nạt trong không gian mạng, đồng thời xem xét mối liên quan của bạo lực học đường, tội phạm mạng và bệnh lý ở thanh thiếu niên. Những người tham gia là 518 học sinh trung học cơ sở ở Hàn Quốc và dữ liệu K-YSR (Báo cáo về bản thân thanh niên Hàn Quốc) đã được phân tích bởi ANOVA. Kết quả, những học sinh vừa là ‘nạn nhân và kẻ bắt nạt’ cho thấy điểm số cao hơn đáng kể về trầm cảm/ lo lắng, các vấn đề về sự chú ý, phạm pháp, hung hăng và tự làm hại bản thân.

Các nghiên cứu cho thấy sức khỏe tâm thần không chỉ liên quan đến nạn nhân mà còn với những kẻ bắt nạt. Nghiên cứu mang tên Juvonen (2013) cũng tìm ra kết quả tương tự cho thấy 'nạn nhân và kẻ bắt nạt' có vấn đề về hạnh kiểm nghiêm trọng nhất, điểm số trầm cảm và cô đơn của họ cũng cao hơn. Trong nghiên cứu dọc, nạn nhân và nhóm bắt nạt có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn về rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm và rối loạn tâm thần. Giới chuyên gia nhấn mạnh, việc đánh giá và can thiệp y tế đối với nhóm học sinh này là quan trọng và cần được xem xét như một phần của chính sách về hành vi phạm pháp của trường học.

Những cách đơn giản nhằm hạn chế bạo lực mạng

Điều tuyệt vời là rất nhiều nền tảng truyền thông xã hội có cài đặt bảo mật bổ sung để tránh bạo lực mạng xảy ra với bạn. Dưới đây là 5 bước để chặn ai đó trên Facebook:

1. Nhấp vào vị trí trên cùng bên phải của bất kỳ trang Facebook nào.

2. Chọn tính năng ‘Quyền riêng tư’.

3. Chọn tính năng ‘Làm cách nào để ngăn ai đó làm phiền tôi?’

4. Nhập tên của người bạn muốn chặn và nhấp ‘Chặn’.

5. Chọn người cụ thể mà bạn muốn chặn từ danh sách xuất hiện và nhấp lại vào ‘Chặn’.

Trên hồ sơ công khai của mình, bạn cũng có thể thay đổi cài đặt bảo mật để đảm bảo thông tin cá nhân của bạn ẩn với những người bạn không biết, để họ không thể theo dõi bạn hoặc liên hệ với bạn trừ khi bạn là người chủ động.



Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080