Logo Bệnh viện Nhân dân 115
14/11/2019 10:30

Bạn có biết: Chế độ ăn hợp lý cho bệnh thận mạn tính

Đối với bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, một chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò rất quan trọng để duy trì tình trạng dinh dưỡng tốt, làm chậm tiến triển đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối, hạn chế các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.

BS CKII Lê Thị Hồng Vũ – Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép

Bệnh thận mạn hiện nay chiếm khoảng 10% dân số trên thế giới, tức là cứ 10 người sẽ có 01 người bệnh thận mạn ở các giai đoạn khác nhau. Ước tính con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Mỗi năm có hàng triệu người chết vì các biến chứng của bệnh.

Tại Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu thống kê chính thức, tuy nhiên có khoảng 5 triệu người bị suy thận, trong đó số bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận khoảng 800.000 người, chiếm khoảng 0,1% dân số. Nguyên nhân gây bệnh thận mạn chủ yếu do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường.

Hậu quả của bệnh là mất chức năng thận vĩnh viễn và cần phải áp dụng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận để duy trì sự sống. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn tính là rất quan trọng để giảm bớt gánh nặng bệnh tật, giảm biến chứng và tử vong.

Ở giai đoạn điều trị bảo tồn chức năng thận chưa lọc máu, ngoài việc uống thuốc để kiểm soát huyết áp, đường máu…, việc ăn uống hợp lý đóng vai trò rất quan trọng để duy trì tình trạng dinh dưỡng tốt, làm chậm tiến triển đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối, cải thiện hội chứng urê huyết cao, hạn chế các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.

Hội Thận học Hoa Kỳ đã khuyến cáo chế độ ăn giảm đạm cho các bệnh nhân bệnh thận mạn để kéo dài giai đoạn bảo tồn chức năng thận nhằm trì hoãn lọc máu. Khuyến cáo bao gồm hai chế độ ăn: chế độ ăn đạm thấp và chế độ ăn đạm rất thấp có bổ sung keto acid, cho bệnh thận mạn giai đoạn 3, 4, 5 chưa lọc máu.

Các thực phẩm khuyến cáo cho bệnh thận mạn đối với một người cân nặng 50 kg trong một ngày như sau:

1. Nhóm ăn đạm thấp (cho bệnh thận mạn giai đoạn 3, 4):

- Thịt, cá: 100 – 150g/ ngày. Trứng gà, vịt: 2 – 3 quả/ tuần.

- Dầu, mỡ, bơ: 2/3 nên là từ thực vật, số lượng từ 20 – 30g/ ngày.

- Gạo tẻ: 50 - 100g/ ngày. Khoai sọ, khoai lang: 200 – 300g/ ngày.

- Miến dong: 100 – 120g/ngày. Bột sắn, bột đao: 20g/ ngày.

- Đường kính: 30 – 50g/ ngày.

- Sữa tươi: 100 – 200ml/ ngày.

- Rau quả: 200 – 300g/ ngày.

2. Nhóm ăn đạm rất thấp có bổ sung Keto acid 1v/ 5kg cân nặng (dành cho bệnh thận mạn giai đoạn 4, 5):

- Thịt, cá: 50 – 75g/ ngày. Trứng gà, vịt: 1 - 2 quả / tuần.

- Dầu, mỡ, bơ: 2/3 nên là từ thực vật, số lượng từ 20 – 30g/ ngày.

- Gạo tẻ: 50 - 100g/ngày. Khoai sọ, khoai lang: 200 - 300g/ngày.

- Miến dong: 100 – 120g/ngày. Bột sắn, bột đao: 20g/ngày.

- Đường kính: 30 – 50g/ngày.

- Sữa tươi: 100 – 200ml/ngày.

- Rau: 200 – 300g/ngày, quả chín: 200 – 300g/ngày.

Nguyên tắc chuẩn bị bữa ăn:

- Bước 1: Chọn và nấu thức ăn ít muối nhằm giúp kiểm soát huyết áp.

Chế độ ăn nên dưới 2.300 mg muối/ ngày, tương đương 1/2 muỗng cà phê muối. Dùng các loại gia vị, bột nêm chứa ít muối. Chọn các thực phẩm tươi, không đóng hộp. Không nên dùng các thực phẩm chế biến sẵn vì chứa rất nhiều muối.

- Bước 2: Ăn đúng số lượng và đúng loại protein cần thiết để bảo vệ thận.

Bao gồm thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, chọn phần nạc và bỏ da. Không ăn gan, lòng, ruột non, bao tử, óc động vật. Trứng gà, trứng vịt nên bỏ lòng đỏ. Số lượng như đã nêu ở trên.

- Bước 3: Chọn các thực phẩm có lợi cho tim mạch để ngăn ngừa thành lập mảng xơ vữa gây huyết khối hoặc thuyên tắc như các thực phẩm giàu vitamin, omega 3, giàu chất xơ có nhiều trong đậu, ngũ cốc, thịt nạc, cá hồi, bầu bí, rau quả tươi…Hạn chế ăn mỡ động vật.

- Bước 4: Hạn chế các thức ăn có hàm lượng Kali cao như: cam, chuối, nho, bưởi, các loại hạt khô, chocolate, cà phê sữa. Rau xanh phải luộc qua 2-3 lần nước, xắt nhuyễn. Nên tránh các thực phẩm giàu phospho, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa, phô mai, cua, lòng đỏ trứng, gan động vật, trái cây khô, các loại sò, thịt bò khô, nước giải khát như bia, coca. Bánh mì hoặc ngũ cốc nguyên cám cũng giàu phospho, cho nên cũng hạn chế dùng.

 

Những điều nên thực hiện:

- Theo dõi cân nặng thường xuyên mỗi ngày một lần để điều chỉnh kịp thời.

- Nên đo huyết áp và đo lượng nước tiểu mỗi ngày.

- Theo dõi đường huyết chặt chẽ nếu bạn đã được chẩn đoán đái tháo đường.

- Nên thực hiện tốt các chế độ dùng thuốc, chế độ ăn uống và chế độ luyện tập.

Những điều cần tránh:

- Thuốc lá: cần ngưng hút thuốc lá.

- Thói quen ăn mặn: Hạn chế ăn mặn, không dùng thêm nước chấm mặn trong bữa ăn.

- Các thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối, bột nêm như: giò chả, xúc xích, thịt hộp, chà bông, dưa muối chua, mì gói…

- Các chất béo bão hòa và cholesterol xấu như: bánh ngọt, mỡ động vật...

- Các chất có cafein gây kích thích thần kinh như: trà đặc, cà phê.

- Tăng cân quá 3 kg giữa các lần chạy thận nhân tạo.

Thực đơn gợi ý cho một ngày:

Chế độ ăn giảm đạm thông thường cho bệnh thận mạn giai đoạn 3,4


Chế độ ăn đạm rất thấp cho bệnh thận mạn giai đoạn 4,5 có bổ sung keto acid 1 viên mỗi 5 kg cân nặng


Tài liệu tham khảo:

1.      Trần Thị Bích Hương (2014), “Chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn từ KDOQI 2002 đến KDIGO Guidelines 2012”, Tạp chí Y học,18(4), tr 11-21

2.      Bộ Y Tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về Thận -Tiết niệu. Ban hành kèm theo Quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 21/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3.      National Kidney Foundation (2002),K/DOQI clinical practice guidelines for chronic kidney disease: evaluation, classification, and stratification”. Am J Kidney Dis,39(1): p. S1-266.


BS CKII Lê Thị Hồng Vũ

– Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115



TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080