Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/12/2019 14:03

10 trường hợp nguy kịch được cứu sống ấn tượng nhất trong năm 2019

Năm 2019, các bệnh viện thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả của quy trình báo động đỏ liên viện, kết hợp với ứng dụng kỹ thuật điều trị chuyên sâu đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch đã được các y, bác sĩ của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố cứu sống trong năm. Dưới đây là 10 trường hợp nguy kịch được cứu sống được chọn là ấn tượng nhất trong năm 2019, ấn tượng vì phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện phối hợp cấp cứu người bệnh, ấn tượng vì ứng dụng những kỹ thuật cao trong cấp cứu người bệnh, ấn tượng vì trước đây không thể thực hiện ở một bệnh viện tuyến huyện, ấn tượng vì lòng yêu nghề, hết mình vì người bệnh, giành lấy sự sống của người bệnh trong gang tấc của các y, bác sĩ.

1. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình huy động các chuyên gia vào bệnh viện trong đêm, thực hiện vi phẫu thuật khẩn cấp suốt đêm cứu lấy bàn tay bị đứt lìa ở cháu bé chưa đầy 1 tuổi ngụ tại tỉnh Đồng Tháp

2. Bệnh viện tỉnh Bình Thuận báo động đỏ liên viện từ xa đến bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Nhi Đồng 1 phối hợp bệnh viện Chợ Rẫy giành lấy sự sống cho bé gái ngụ tại tỉnh Bình Thuận bị viêm cơ tim tối cấp vừa bị ngưng tim ngay khi xe cứu thương dừng bánh tại bệnh viện chuyển đến

3. Cứu sống người bệnh bị xuất huyết não nặng bằng robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115

Khối máu tụ lớn chèn ép não được robot Modus V Synaptive hỗ trợ lấy sạch, người bệnh phục hồi tốt sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115


Ngày 16/06/2019, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một người bệnh nữ, 62 tuổi với chẩn đoán xuất huyết não ngày 2, tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nữa người trái.

Lúc nhập viện người bệnh hôn mê, Glasgow 10 điểm (E=2, V=3, M=5), liệt ½ người trái, được tiến hành chụp CT sọ não ghi nhận xuất huyết não cấp tính tạo khối máu tụ bán cầu phải, chèn ép các cấu trục kế cận, tổn thương vỡ vào não thất bên bên phải làm tụ máu não thất bên bên phải, kèm thương tổn não cũ vùng nhân đậu trái.

Bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh quyết định phẫu thuật lấy máu tụ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot Modus V Synaptive, sử dụng ống “brain path” để lấy khối máu tụ.

Người bệnh được gây mê toàn thân, đặt tư thế đầu nghiêng trái nhẹ, rạch da thái dương – đính sau phải, đường thẳng 4cm, bộc lộ sọ, khoan mở sọ tối thiểu một lỗ 3cm đường kính vào cực dưới khối máu tụ. Qua hệ thống robot, mở màng cứng, đốt nhẹ vỏ não. Dùng drain path chọc dò theo hướng dẫn định vị đi vào cực dưới khối máu tụ. Máu tụ tự trào ra theo áp lực trong sọ và theo hướng trọng lực cao thấp, hạn chế hút máu tụ. Đánh giá lượng máu cục còn sót lại không đáng kể, cầm máu bằng keo Floseal. 

Hậu phẫu ngày 01: người bệnh còn thở qua nội khí quản, kết quả chụp CT sọ não sau mổ ngày 17/06/2019 ghi nhận khối máu tụ đã được lấy hết, cấu trúc đường giữa đã trả lại vị trí bình thường, khí trong sọ. 

Hậu phẫu ngày 2: người bệnh được rút ống nội khí quản, chuyển khoa Ngoại Thần kinh theo dõi. 

Hậu phẫu ngày 3,4: tri giác người bệnh cải thiện đáng kể, Glasgow 13 điểm (E=4, V= 4, M=5), còn yếu 1/2 người trái. Thở êm, vết mổ khô sạch, không sốt.

Hậu phẫu ngày 5: Người bệnh ổn định, được chuyển bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị tiếp.

Thông thường, theo phương pháp phẫu thuật cổ điển giải ép kèm lấy khối máu tụ, người bệnh phải trải qua ca phẫu thuật lớn thời gian mổ kéo dài, đường mổ lớn, mở nắp sọ rộng, xẻ vỏ não vuông góc với hướng đi của các bó dẫn truyền thần kinh, khi lấy máu tụ sẽ lẫn mô não lành, di chứng thần kinh không hồi phục, có thể gây ra các tổn thương mô não sau mổ, hậu phẫu nặng nề, nhiều tai biến, biến chứng sau mổ làm ảnh hưởng kết quả phẫu thuật.

Phẫu thuật xuất huyết não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive mang đến sự chính xác, hiệu quả hơn hẳn, kiểm soát tốt ổ máu tụ, giúp giảm thiểu rất nhiều các tổn thương não khi so sánh với phương pháp phẫu thuật cổ điển. Thời gian phẫu thuật rút ngắn đáng kể, giảm thiểu các biến chứng do gây mê. Giảm thời gian hồi sức sau mổ giúp hạn chế các biến chứng nặng như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét chèn ép, viêm tắc mạch chi, giảm chi phí điều trị.

Đây là xu thế hiện nay của các trung tâm phẫu thuật thần kinh hiện đại. Với hệ thống robot chuyên dụng này, BV Nhân dân 115 đang hình thành một trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh đầu tiên trên cả nước.

4. Cứu sống và điều trị triệt để cho một bệnh nhi bị rối loạn nhịp bẩm sinh bằng kỹ thuật can thiệp điện sinh lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

5. Bệnh viện quận Thủ Đức ứng dụng kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyên sâu cứu sống người dân cư trú trên địa bàn bị ngưng tim do nhồi máu cơ tim cấp.

6. Quy trình báo động đỏ phát huy hiệu quả cứu sống người bệnh bị đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông, sơ cứu tại bệnh viện quận 2 đồng thời kích hoạt báo động đỏ liên viện đến bệnh viện Nhân dân Gia Định để chuẩn bị sẵn sàng các can thiệp chuyên sâu khi người bệnh được chuyển đến.

7. Nỗ lực hết mình, phối hợp nhịp nhàng giữa các ê-kíp chuyên khoa của bệnh viện Nhi Đồng Thành phố giành lấy sự sống cho cháu bé bị đa chấn thương do xe container cán ngang người.

8. Phát hiện và can thịp kịp thời sa dây rốn ngăn chặn kịp thời biến chứng sinh ngạt cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện huyện Củ Chi – một bệnh viện vốn trước đây rất khó khăn về nhân lực bác sĩ và không có bác sĩ chuyên khoa Sản.

9. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cấp cứu từ xa qua Viber và kịp thời can thiệp mạch vành cứu sống người bệnh ở huyện Cần Giờ bị nhồi máu cơ tim cấp.

10. Bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ chuyên môn kịp thời cứu sống sản phụ đột ngột hôn mê sâu sau mổ bắt con tại một bệnh viện huyện Bình Chánh.



Trích từ bài viết10 trường hợp nguy kịch được cứu sống ấn tượng nhất

trong năm 2019” đăng ngày 10/12/2019 trên website Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh



TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080