Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/09/2017 17:55

“Không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”

Đó là khẩu hiệu của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện chiến lược phòng chống kháng thuốc ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu.
Tại TPHCM, với gần 10 triệu dân và số lượng rất lớn các cơ sở y tế đang tham gia hoạt động khám chữa bệnh tại TPHCM thật sự đây là một thách thức khi triển khai chương trình hành động phòng chống kháng thuốc đối với ngành y tế TPHCM.  Với 101 bệnh viện (55 BV công lập, 46 BV tư nhân), 190 phòng khám đa khoa, 319 trạm y tế, 4.777 phòng khám chuyên khoa và 6.581 nhà thuốc tư nhân, bên cạnh các bệnh viện và phòng khám thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng kháng sinh thì vẫn còn các cơ sở chưa đảm bảo đúng quy định về kê đơn kháng sinh hợp lý, bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc.

Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của chương trình hành động phòng chống kháng thuốc, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai các hoạt động đòi hỏi một quyết tâm của toàn ngành, xác định những việc cần làm ngay, xác định những việc cần hỗ trợ và chia sẻ cho các CSYT còn thiếu nguồn lực, xác định những việc cần huy động nguồn lực trong toàn ngành cùng thực hiện.

Trong thời gian qua, nhiều mô hình được triển khai hiệu quả tại các bệnh viện được Sở Y tế ghi nhận và giới thiệu nhân rộng như:

(1) Mô hình hoạt động của Ban quản lý kháng sinh của BV Nhân Dân Gia Định, với chương quản lý sử dụng kháng sinh của bệnh viện bên cạnh đạt hiệu quả điều trị, bệnh viện đã rút ngắn ngày sử dụng kháng sinh trung bình từ 10,3 xuống còn 8,9 ngày, giảm chi phí bình quân sử dụng kháng sinh của một bệnh nhân từ 1,746 xuống còn 1,087 triệu đồng.

(2) Mô hình giám sát thời gian thực kê đơn hợp lý của BV Nhi Đồng 1, với hệ thống mạng CNTT bệnh viện giám sát chặt chẽ tất cả đơn thuốc và kịp thời phản hồi nóng với những đơn thuốc không hợp lý, nhất là kháng sinh.

(3) Mô hình ứng dụng CNTT “cưỡng bức” chỉ định kháng sinh theo phác đồ điều trị của BV Quận Thủ Đức, qua đó các bác sĩ chỉ có thể chỉ định kháng sinh khi có chẩn đoán phù hợp.

Ngoài ra, Sở Y tế đã hoàn thiện kho dữ liệu phác đồ điều trị với 3.399 phác đồ của mọi chuyên khoa, đây là cơ sở khoa học không thể thiếu trong chỉ định sử dụng kháng sinh hợp lý, nhờ kho dữ liệu phác đồ này mà tất cả bệnh viện đều đã có phác đồ điều trị thống nhất. Đặc biệt, hiện nay tất cả các trạm y tế đều đã có phác đồ điều trị phù hợp với mô hình bệnh tật của trạm y tế, các phòng khám đa khoa cũng đang tiếp cận phác đồ điều trị.

Nhằm nhân rộng những cách làm hiệu quả và thống nhất cách triển khai thực hiện, Sở Y tế TPHCM cũng đã ban hành khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý tại các bệnh viện, căn cứ trên khuyến cáo này Sở Y tế đã tổ chức tập huấn, giám sát chuyên đề nhằm hướng dẫn, kịp thời phát hiện những cách làm hay để nhân rộng và chấn chỉnh những cách làm chưa đúng theo quy định. Đồng thời, Sở Y tế đã xác định cần tập trung nguồn lực để triển khai những việc làm tiếp theo trong thời gian tới, nhất là: tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà thuốc tư nhân bán thuốc theo đơn; đẩy mạnh hoạt động Dược lâm sàng tại tất cả bệnh viện; thí điểm mô hình “Vi sinh lâm sàng” tại các bệnh viện tuyến cuối và tăng cường truyền thông về sử dụng kháng sinh hợp lý trong nhân viên y tế và cộng đồng.

Theo Sở Y tế TPHCM

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080