Logo Bệnh viện Nhân dân 115
17/06/2018 00:39

Tìm hiểu chỉ số HAQ

Chỉ số HAQ là chữ viết tắt của Healthcare Access and Quality Index, là chỉ số đánh giá sự tiếp cận và chất lượng chăm sóc y tế của một quốc gia.
Chỉ số HAQ phản ánh mức độ phát triển của một hệ thống y tế nhằm làm giảm tử vong không đáng có của những bệnh lý thường gặp, tương xứng với mức độ phát triển của hệ thống y tế của một quốc gia theo từng khoảng thời gian, thường là 5 năm. Công trình nghiên cứu về chỉ số HAQ trên thế giới đã công bố chỉ số HAQ của 195 quốc gia trên toàn cầu tại thời điểm năm 2015. Đây là công trình nghiên cứu lớn quy tụ nhiều chuyên gia và nguồn lực, theo đó, các quốc gia đạt chỉ số HAQ cao nhất là: Andorra (95 điểm), Iceland (94), Thuỵ Sĩ (92), Thuỵ Điển (90), Na-uy (90), Úc (90), Phần Lan (90), Tây Ban Nha (90), Hà Lan (90). Việt Nam đạt 66,3 điểm (tối đa: 100 điểm).

Bản đồ phân bố chỉ số HAQ trên toàn cầu năm 2015 (Lancet 2017; 390: 231–66)

Vào cuối những năm 1970, Rutstein và các đồng nghiệp đã giới thiệu khái niệm “tử vong không đáng có” và đã đề xuất một danh sách các bệnh lý mà tử vong không đáng xảy ra nếu có sự chăm sóc y tế kịp thời và hiệu quả. Từ đó, thuật ngữ “amenable mortality” (tử vong phải gánh chịu)  được sửa đổi và mở rộng, các nhà nghiên cứu đã tinh chỉnh danh sách các bệnh lý có thể cứu sống tương ứng với sự phát triển và tiến bộ trong chăm sóc y tế. Chỉ số HAQ đã ra đời xuất phát từ khái niệm này.

Dưới đây là định nghĩa về chỉ số HAQ:

- Chỉ số HAQ (Healthcare Access and Quality Index) là chỉ số tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe, là khả năng cung ứng về khả năng tiếp cận y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân tương xứng với điều kiện phát triển của một quốc gia tại thời điểm đó. Chỉ số này được tính dựa trên tỷ lệ tử vong được chuẩn hóa theo rủi ro từ các nguyên nhân khác nhau, nếu được hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng cao thì không dẫn đến tử vong.

- Giới hạn trên của chỉ số HAQ (HAQ Index Frontier): là mức tối đa của chỉ số HAQ có thể có được, tương xứng với mức phát triển của một nước, cho phép người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khoẻ tốt nhất.

- Khoảng trống của chỉ số HAQ (Difference between observed and frontier HAQ Index values): là khoảng cách giữa HAQ đạt được và giới hạn trên của HAQ, có ý nghĩa phản ánh mức độ phát triển của một hệ thống y tế của một quốc gia về chăm sóc sức khoẻ tương xứng với mức phát triển của quốc gia đó.

Như vậy, đánh giá một hệ thống y tế về mức tiếp cận của người dân và chất lượng chăm sóc cần phải xem xét chỉ số HAQ và khoảng trống của chỉ số HAQ.

Vào năm 2015, nhóm nghiên cứu quốc tế đã công bố về chỉ số HAQ của 195 quốc gia, mới đây kết quả này đã được đăng trên tạp chí Lancet (Lancet 2017; 390: 231–66). Theo đó, chỉ số HAQ của Việt Nam là 66,3, và giới hạn trên của chỉ số HAQ tương xứng mức phát triển của nước ta là 73,5, như vậy khoảng trống của chỉ số HAQ là 7,2. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam á, chỉ số HAQ của Việt Nam vào năm 2015 cao hơn mức bình quân của khu vực (66,3 so với 52,1) và có khoảng trống HAQ thấp hơn khu vực (7,2 so với 21,9). Cụ thể, chỉ số HAQ của Việt Nam tốt hơn so với Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar, Phillippines nhưng thấp hơn so với Thái Lan (70,8), Malaysia (66,6), Singapore (86,3).

Chỉ số HAQ, khoảng trống HAQ của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông á và Đông Nam Á, 1990 - 2015

Thử so sánh với các nước trong khu vực, nếu như Trung Quốc có chỉ số HAQ là 74,2 và khoảng trống của chỉ số HAQ là 1,2, thì vẫn còn nhiều nước có HAQ thấp và khoảng trống HAQ cao như: Ấn độ có HAQ là 44,8 và khoảng trống HAQ lên đến 23,6; Indonesia có HAQ là 49,2 và khoảng trống HAQ là 25,2; Nga có HAQ là 71,7 và khoảng trống là 16,4.

Chỉ số HAQ và khoảng trống HAQ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nga - 2015

So sánh chỉ số HAQ và khoảng trống HAQ của các nước trong khu vực cho thấy Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong cải thiện sự tiếp cận của người dân và chất lượng chăm sóc y tế so với các nước trong khu vực. Theo nghiên cứu này, các bệnh lý thuộc nhóm đã cải thiện tử vong rõ rệt ở nước ta là: bạch hầu, tiêu chảy, bệnh lý sản khoa, ho gà, sởi, ung thư cổ tử cung,… Tuy nhiên, vẫn còn những bệnh lý có nguy cơ tử vong còn cao như: bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, lao.

Dưới đây là danh sách các bệnh lý được đưa vào nghiên cứu để tính chỉ số HAQ theo từng quốc gia, trong đó có bao gồm cả tai biến điều trị:


Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080