Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/11/2017 18:04

Nỗ lực vì an sinh xã hội và thách thức về an ninh y tế

Đó là chủ đề tham luận của Sở Y tế TPHCM tại Hội thảo khoa học “Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người - Kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức.
Ngày 10/11/2017, Đồng chí Huỳnh Văn Chúm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cùng chủ trì hội thảo chuyên đề “Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người - Kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt các thách thức đặt ra cần giải quyết về an ninh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng - văn hóa, xã hội. An ninh xã hội (ANXH), an ninh con người (ANCN) là vấn đề hết sức cấp thiết cần được đầu tư nghiên cứu chuyên sâu.

Việc phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức hội thảo là điều kiện để thành phố nghiên cứu, tiếp cận nhiều hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh xã hội, an ninh con người qua đó lựa chọn các giải pháp đồng bộ, phù hợp vận dụng vào tình hình thực tế của thành phố, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực - theo dẫn đề của đồng chí Huỳnh Văn Chúm.

Đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia trao đổi về khái quát kinh nghiệm của quốc tế trong bảo đảm ANXH, ANCN hiện nay; mối quan hệ biện chứng giữa ANXH, ANCN với an ninh quốc gia; những nội dung để bảo đảm ANXH, ANCN trong điều kiện mới; các giải pháp khả thi góp phần bảo đảm ANXH, ANCN ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay; thực tiễn công tác bảo đảm ANXH, ANCN ở một số lĩnh vực cụ thể trên địa bàn TPHCM hiện nay.

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân II, để bảo đảm ANCN ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước cần phải thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau: xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của đời sống xã hội; xây dựng, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội; đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cho xã hội; thực hiện quá trình phân phối nguồn lực và lợi ích theo nguyên tắc đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; Nhà nước đại diện cho quốc gia, dân tộc tham gia vào các hoạt động chung của khu vực và thế giới.

Nhận xét vấn đề ANCN ở TPHCM trong những năm qua đã được Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm thực hiện, có những bước phát triển, nhưng Thiếu tướng Vũ Đức Khiển cũng cho rằng vấn đề này vẫn còn hạn chế và nhiều thách thức. Cụ thể, an ninh kinh tế chưa được thật sự bảo đảm, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn. An ninh y tế vẫn chưa đáp ứng đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân. Về an ninh môi trường, con người vẫn đang đứng trước những mối đe dọa từ môi trường do con người gây ra…

Tham luận về an ninh y tế, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết: hàng năm, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh không chỉ của người dân thành phố mà cả người dân của khu vực phía Nam, số lượt tăng dần mỗi năm, đã trên 35 triệu lượt trong năm 2016, chiếm gần ¼ tổng số lượt khám chữa bệnh của cả nước, nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành bị quá tải không những ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh mà còn gây một áp lực rất lớn đến nhân viên y tế.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành y tế thành phố đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phát huy nguồn lực sẵn có mang tính sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sức khoẻ của người dân, mặt khác những vấn đề liên quan đến an ninh y tế mới phát sinh là những thách thức không nhỏ đòi hỏi ngành phải có giải pháp và triển khai đồng bộ.


Trong đó, bên cạnh việc đầu tư xây mới và cải tạo cơ sở hạ tầng các bệnh viện, một hoạt động không thể thiếu nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn và thời gian, ngành y tế đã chủ động xác định những vấn đề trọng tâm có thể làm ngay nhưng phải tập trung nguồn lực và tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về an sinh xã hội như sau:

(1) Triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
(2) Nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho y tế cơ sở, tạo niềm tin và thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh ban đầu góp phần giảm tải cho các bệnh viện thành phố.
(3) Phối hợp công - tư nhằm phát huy nguồn lực sẵn có, cả về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
(4) Hình thành mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện bao phủ địa bàn thành phố và hoạt  phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh.

Đánh giá về thực trạng tình hình an ninh, trật tự đang diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy các sự cố liên quan đến an ninh y tế, nhất là trong hoạt động khám chữa bệnh, ngày càng diễn tiến phức tạp cả về số lượng và mức độ ảnh hưởng. Có thể xếp các loại sự cố liên quan đến an ninh y tế thành các nhóm tương ứng mà kẻ xấu lợi dụng thành các loại như sau:
(1) “Cò” tại các bệnh viện nhằm lôi kéo người bệnh đến một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân
(2) Tệ nạn buôn bán gây mất trật tự trong bệnh viện và giả dạng người đi thăm bệnh để trộm cắp tài sản của người bệnh và cả tài sản của bệnh viện.
(3) Hành hung nhân viên y tế, đập phá bệnh viện khi có sự cố y khoa xảy ra và thậm chí do mâu thuẫn và thù hằn lẫn nhau rồi kéo vào bệnh viện ấu đả lẫn nhau rồi hành hung luôn cả nhân viên y tế, đập phá bệnh viện
(4) Không phải là cơ sở y tế nhưng lợi dụng, giả dạng hình ảnh cơ sở khám chữa bệnh để trục lợi trên sức khoẻ người bệnh.
(5) Một vài cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài không tuân thủ pháp luật để trục lợi trên sức khoẻ người bệnh gây bức xúc trong dư luận.
(6) Lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo trá hình không phép.
(7) Thách thức mới trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là đảm bảo an ninh mạng khi các bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
(8) Kẻ gây rối lợi dụng tình trạng đông người tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện quá tải, lợi dụng hoạt động từ thiện.

Trước thực trạng và thách thức về an ninh, trật tự như trên, Ngành Y tế thành phố cũng đã nêu rõ những giải pháp đã và đang tiếp tục triển khai, bao gồm các hoạt động thuộc về trách nhiệm của Sở Y tế, trách nhiệm của Phòng Y tế, và trách nhiệm của lãnh đạo của các cơ sở khám chữa bệnh.

Các giải pháp tiếp tục được Sở Y tế triển khai, bao gồm:
(a) Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, cố ý lợi dụng hoạt động khám chữa bệnh để trục lợi.
(b) Tiếp nhận đường dây nóng phản ánh những bức xúc của người bệnh, triển khai hệ thống ki-ốt khảo sát không hài long của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện nhằm giúp các bệnh viện chủ động nắm bắt và có giải pháp cải tiến, từ đó giảm bức xúc và tăng hài lòng của người bệnh.
(c) Tổ chức đào tạo liên tục nhằm phổ biến và hướng dẫn cho các cơ sở khám chữa bệnh về các quy định pháp lý trong hoạt động khám chữa bệnh
(d) Xây dựng và ban hành các bộ khuyến cáo chuyên đề về an ninh trật tự, về cung ứng các dịch vụ tiện ích trong bệnh viện, về các hoạt động cần thiết làm giảm bức xúc của thân nhân người bệnh khi có tai biến điều trị xảy ra, về các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh,…
(e)Tổ chức giám sát thực tế và giao ban chuyên đề để nhân rộng những cách làm hiệu quả và nhắc nhỡ, chấn chỉnh các bệnh viện chưa thực hiện hoặc thực hiện không đúng.
(f) Triển khai cổng thông tin điện tử của ngành y tế, chủ động đưa các thông tin của ngành nhằm giảm bớt tác động có thể gây nên khủng hoảng truyền thông
(g) Phối hợp với Công an Thành phố ký kết liên tịch về quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh ký kết quy chế phối hợp với công an địa phương, có kế hoạch phối hợp với Công an Thành phố tổ chức diễn tập các tình huống gây mất an ninh, trật tự ở mức độ nghiêm trọng hơn.
(h) Phối hợp với Sở Thông tin truyền thông tổ chức các khoá huấn luyện về an ninh mạng, tổ chức giám sát để hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về hệ thống thông tin cho các bệnh viện.

Bên cạnh đó, nhân viên ngành Y tế mong rằng sớm có một bộ luật riêng về đảm bảo an ninh y tế, đây là cơ sở pháp lý mang tính răn đe đối với kẻ xấu lợi dụng hoạt động đầy tính nhân văn của ngành y tế, giúp nhân viên y tế an tâm trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Theo Sở Y tế TPHCM

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080