Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/10/2018 18:48

Nguồn gốc của thuật ngữ “Quản trị bệnh viện” tại các nước Châu Âu

Thuật ngữ “Quản trị bệnh viện” còn khá mới lạ đối với những người đang làm công tác quản lý y tế ở nước ta vì thường quen với thuật ngữ “Quản lý bệnh viện” hơn.
Dưới đây là tóm lược về quá trình phát triển trong hoạt động quản trị bệnh viện qua bài viết “Innovative governance strategies in European public hospitals” của các tác giả Richard B. Saltman, Antonio Durán and Hans F.W. Dubois trong sách chuyên đề về quản trị bệnh viện công hướng đến tự chủ bệnh viện của TCYTTG khu vực Châu Âu “Governing Public Hospitals - Reform strategies and the movement towards institutional autonomy”.

Trong gần hơn 2 thập kỷ vừa qua, các bệnh viện công lập tại nước Châu Âu đang trên lộ trình có nhiều đổi mới, nhưng không hoàn toàn giống nhau do còn tuỳ thuộc các hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau của mỗi quốc gia. Tuy hoàn cảnh có khác nhau, nhưng đều có chung 3 yếu tố thúc đẩy cho quá trình tái cấu trúc lại hệ thống bệnh viện công lập, bao gồm: (1) Công nghệ ngày càng được cải tiến nhanh chóng nhằm nâng cao năng lực lâm sàng và thông tin của các bệnh viện; (2) Kỳ vọng bệnh nhân ngày càng tăng về chất lượng, an toàn, và sự lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe; và do đó (3) Áp lực ngày càng gia tăng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ cấu lại những yêu cầu và kiểm soát công tác quản lý bệnh viện truyền thống của các bệnh viện trực thuộc.

Vào cuối những năm 1980, các bệnh viện công ở Châu Âu chủ yếu tập trung vào việc cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh cấp tính, bao gồm các dịch vụ kỹ thuật điều trị nội trú các bệnh cấp tính và cấp cứu, tại một số nước bắt đầu triển khai điều trị ngoại trú cho những bệnh lý ít cấp tính hơn. Trong giai đoạn này, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khác nhau không được kết nối tốt, đặc biệt là giữa chăm sóc trong và ngoài bệnh viện. Ở giai đoạn này, trọng tâm của các bệnh viện công lập là đảm bảo sự công bằng của việc tiếp cận chăm sóc cho mọi người dân, bất kể thu nhập hay nghề nghiệp. Ngoài ra, các bệnh viện công được xem là trung tâm trong một hệ thống trách nhiệm lớn hơn cho sức khỏe cộng đồng và thường được liên kết với các dịch vụ công cộng khác ở cấp địa phương.

Tuy nhiên, mặc dù Tuyên bố Alma Ata năm 1978 của TCYTTG đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu trong phát triển hệ thống y tế, nhưng những nỗ lực cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước phát triển trong giai đoạn này vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai. Các cuộc thảo luận về cách tốt hơn để tích hợp các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và bệnh mạn tính vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu và bệnh viện cũng chỉ dừng ở mức độ tìm các giải pháp tổ chức thay thế.

Sự thay đổi lớn về tổ chức trong các bệnh viện công được bắt đầu vào cuối những năm 1980 (Thụy Điển) và đầu những năm 1990 (Anh), với một làn sóng cải cách hệ thống y tế được kích hoạt bởi các mối quan tâm về chất lượng và hiệu quả. Dựa trên các chiến lược quản lý mới từ các ngành nghề tư nhân khác, những cải cách này đã giới thiệu cung ứng dịch vụ linh hoạt hơn, với các mô hình quản trị có thể kích thích quyền tự chủ và hội nhập hiệu quả hơn. Trong giai đoạn đầu, quá trình cải cách này đã bị tranh cãi rất cao, nhất là những người bảo vệ hệ thống y tế công cộng truyền thống. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, nhiều cải cách đã được “chuẩn hóa” và ngày càng được coi là một yếu tố hữu ích tiềm tàng trong phạm vi rộng hơn với các phương pháp quản lý hiệu quả hơn.

Trong cùng thời gian này, thuyết "quản trị" nổi lên trong thế giới học thuật của một số ngành khoa học xã hội khác nhau như xã hội học, kinh tế học, chính trị, quản lý công cộng, lý thuyết tổ chức,… đã chỉ rõ quan điểm lý thuyết cụ thể của họ về quá trình quản trị trong khu vực công. Trong thập kỷ đầu tiên của cải cách ngành y tế trong thập niên 1990, các nghiên cứu có xu hướng tập trung vào cải thiện hiệu suất tổng thể về các mục tiêu chính, như vốn chủ sở hữu, hiệu quả và cạnh tranh.

Khái niệm “quản trị bệnh viện” bao gồm ba cấp độ khác nhau của việc ra quyết định liên quan đến bệnh viện. Mỗi cấp độ có những đặc điểm riêng biệt riêng biệt, với nhóm các nhà ra quyết định riêng. Tất cả ba cấp độ tương tác với nhau trong các mô hình phức tạp sau đó xác định "cấu trúc quản trị" thực tế cho các bệnh viện và đặc biệt là đối với các bệnh viện công.

Ở mức độ “vĩ mô”(macro) về quản trị bệnh viện, có các quyết định của chính phủ xác định cấu trúc cơ bản, tổ chức và tài chính của toàn bộ hệ thống y tế  và của khu vực bệnh viện. Ví dụ, quyết định duy trì một số bệnh viện công lập nhận ngân sách từ nguồn thuế là một quyết định “quản trị vĩ mô”. Các thông số của mức vĩ mô có thể khác biệt đáng kể trong các bối cảnh quốc gia khác nhau. Ở một số quốc gia, đối với một số loại quyết định chính sách, thẩm quyền có thể được đưa ra từ chính quyền khu vực hoặc thậm chí chính quyền địa phương. Những gì được xem là quy định thích hợp cho các bệnh viện công ở một quốc gia này (ví dụ, Anh) có thể không được xem là thích hợp ở một quốc gia khác (như Tây Ban Nha). Nhìn chung, quản trị bệnh viện ở mức độ vĩ mô là một phần của chính sách quốc gia, thiết lập nên cấu trúc, tổ chức và hoạt động của các bệnh viện.

Mức độ “trung gian” (meso) của quản trị bệnh viện, tập trung vào việc ra quyết định ở cấp độ thể chế chung của bệnh viện. Trong một số trường hợp (Na Uy), cấp độ này có thể kết hợp hai hoặc nhiều bệnh viện riêng biệt hoạt động như một thực thể đơn lẻ của công ty. Mức độ quản trị trung gian tập trung vào những người ra quyết định cấp cao cho từng bệnh viện hoạt động riêng biệt. Việc ra quyết định ở cấp độ này đối với bệnh viện công được thực hiện bởi một ban giám sát riêng biệt và với giám đốc điều hành của bệnh viện (CEO). Ở một mức độ này, các bệnh viện công ngày càng có cấu trúc quản trị giống với một công ty tư nhân. Chính ở cấp độ này, tất cả các quyết định chính sách quan trọng thuộc thẩm quyền của bệnh viện (không bị giới hạn bởi các ràng buộc pháp lý ở cấp vĩ mô) được thực hiện.

Mức độ “vi mô” (micro) của quản trị bệnh viện, tập trung vào việc quản lý hoạt động hàng ngày của nhân viên và các dịch vụ trong bệnh viện. Mức độ “quản trị” này thực tế được gọi là “quản lý bệnh viện” và kết hợp các tập con như quản lý nhân sự, đảm bảo chất lượng lâm sàng, quản lý tài chính cấp khoa, phòng, dịch vụ tiện ích (dịch vụ vệ sinh, ăn uống, v.v. ).

Như vậy, thuật ngữ “quản trị bệnh viện” có phạm vi rộng hơn, mang tính định hướng chiến lược phát triển từ cấp chính phủ cho đến thực hiện quyền tự chủ của bệnh viện nhằm đáp ứng những yêu cầu của xã hội, của người dân đối với hoạt động cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Điểm mới của quản trị bệnh viện có lẽ tập trung nhiều vào quản trị ở mức trung gian, bên cạnh giám đốc điều hành còn là hội đồng giám sát bệnh viện, điều này hoàn toàn chưa có trong “quản lý bệnh viện” theo truyền thống.

Theo Sở Y tế TPHCM


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080