Logo Bệnh viện Nhân dân 115
21/03/2018 15:04

Tổ chức Y tế Thế giới: Hỏi đáp về tiêm chủng và an toàn vắc-xin

Trước những luồng tin xấu của các “hội chống tiêm vắc-xin” trên các mạng xã hội, vừa qua Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức đăng tải chuyên đề “Hỏi đáp về chủng ngừa và an toàn vắc-xin” (15/3/2018).

Với điều kiện vệ sinh tốt hơn, thực hành giữ vệ sinh và sử dụng nước sạch ngày càng tốt hơn, tiêm chủng có còn cần thiết hay không?

Mặc dù hiện nay các điều kiện vệ sinh và giữ vệ sinh cùng với việc cung cấp nước sạch và dinh dưỡng ngày càng tốt hơn giúp bảo vệ con người khó mắc các bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn không đủ để ngăn ngừa chúng, nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn có thể lây lan trong cộng đồng.

Nếu như chúng ta không thực hiện tiêm chủng hay không duy trì tỷ lệ tiêm chủng tối ưu để đạt được "miễn dịch toàn cộng đồng" thì các bệnh truyền nhiễm vốn đã được kiểm soát bằng tiêm chủng từ nhiều năm trước sẽ quay trở lại. Nếu chúng ta không thực hiện tiêm chủng phòng ngừa kể cả đối với các bệnh hiếm gặp như bệnh ho gà, bại liệt và sởi, các bệnh đó sẽ nhanh chóng trở lại. Do vậy, phải khẳng định rằng tiêm chủng vẫn rất cần thiết.

Sử dụng vắc-xin có thật sự an toàn?

Sử dụng vắc-xin phòng bệnh luôn đảm bảo an toàn. Bất kỳ loại vắc-xin nào được cấp phép để đưa ra sử dụng rộng rãi đều phải trải qua nhiều công đoạn kiểm tra nghiêm ngặt với nhiều giai đoạn thử nghiệm trước khi được chấp thuận sử dụng và đều được thường xuyên đánh giá lại khi đã có mặt trên thị trường. Các công ty sản xuất vắc-xin cũng như các nhà nghiên cứu cũng thường xuyên theo dõi thông tin từ nhiều nguồn đối với bất kỳ báo cáo nào về những phản ứng bất lợi của vắc-xin khi sử dụng.

Mặc dù có một tỷ lệ rất nhỏ được ghi nhận có phản ứng bất lợi trong quá trình sử dụng vắc-xin, nhưng hầu hết các phản ứng bất lợi đều không nghiêm trọng và thoáng qua như đau cánh tay nơi tiêm hoặc sốt nhẹ. Trong một số trường hợp hiếm hoi xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng, việc sử dụng vắc-xin sẽ được đánh giá ngay lập tức để xác định nguyên nhân.

Các bệnh truyền nhiễm phòng ngừa được bằng vắc xin nếu không được tiêm chủng có thể sẽ bị nặng hơn so với khi sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Ví dụ, trong trường hợp mắc bệnh bại liệt, bệnh có thể gây liệt, mắc bệnh sởi có thể gây ra viêm não và mù lòa, và một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin nếu không được tiêm chủng thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn rất nhiều so với những nguy cơ gặp phải khi không sử dụng vắc-xin phòng ngừa.

Nhiễm trùng có thể tạo ra miễn dịch tự nhiên tốt hơn tiêm vắc-xin?

Vắc-xin khi được đưa vào cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch để tạo ra đáp ứng miễn dịch tương tự như bệnh nhiễm trùng tự nhiên, nhưng chúng không gây bệnh và ngăn chặn nguy cơ biến chứng tiềm ẩn khi mắc bệnh. Ngược lại, giá phải trả cho đáp ứng miễn dịch với nhiễm trùng tự nhiên có thể là suy giảm trí tuệ từ Haemophilus influenzae type b (Hib), dị tật bẩm sinh do bệnh sởi, ung thư gan do virút viêm gan loại B hoặc tử vong vì biến chứng do sởi.

Có cần phải chủng ngừa các bệnh mà không thấy có trong một cộng đồng hoặc một quốc gia?

Mặc dù hiện nay các bệnh có thể phòng ngừa vắc xin đã trở nên không phổ biến ở nhiều nước, nhưng các tác nhân gây bệnh vẫn có thể tiếp tục tồn tại và lan truyền ở một số nơi trên thế giới. Trong một thế giới liên kết chặt chẽ như hiện nay, các tác nhân gây bệnh đó có thể xâm nhập vào các quốc gia khác và lây nhiễm vào bất cứ ai không được tiêm chủng phòng ngừa. Ví dụ ở Tây Âu, dịch bệnh sởi đã xảy ra ở các cộng đồng không được tiêm phòng ở Áo, Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Liên bang Nga, Serbia, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Tajikistan, Anh, và ngay tại nước Mỹ.

Hai lý do chính nên tiêm phòng là bảo vệ bản thân và bảo vệ những người xung quanh. Các chương trình tiêm chủng thành công hay không tùy thuộc vào sự hợp tác của từng cá nhân trong cộng đồng để đảm bảo sự an toàn cho tất cả mọi người. Không nên nghĩ rằng chỉ cần những người xung quanh tiêm chủng là đủ để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tật mà bản thân mỗi người trong cộng đồng cũng phải được tiêm chủng.

Một đứa trẻ có thể chủng ngừa nhiều loại vắc-xin trong một lần?

Các công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc tiêm chủng đồng thời cùng lúc nhiều loại vắc-xin không có ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch của trẻ. Hàng ngày, trẻ em đều có tiếp xúc với hàng trăm chất lạ gây ra phản ứng miễn dịch. Ngay như đối với việc ăn uống cũng đã đưa nhiều các kháng nguyên mới cùng rất nhiều vi khuẩn sống trong miệng và mũi vào cơ thể. Các bệnh cảm cúm hay đau họng thông thường sẽ làm một đứa trẻ bị phơi nhiễm với nhiều loại kháng nguyên hơn so với số kháng nguyên từ các loại vắc-xin kết hợp.

Ưu điểm chính của việc tiêm kết hợp nhiều loại vắc-xin trong một lần là trẻ ít phải đi khám bệnh nhiều lần, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, khi sử dụng vắc-xin kết hợp (ví dụ như bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) sẽ dẫn đến việc tiêm thuốc ít hơn và giảm sự khó chịu cho trẻ.

Chủng ngừa cúm có bảo vệ cơ thể không mắc bệnh cúm không?

Bệnh cúm là một căn bệnh nghiêm trọng giết chết khoảng 300.000 đến 500.000 người trên thế giới mỗi năm. Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi có sức khoẻ kém và bất cứ ai có bệnh mạn tính như hen phế quản hoặc bệnh tim đều là những đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, tiêm phòng cho phụ nữ mang thai có thêm lợi ích để bảo vệ trẻ sơ sinh của trẻ (hiện nay không có thuốc chủng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi).

Tiêm vắc-xin cúm theo mùa sẽ cung cấp khả năng miễn dịch cho 3 loại vi-rút cúm phổ biến nhất đang lưu hành trong bất kỳ mùa nào. Tiêm chủng vắc-xin cúm theo mùa đã được chứng minh hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh cúm nặng và ngăn ngừa nguy cơ lan truyền trong cộng đồng qua hơn 60 năm triển khai. Ngăn ngừa lây nhiễm cúm có nghĩa là làm giảm chi phí chăm sóc y tế cũng như mất thu nhập do nghỉ ốm hay không phải nghỉ học đối với học sinh.

Chất bảo quản nào được sử dụng cho vắc-xin?


Trong một số loại vắc-xin, thiomersal là một hợp chất có chứa thủy ngân hữu cơ được thêm vào để giúp bảo quản vắc-xin. Thiomersal là hợp chất đã được công nhận là chất bảo quản đảm bảo an toàn và được sử dụng rộng rãi cho các loại văc-xin phối hợp đa liều. Cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy rằng thiomersal được sử dụng trong vắc-xin gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vắc-xin ngừa bệnh sởi có liên quan đến chứng tự kỷ hay không?

Năm 1998, một nghiên cứu đã được công bố cho thấy mối liên quan có thể giữa vắc-xin ngừa bệnh sởi và bệnh sởi. Tuy nhiên nghiên cứu này sau đó bị phát hiện là có sai sót và gian lận nghiêm trọng và đã được thu hồi bởi nhà xuất bản. Tuy vậy, nghiên cứu trên đã gây ra hoảng sợ trong cộng đồng dẫn tới việc giảm tỷ lệ tiêm chủng và gia tăng các vụ dịch sởi sau đó. Cho đến nay, không có bằng chứng nào được tìm thấy về mối liên quan giữa văc-xin ngừa bệnh sởi với chứng tự kỷ hoặc rối loạn tự kỷ.

Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080