Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/05/2018 23:30

Giám đốc các bệnh viện cần biết: Quy định chuyển tiếp của Nghị định 111/2017/NĐ-CP sắp có hiệu lực

Tất cả bệnh viện và các cơ sở y tế là cơ sở đào tạo thực hành của các trường đại học, cao đẳng, trung học thuộc khối ngành sức khoẻ trước ngày 20/11/2017 phải rà soát, bổ sung, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quy định tại Nghị định 111/2017/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 01 năm 2019...
Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế triển khai Nghị định 111/NĐ-CP cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố ngày 16/5/2018

Điểm rất mới đối với các bệnh viện và các cơ sở y tế tham gia làm cơ sở thực hành cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đó là “Công bố bằng văn bản và thường xuyên cập nhật trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có) danh sách người giảng dạy thực hành, số lượng, loại hình, ngành, chuyên ngành, trình độ đào tạo thực hành, số lượng tối đa người học thực hành có thể nhận, số lượng người học thực hành đang thực hành tại cơ sở.” Để có thể tự công bố là cơ sở thực hành cho các trường đại học, cao đẳng, trung học thì các bệnh viện và các cơ sở y tế khác phải đáp ứng các quy định tại Điều 9 của Nghị định. Theo đó, các yêu cầu chung của Nghị định mà các cơ sở thực hành phải đảm bảo là: (a) Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với chương trình đào tạo thực hành; (b) Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hành theo yêu cầu của chương trình đào tạo thực hành; (c) Bệnh viện và cơ sở thực hành khác phải có người tham gia giảng dạy thực hành đủ điều kiện theo quy định.

Các điều kiện để một người có thể tham gia giảng dạy thực hành là: (a) Có văn bằng, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn tối thiểu 12 tháng liên tục đến thời điểm giảng dạy thực hành phù hợp với trình độ, ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành; (b) trình độ của người giảng dạy thực hành không được thấp hơn trình độ đang được đào tạo của người học thực hành; (c) Có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn hành nghề phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo thực hành trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề; (d) Có đủ thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp; (đ) Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 05 người học thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.

Ngoài ra, những yêu cầu rất mới nhằm đảm bảo bệnh viện gắn kết với hoạt động đào tạo thực hành (chứ không giao phó hẳn cho cán bộ giảng của các trường) và đảm bảo chất lượng đào tạo thực hành, đó là: (1) Tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 03 người học thực hành trên 01 giường bệnh hoặc 01 ghế răng; (2) Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 20% và tối đa là 80% của tổng thời lượng chương trình thực hành; (3) Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành về khám, chữa bệnh tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành khám, chữa bệnh của không quá 02 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 01 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Nghị định cũng quy định loại bệnh viện thực hành khám, chữa bệnh tương ứng với trình độ đào tạo: (a) Bệnh viện hạng I hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến I trở lên đối với đào tạo trình độ sau đại học, đào tạo trình độ đại học ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt; (b) Bệnh viện hạng II hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến II trở lên đối với đào tạo trình độ đại học các ngành khác thuộc khối ngành sức khỏe; (c) Bệnh viện hạng III hoặc hoặc bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật thuộc danh mục kỹ thuật từ tuyến III trở lên đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp khối ngành sức khỏe;

Nghị định cũng quy định rõ chương trình đào tạo thực hành tại các bệnh viện phải được tích hợp chuyên đề “an toàn người bệnh” bên cạnh chuyên đề y đức và quy tắc ứng xử. Đây là điều rất có lợi cho cả bệnh viện và người thực hành tại bệnh viện trong thời gian thực hành và cả sau này khi hành nghề, theo Sở Y tế, chuyên đề “an toàn người bệnh” bệnh viện cần xây dựng cho phù hợp với từng nhóm đối tượng thực hành.

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 111/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ do Sở Y tế tổ chức vào chiều ngày 16/5/2018, Cục khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình tự công bố là cơ sở thực hành, đối với các bệnh viện và các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế sẽ nộp hồ sơ về Sở, sau khi được Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ, nếu sau 15 ngày Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế (phòng chức năng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo) không có yêu cầu làm rõ thêm nội dung nào thì các bệnh viện và các cơ sở y tế tham gia làm cơ sở thực hành của các trường đào tạo được quyền tự công bố, đồng thời Sở Y tế sẽ công bố danh sách cơ sở thực hành trên Cổng thông tin điện tử của ngành y tế.

Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080