Logo Bệnh viện Nhân dân 115
17/06/2018 00:30

10 vấn đề về bệnh không lây nhiễm phổ biến trong cộng đồng: đái tháo đường

Số người mắc bệnh đái tháo đường đã tăng gần 4 lần kể từ năm 1980. Tỷ lệ mắc bệnh này đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước thu nhập thấp và trung bình.
Nguyên nhân của sự gia tăng này là phức tạp, nhưng tăng số lượng người thừa cân, béo phì, và thiếu hoạt động thể chất chắc chắn góp phần là gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng và làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Trong năm 2012 bệnh đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp của 1,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Bệnh đái tháo đường và các biến chứng của nó có thể được ngăn chặn bởi một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì trọng lượng cơ thể bình thường và không hút thuốc.

Tháng 4/2016, TCYTTG đã kêu gọi hành động giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ đã biết cho bệnh đái tháo đường loại 2 và cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc cho những người bị bệnh đái tháo đường.

Dưới đây là 10 vấn đề và khuyến cáo của TCYTTG về bệnh đái tháo đường:

1) Khoảng 422 triệu người trên thế giới mắc bệnh đái tháo đường

Tần suất mắc bệnh đái tháo đường đã tăng đều đặn trong 3 thập kỷ qua, cũng là hình ảnh tương xứng của sự gia tăng tỷ lệ béo phì và thừa cân. Số người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh ở các nước thu nhập thấp và trung bình.



2) Đái tháo đường là 1 trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới

Năm 2012, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp của 1,5 triệu ca tử vong. Cũng cùng trong một năm, thêm 2,2 triệu ca tử vong do bệnh tim mạch và các bệnh khác có mức đường huyết cao hơn bình thường. Ngay cả khi lượng đường trong máu không đủ cao để chẩn đoán, biến chứng của bệnh đái tháo đường đã có thể xảy ra. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng khi mức đường huyết tăng lên.



3) Bệnh đái tháo đường có 2 loại chính

Bệnh đái tháo đường loại 1 do cơ thể thiếu sản xuất insulin và tiểu đường loại 2 do việc sử dụng insulin không hiệu quả của cơ thể. Trong khi bệnh đái tháo đường loại 2 có khả năng phòng ngừa được, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đối với bệnh đái tháo đường loại 1 vẫn chưa được biết, và các chiến lược phòng ngừa vẫn chưa thành công.



4) Một loại khác của bệnh này là đái tháo đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường thai kỳ được đặc trưng bởi tăng đường huyết với các giá trị trên bình thường nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán bệnh tiểu đường, ở phụ nữ trong thời gian mang thai. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao bị biến chứng trong thời gian mang thai và sinh con. Những thai phụ này và con cái của họ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường loại 2 trong tương lai.



5) Bệnh đái tháo đường loại 2 phổ biến hơn loại 1

Đái tháo đường loại 2 chiếm phần lớn trong số ca bệnh đái tháo đường trên toàn cầu. Vòng bụng tăng và chỉ số khối cơ thể cao hơn bình thường (BMI) có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, mặc dù mối quan hệ này có thể khác nhau ở các quần thể khác nhau. Ở trẻ em, bệnh đái tháo đường loại 2 trước đây hiếm gặp nhưng cũng đã gia tăng trên toàn thế giới.



6) Người mắc bệnh đái tháo đường có thể sống lâu và khỏe mạnh khi bệnh được phát hiện và được quản lý tốt

Nhiều biện pháp can thiệp có chi phí-hiệu quả tốt đã giúp chẩn đoán và kiểm soát được tình trạng bệnh đái tháo đường. Những can thiệp này bao gồm: kiểm soát đường huyết thông qua sự kết hợp của chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thuốc khi cần thiết; kiểm soát huyết áp và mỡ máu để giảm nguy cơ tim mạch và các biến chứng khác; và thường xuyên kiểm tra mắt, thận và bàn chân, để kịp thời can thiệp điều trị sớm.



7) Chẩn đoán và can thiệp sớm là điểm khởi đầu để sống tốt với bệnh đái tháo đường

Một người sống với bệnh đái tháo đường mà không được chẩn đoán và không được điều trị càng lâu thì kết cục sức khỏe càng tồi tệ. Xét nghiệm cơ bản như đo đường huyết nên sẵn sàng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu.



8) Đa số các trường hợp tử vong do đái tháo đường xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình

Nhân viên y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở các nước có thu nhập thấp không tiếp cận được các kỹ thuật cơ bản cần thiết để giúp những người mắc bệnh đái tháo đường quản lý tốt bệnh của họ. Việc tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu (bao gồm  insulin) và các kỹ thuật học thích hợp trong quản lý bệnh đái tháo đường còn hạn chế tại các nước thu nhập thấp và trung bình.



9) Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân quan trọng gây mù, cắt cụt chân và suy thận

Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ chết sớm. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, cắt cụt chân (vì loét chân bị nhiễm trùng, không lành bệnh), mất thị lực và tổn thương dây thần kinh.



10) Bệnh đái tháo đường loại 2 có thể được ngăn ngừa

30 phút hoạt động thể lực với cường độ vừa phải mỗi ngày và chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2.



Theo Sở Y tế TPHCM
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080