Logo Bệnh viện Nhân dân 115
11/01/2021 10:11

“Hemodynamic response” - đáp ứng huyết động trong tắc hẹp động mạch não mãn tính

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng có bài viết chia sẻ về hemodynamic response (đáp ứng huyết động) để giải thích việc một số người phát hiện có hẹp động mạch não mặc dù trước đó họ không có triệu chứng gì.
Khá nhiều người chỉ xem siêu âm là một phương tiện chẩn đoán tình trạng mạch máu (đánh giá mức độ hẹp, mảng xơ vữa…). Tuy nhiên, việc phát triển các kỹ thuật hình ảnh học khác như CT mạch máu (CTA), MRI mạch máu (MRA) với khả năng chẩn đoán chính xác vượt trội, vai trò này của siêu âm mạch máu đã trở nên phai nhạt khá nhiều.

Mặc dù vậy, sẽ rất thiếu sót nếu các bác sĩ đột quỵ “bỏ quên” việc đánh giá “hemodynamic respones” (đáp ứng huyết động), được xem là phản ứng của hệ thống mạch máu (co hay giãn mạch) nhằm duy trì lưu lượng máu não đủ, nhằm thích nghi với tình trạng tắc nghẽn (hoặc hẹp nặng) các động mạch (động mạch) não lớn. Với riêng với vai trò này, siêu âm động mạch não sẽ khó có đối thủ dù phải so sánh với các kỹ thuật phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115

Nói một cách đơn giản, khi xảy ra tắc nghẽn (hoặc hẹp nặng) các động mạch não lớn (động mạch cảnh trong, động mạch não giữa), tình trạng tăng CO2 trong máu sẽ gây giãn mạch, mục đích nhằm tăng kéo máu từ các nơi khác đổ về vùng nhu mô não trong tình trạng thiếu máu. Cơ chế này cực kỳ quan trọng khi xảy ra tình trạng tắc hẹp động mạch não lớn mạn tính, mục đích nhằm duy trì lưu lượng máu não ĐỦ, để bảo toàn vùng nhu mô não thiếu máu.

Đó cũng là lý do, nhiều bác sĩ đã rất bất ngờ khi phát hiện bệnh nhân đi tầm soát đột quỵ, đã bị tắc một hoặc nhiều động mạch não (từ lúc nào không biết), nhưng vẫn không có bất kỳ triệu chứng đáng kể gì trước đó.

Việc thiếu đánh giá “hemodynamic respones” trước khi ra chỉ định tái tưới máu bằng stent (làm mất khả năng co dãn mạch máu tại chỗ) hoặc phẫu thuật bắc cầu, được xem là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của các thử nghiệm lâm sàng của những kỹ thuật trên, so với điều trị nội khoa bảo tồn.

Trong đời thường, chúng ta cũng dễ dàng hiểu được “đạo lý” này khi quan sát một cây dừa cạn mọc ven lề đường. Dù chỉ với một ít đất thừa khô và không được chăm bón nhưng vẫn có thể sống và phát triển tươi tốt. Nếu nghĩ rằng quá ít đất, cây sẽ chết và quyết định dời cây vào một chậu khác với đầy đủ đất và chất bổ dưỡng. Tin tôi đi, cây sẽ chết ngay chỉ trong vòng 48g sau đó.

Điều này gọi là “lẽ tự nhiên”, đừng o ép sự sống đang tự nhiên như đang có, mà chỉ nên trợ giúp nó khi cần thiết. Can thiệp thô bạo theo ý chủ quan sẽ có thể làm mất đi sự sống.

Dù cây hay người gì cũng vậy./.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng
Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não
Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080