Logo Bệnh viện Nhân dân 115
05/11/2017 19:53

“Giải mã” insulin và chế độ luyện tập cho người bệnh đái tháo đường

Sáng 5/11, nhằm hưởng ứng ngày Đái tháo đường (ĐTĐ) thế giới 14/11, khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ĐTĐ với 2 chủ đề “Tập luyện phòng và điều trị bệnh ĐTĐ type II” và “Insulin trong điều trị ĐTĐ - Quan điểm của người bệnh”.
Dù buổi sinh hoạt tổ chức từ sáng sớm rơi vào ngày Chủ nhật, thời tiết se lạnh nhưng cũng không cản được bước chân của đông đảo bệnh nhân và thân nhân người bệnh đến tham dự. Tại đây, mọi người được đo đường huyết, thưởng thức sữa dành riêng cho người bệnh ĐTĐ và được tư vấn, hướng dẫn, nhận nhiều tài liệu hữu ích về căn bệnh này.

Tất cả mọi người tham dự buổi sinh hoạt hôm nay đều được đo đường huyết, thưởng thức sữa dành riêng cho người bệnh ĐTĐ và được tư vấn, hướng dẫn, nhận nhiều tài liệu hữu ích về căn bệnh này
Lựa chọn mức độ luyện tập phù hợp với người ĐTĐ

Không giống với những buổi sinh hoạt trước đây, người bệnh được các bác sĩ khoa Nội tiết hướng dẫn về chế độ tập luyện thì nay được chính bác sĩ khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tư vấn chi tiết các bài tập cần thiết cho người bệnh đái tháo đường.

Qua phần trao đổi với chủ đề “Tập luyện phòng và điều trị bệnh ĐTĐ type II”, BS Nguyễn Xuân Thắng - Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng chia sẻ: “Bên cạnh thuốc, chế độ dinh dưỡng thì luyện tập là một trong 3 thành phần quan trọng của điều trị ĐTĐ. Hoạt động thể lực đều đặn ở người bệnh ĐTĐ có thể giảm nồng độ đường máu cả trong và sau khi tập luyện, giúp cơ thể tăng độ nhạy với insulin máu, do vậy nhu cầu insulin bổ sung hàng ngày có thể được giảm đi. Ngoài ra, việc tập luyện kết hợp với thuốc điều trị, chế độ ăn hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng của ĐTĐ”.
BS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ các bài tập hữu ích để phòng và điều trị bệnh ĐTĐ
Theo BS Thắng, tất cả các phương pháp tập như đạp xe, đi bộ, chạy bộ, bơi, aerobic, yoga… đều có lợi ích với bệnh nhân ĐTĐ. Tuy nhiên, nếu người bệnh ĐTĐ có kèm theo một số bệnh lý khác thì cần chú ý chọn môn thể thao phù hợp để tránh tác động làm bệnh tiến triển nặng thêm.

Trong trường hợp bệnh ĐTĐ có kèm theo thoái hóa khớp gối thì nên tập động tác không tạo nhiều tải trọng lên khớp như đạp xe, bơi, đá tạ… Tương tự, nếu kèm theo thoái hóa, thoát vị đĩa đệm thì chọn các môn thể thao như bơi, tập xà đơn, vặn cột sống, tập với ván nghiêng…

Đối với người ĐTĐ có bệnh lý tim mạch kèm thì việc tập luyện quan trọng nhất là phải cảm thấy vừa sức, mỗi ngày có thể tập đi bộ, dưỡng sinh, thái cực quyền từ 20-30 phút và chia làm nhiều lần tập để tránh gắng sức vào một thời điểm. Nếu thấy khó thở, tức ngực thì nên dừng việc tập luyện vì đây là dấu hiệu của quá sức.

“Ngoài ra, chỉ với những động tác đơn giản như co - duỗi bàn chân, xoay cổ chân, xòe và cụp ngón chân, nhón gót hoặc tập với một vật tròn lăn bàn chân đã có thể giúp người bệnh ĐTĐ phòng ngừa các biến chứng lên bàn chân” - BS Thắng cho biết.
Đông đảo người bệnh và thân nhân người bệnh đến tham dự buổi sinh hoạt, khi ra về còn hào hứng hẹn gặp lại lần sau

Kết thúc phần trao đổi của mình, BS Thắng đưa ra một số lời khuyên, để cơ thể đón nhận được những lợi ích mà việc tập luyện mang lại, người bệnh ĐTĐ cần lưu ý không nên tập lúc đói hoặc lúc no, nếu đường huyết tăng cao hơn 250mg/dl thì nên ngừng tập để điều chỉnh đường huyết ổn định.

“Mọi người nên tập luyện ngay từ bây giờ, bắt đầu từ những môn thể thao mà mình yêu thích. Hơn nữa, cần thiết lập chỉ tiêu trong phạm vi bản thân có thể thực hiện, ví dụ như mục tiêu là tập thể thao 30 phút mỗi ngày hay tập bàn chân trong 20 phút, nhưng đừng đặt ra mục tiêu quá cao tránh làm nản chí, bỏ cuộc giữa chừng” - BS Thắng cho hay.

Ông cũng khuyến khích người bệnh nên ghi lại lịch sử các buổi tập, mang theo kẹo để phòng hạ đường huyết và nếu được thì nên tư vấn với bác sĩ để được kê đơn tập thể dục cho chính xác.

Insulin: “Mấu chốt” trong điều trị bệnh ĐTĐ
BS Nguyễn Thị Bội Ngọc - khoa Nội tiết được nhiều người tham dự cảm ơn và dành tặng lời khen vì lối nói chuyện gần gũi, dễ hiểu giúp bệnh nhân nắm được nhiều kiến thức hơn, nhớ lâu hơn

“Có phải điều trị tiểu đường bằng insulin là bệnh đã ở giai đoạn nặng? Tiêm insulin phiền phức, tốn kém, không thuận tiện cho sinh hoạt đi lại, hay sợ tiêm, sợ đau, sợ hạ đường huyết…” là những lý do để bệnh nhân từ chối tiêm insulin được BS Nguyễn Thị Bội Ngọc - khoa Nội tiết nêu ra trong phần trò chuyện với chủ đề “Insulin trong điều trị ĐTĐ - Quan điểm của bệnh nhân”.

Khi đưa ra những lý do này, các bệnh nhân trong hội trường đều gật đầu, tỏ ra tán thành. BS Ngọc nhấn mạnh, không hẳn điều trị bằng insulin là bệnh đã trở nặng. Insulin là một loại hooc môn do tế bào bê-ta của tuyến tụy tiết ra giúp đường máu vào tận bên trong các tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp ổn định đường máu trong cơ thể. Đây là thuốc hạ đường huyết hiệu quả nhất.

“Tiêm insulin có đau nhưng các cô bác cũng đừng lo lắng quá, giờ đã có nhiều loại kim có thành mỏng hơn làm tăng đường kính trong mà không tăng đường kính ngoài giúp giảm đau và insulin qua dễ dàng hơn rồi. Hơn nữa, hiện tại cũng có nhiều loại bút tiêm insulin rất tiện dụng mà hợp “thời trang” - BS Ngọc chia sẻ.


Lắng nghe, ghi chép cẩn thận là điều dễ nhận thấy trong các buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân ĐTĐ

Một nội dung quan trọng giúp ích cho các bệnh nhân để insulin phát huy tác dụng là kỹ thuật tiêm. Tiêm vị trí nào cho đúng để ít đau và insulin sẽ hấp thu ổn định? Kỹ thuật sử dụng bơm tiêm, bút tiêm? Các bước chuẩn bị và bảo quản thuốc?... Những điều tưởng chừng như đơn giản và dễ làm ấy nhưng không phải bệnh nhân đái tháo đường nào cũng biết và tuân thủ.

BS Ngọc hướng dẫn, nhiều bệnh nhân ngại tiêm insulin vì sợ phiền người khác phải tiêm giúp nhưng trên thực tế chỉ cần nhờ người có kỹ thuật tiêm lần đầu và những lần sau bệnh nhân có thể tự tiêm được. Tùy theo vị trí thuận của mỗi người, có thể tiêm trên đùi, mông, tay. Lưu ý là không tiêm lặp lại tại 1 ví trí trong vùng tiêm. Nếu sử dụng kim 4mm hoặc 5mm thì không cần kỹ thuật véo da khi tiêm, còn sử dụng 8mm thì vẫn cần kỹ thuật này.

“Nếu chế phẩm insulin ở dạng hỗn dịch (đục như sữa) thì cần lắc nhẹ khoảng 20 lần để đưa thuốc trở về dạng hỗn dịch sau khi bị lắng. Bà con cô bác cần nhớ kiểm tra insulin đúng tên theo toa, còn hạn dùng thì mới được sử dụng, nếu thấy insulin không đồng nhất thì tốt nhất không nên dùng. Chú ý chọn đúng loại insulin trong hoặc đục nếu trường hợp dùng nhiều loại. Việc bảo quản cũng rất quan trọng, các lọ insulin chưa mở cần được bảo quản trong ngăn dưới của tủ lạnh, không để ở ngăn đá do có thể làm thay đổi hoạt tính của insulin”.
Với câu hỏi người bệnh ĐTĐ kèm thoái hóa khớp có được tập thái cực quyền hay không, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (ĐTĐ 18 năm) được BS Thắng giải đáp "Trong trường hợp này, người bệnh có thể tập thái cực quyền, tuy nhiên nếu các động tác làm tăng cơn đau thì cần giảm cho vừa phải, nếu giảm rồi vẫn tiếp tục đau nữa thì nên ngưng tập và có thể tìm động tác khác tháy thế để không tăng tải trọng lên khớp gối".

Trong phần giao lưu với người tham dự, BS Ngọc còn chia sẻ một kinh nghiệm thú vị mà bà đã hướng dẫn áp dụng và thành công, đó là khi đi du lịch, người bệnh ĐTĐ có thể bảo quản insulin bằng cách cho một vài viên đá vào bình giữ nhiệt là có thể giữ lạnh được 10 - 12 tiếng. Quan trọng nhất là người bệnh cần mang dư thuốc insulin để phòng trường hợp cần thiết.

Khi kết thúc phần trò chuyện của mình, BS Ngọc còn trao đổi rất kỹ, dặn người bệnh và thân nhân không nên xoa day ngay sau khi tiêm, giữ kim lại khoảng 10 giây để insulin được hấp thu hết và nhớ thay đổi chỗ tiêm.

Nhờ sự dẫn dắt tài tình cũng lối nói chuyện dí dỏm, giải thích cặn kẽ của BS Ngọc đã giúp mọi người trong hội trường có những phút giây thư giãn thật sự thoải mái, “đập tan” nỗi sợ của người bệnh khi phải tiêm insulin.
Những phần quà "nho nhỏ" được các y bác sĩ khoa Nội tiết chuẩn bị dành tặng các "vị khách" may mắn ngày hôm nay

BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương (ngoài cùng bìa trái) - Phụ trách khoa Nội Tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 trao quà cho người tham dự
Buổi sinh hoạt đã khép lại với phần bốc thăm trúng thưởng thú vị và những phần quà từ khoa Nội tiết. Ra về, các thành viên ai cũng vui mừng vì qua buổi sinh hoạt, các bệnh nhân mắc ĐTĐ và cả thân nhân không chỉ có thêm kiến thức và kỹ năng để điều trị và tự chăm sóc cho bản thân tốt hơn nhằm kiểm soát được đường huyết, giảm thiểu biến chứng mà còn được tham gia vào nhiều hoạt động thư giãn, luyện tập hấp dẫn và bổ ích cho sức khỏe.

Năm 2017, Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế chọn chủ đề “Phụ nữ và đái tháo đường - Chúng ta có quyền có tương lai khỏe mạnh" nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu quân tâm đến căn bệnh đái tháo đường ở nữ giới.

Theo thống kê, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 ở phụ nữ trên toàn cầu, gây ra 2.1 triệu ca tử vong mỗi năm. Cứ 5 phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thì có 2 người bị giảm thọ do ảnh hưởng của bệnh và bà mẹ bị đái tháo đường khi sinh con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Phương Nguyên
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080