Logo Bệnh viện Nhân dân 115
29/11/2017 17:04

Trị tiểu đường, thuốc nào tốt nhất?

Buổi thứ 5 trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường” tại Bệnh viện Nhân dân 115 giúp người bệnh hiểu rõ cách dùng thuốc, bảo quản thuốc, các nhóm thuốc đang có hiện nay, thuốc nào tốt nhất…

Chiều 28/11, tại buổi thứ 5 trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường”, BS.CK1 Nguyễn Thị Hồng Lan đã chia sẻ về việc: sử dụng thuốc đái tháo đường (ĐTĐ) như thế nào, những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc và vai trò của thuốc ra sao.

Buổi thứ 5 trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường” tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115

BS.CK1 Nguyễn Thị Hồng Lan - BS điều trị khoa Nội tiết - Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: bệnh ĐTĐ có 2 loại (type/ típ).

Loại 1 là khi cơ thể không tạo được insulin vì một vài lý do như: do yếu tố di truyền hay người đã cắt tụy, viêm tụy thì tụy không tiết ra được insulin nữa. Loại này thường xảy ra ở trẻ em, người trẻ tuổi và một số người bị bệnh ở tụy.

ĐTĐ loại 2 là, cơ thể có thể tiết ra insulin nhưng hoạt động không còn hiệu quả và loại này thường xảy ra ở người lớn tuổi hay người thừa cân.

Mục tiêu điều trị bệnh ĐTĐ là giúp đường huyết ổn định, ít bị hạ đường huyết, ít và chậm xảy ra biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống (vật chất, sức khỏe, tinh thần, thể lực).

BS Hồng Lan nhấn mạnh: “Để đạt được các mục tiêu thì vai trò của bệnh nhân là 99%. Tức là, bệnh nhân phải hiểu đúng, làm đúng, ăn uống đúng mực, thể dục đúng cách và phải biết tự theo dõi kiểm tra đường huyết, sau cùng là thuốc.

Tất cả những điều này phải xoay quanh sự tương tác giữa bệnh nhân với BS của mình và trong đó vai trò của BS chỉ chiếm 1%”.

BS.CK1 Nguyễn Thị Hồng Lan: Để đạt các mục tiêu ổn định đường huyết thì vai trò của bệnh nhân là 99%

Cũng theo BS Lan, thuốc điều trị ĐTĐ loại 2 (type 2) hiện nay gồm có:

Sulfonylurea: Nhóm thuốc này có thể gây tăng cân, khi có tác dụng phụ, bệnh nhân phải nói với BS. Thuốc này phải uống trước bữa ăn khoảng 30 phút. Thuốc có thể gây hạ đường huyết khi uống quá liều hay bỏ bữa ăn, vì vậy nếu uống thuốc không đúng bữa thì đường huyết sẽ không kiểm soát được.

Biguanide: Nhóm thuốc này nói chung tốt, không gây tăng cân, ít gây hạ đường huyết, bên cạnh đó nó có tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa như là đầy hơi, khó chịu, đặc biệt là tiêu chảy cho nên thuốc này phải uống sau bữa ăn, vì đa số bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy nếu uống thuốc này trước bữa ăn.

Ức chế men alpha-glucosidase: Tác dụng phụ của thuốc là đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, nên phải uống khi ăn miếng đầu tiên.

Pioglitazone: Nhóm thuốc này thường dùng trong các trường hợp đặc biệt, tác dụng của nó là giúp giảm đề kháng insulin. BS sẽ theo dõi chức năng tim mạch và chức năng gan thận cho bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc.

Thuốc ức chế DPP-4: Đây là nhóm thuốc mới và có ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, giá thành của loại thuốc này còn cao.


Đối với ĐTĐ loại 1 (type 1) thì bắt buộc phải dùng insulin, có 2 nhóm insulin chính: Nhóm insulin nền: được chích vào một giờ cố định trong ngày; nhóm insulin hỗn hợp: bắt buộc phải tiêm theo bữa ăn.

Cách bảo quản insulin: Không để vào ngăn đá, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng, không để chỗ có nắng và không để vào cốp xe.

Những sai lầm trong dùng thuốc uống và insulin: Uống thuốc, tiêm insulin không theo bữa ăn; tiêm insulin sai cách; quên uống thuốc, quên tiêm thuốc; tự ý tăng, giảm liều thuốc, liều insulin.

Đến với buổi sinh hoạt lần thứ 5 này, các bệnh nhân cũng có nhiều câu hỏi nhờ BS Hồng Lan giải đáp.

Một bệnh nhân có thắc mắc thú vị: “Bệnh này tên là “đái tháo đường” hay “tiểu đường”, nhưng hầu hết chỉ thấy mọi người nói về đường huyết. Vậy giữa lượng đường tiểu ra và lượng đường trong máu có liên quan, tỉ lệ với nhau không? Nếu như lượng đường huyết xuống thì bệnh ĐTĐ có giảm không?”.

BS Hồng Lan trả lời: “ĐTĐ là cái tên của bệnh. Khi bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ thì chưa chắc đi tiểu sẽ ra đường tại vì lượng đường trong thận chưa đủ cao để thải ra ngoài.

Còn khi đã có đường trong nước tiểu thì khi đó thận đã không còn đảm bảo chức năng lọc nữa. Khi đó, điều trị ĐTĐ là giảm lượng đường trong máu dẫn đến giảm lượng đường trong nước tiểu”.

“Tôi bị tiểu đường nhưng tôi thích ăn bắp. Sáng dậy tôi thường ăn 2 trái bắp. Có ảnh hưởng gì không thưa BS?” - bà Trần Ngọc Hương hỏi về chế độ ăn của mình.

Với câu hỏi này, BS Lan giải đáp: “Trong bắp có chứa tinh bột tạo đường, nếu bác thích ăn bắp thì khi đó bác phải giảm khẩu phần cơm hoặc các loại tinh bột khác. 2 trái bắp tương đương với 2 chén cơm nhỏ. Đến bữa cơm bác chỉ nên ăn rau và đồ ăn. Tốt nhất là bác nên ăn 1 trái bắp thôi, rồi đến bữa cơm bác ăn 1 chén cơm với rau và đồ ăn”.


Một bệnh nhân khác hỏi về việc ngưng dùng thuốc: “Tôi bị tiểu đường và đã tự uống thuốc suốt 9 năm, nhưng vừa rồi lượng đường huyết tăng lên tôi không thể dìm xuống được. Tôi qua bệnh viện tiêm insulin và uống thuốc kết hợp tập thể dục đều đặn.

Giờ lượng đường huyết đã xuống bình thường, tôi có thể ngưng tiêm insulin và không uống thuốc nữa được không?”

BS Hồng Lan trả lời: “Bác tập thể dục thì sẽ giúp giảm bớt một phần lượng đường đào thải ra ngoài chứ không thể thay thế thuốc điều trị được. Hiện giờ lượng đường trong máu của bác đang ổn định là do được tiêm insulin và uống thuốc để hạ lượng đường trong máu.

Sử dụng thuốc như thế nào bác phải tuân thủ theo hướng dẫn của BS điều trị. Bác chưa hiểu hiết về căn bệnh tiểu đường nên không được tự ý ngưng thuốc hay tự ý sử dụng thuốc, và cũng không nên tập thể dục quá sức”.

Kết thúc chương trình BS Hồng Lan dặn dò bệnh nhân: “Để có thể sống khỏe mạnh với bệnh ĐTĐ, bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị, sử dụng thuốc đúng liều lượng và kiểm soát tốt chế độ ăn uống”.

Nguyễn Chúc

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080