Logo Bệnh viện Nhân dân 115
12/11/2017 10:34

Thoái hóa khớp tăng ở người trẻ

TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 
(TP.HCM), cho biết tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng số người trẻ tuổi khám và chữa các bệnh do thoái hóa khớp đang tăng nhiều so với trước.
TS.BS Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115

22 tuổi đã thay khớp

Anh N., 26 tuổi, quê Bình Định, đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng đau vùng háng, đi lại khó khăn dù đã dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ.

Anh N. được chẩn đoán bị thoái hóa chỏm xương đùi bên phải độ 2, phải khoan giảm áp, điều trị bảo tồn chứ chưa phẫu thuật vì còn quá trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài thì phải thay khớp.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Đình Phú cho biết bệnh viện từng thay khớp cho một nữ bệnh nhân mới 22 tuổi do thoái hóa khớp háng độ 3 ở cả hai bên, không đi lại được. Khi bệnh nhân đến bệnh viện thì hai khớp đã hư tổn hoàn toàn, buộc phải thay khớp nhân tạo.

Theo bác sĩ Phú, nhiều bệnh nhân chưa đến 30 tuổi bị thoái hóa khớp gối, khớp háng. Đa số người trẻ bị thoái hóa khớp khi vào bệnh viện thì bệnh đã nặng do chủ quan, khi có dấu hiệu đau thường tự mua thuốc giảm đau uống mà không đi thăm khám bác sĩ.

Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này ở người trẻ, nhưng theo bác sĩ Phú, nguyên nhân có thể do lạm dụng rượu bia, thuốc lá, tự ý sử dụng thuốc tây khi bị bệnh không có chỉ định của bác sĩ (đặc biệt thuốc có dexamethason), do thực phẩm không đảm bảo, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, do bệnh nội khoa kèm theo...

“Ban đầu sẽ có hiện tượng đau nhức, mỏi vùng khớp. Sau đó cơn đau có thể tự hết. Khi xuất hiện đau trở lại, bệnh nhân cảm thấy đau liên tục, mức độ tăng dần và không có thời gian tự phục hồi. Vùng khớp nóng và sưng lên.

Đến giai đoạn muộn, khớp hư nặng, sụn bị mòn, mọc gai xương, độ nhờn trong khớp hao hụt, người bệnh đi lại khó khăn. Nếu đi lại sẽ nghe lạo xạo. Nếu không được điều trị, giai đoạn nặng hơn là bị biến dạng khớp, đi lại khó khăn”, bác sĩ Phú chỉ ra triệu chứng của thoái hóa khớp.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết thêm một số người ở độ tuổi 25 các khớp bắt đầu thoái hóa. Tùy vào cơ thể mỗi người, quá trình đó diễn ra sớm hay muộn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn như môi trường độc hại, không khí bị ô nhiễm, do làm việc quá sức, ăn uống không đủ chất, chơi thể thao không phù hợp...

Cần vận động hợp lý

Bác sĩ Nguyễn Quang Huy, trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn không theo kịp việc lớp sụn ở khớp bị mất đi theo thời gian. Về lâu dài, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương dần bị mỏng đi và hư tổn, gây đau nhức, hạn chế vận động, bệnh nhân thậm chí có thể bị tàn phế.


ThS.BS Nguyễn Quang Huy - Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115

Theo bác sĩ Huy, thoái hóa khớp ở người trẻ thường do người bệnh giữ một tư thế, hành động lặp đi lặp lại, mang vác nặng, chấn thương khớp, thiếu hoạt động thể dục thể thao hoặc vận động thể thao quá mức... Hầu hết các khớp đều có thể thoái hóa nhưng thường phổ biến tại các chi và cột sống. Trong đó thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì khớp này luôn chịu căng để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển. Người thừa cân, béo phì dễ bị đau khớp gối. Một số chấn thương, va đập có thể gây tổn thương khớp gối, đau khớp. Thiếu vitamin D, canxi có thể gây bệnh về khớp.

Bác sĩ Huy khuyến cáo mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, có bổ sung canxi, vitamin..., duy trì trọng lượng cơ thể ở mức thích hợp, siêng năng vận động, luyện tập vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng, tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh giúp giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động. Ngoài ra, cần giữ cơ thể luôn thẳng, sẽ bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối.

Bên cạnh đó, để tránh thoái hóa khớp sớm, bác sĩ Nam Anh khuyên phụ huynh nên cho trẻ chơi thể thao sớm, liên tục và đều đặn ngay khi còn nhỏ. Mỗi ngày chơi 30-60 phút. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn một môn chơi thích hợp, cường độ chơi... để tránh bị thoái hóa khớp, gân cơ.

Với người lớn tuổi, việc chọn môn chơi sẽ phức tạp hơn vì phụ thuộc vào tình trạng khớp hay gân nào đã có nguy cơ bị thoái hóa. Nếu bị các triệu chứng sớm của thoái hóa khớp gối như đau trong lúc vận động mạnh thì không nên chơi đá banh, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền...

Nếu khớp vai bị đau thì không nên chơi các môn sử dụng tay quá đầu nhiều như quần vợt, cầu lông, bơi lội, bóng bàn. Người bị thoái hóa khớp không nên đi giày cao gót, giày có đế cứng và cao mà nên sử dụng các loại giày có đế thấp. Khi có dấu hiệu đau, cần đi khám sớm.

Giảm cân nặng, giảm nguy cơ thoái hóa khớp

TS.BS Nguyễn Đình Khoa, trưởng khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thoái hóa khớp là một bệnh lý rất thường gặp và thông thường, tuổi thoái hóa khớp điển hình là từ 40 - 50 tuổi trở lên, song hiện nay những người trẻ bị thoái hóa khớp cũng tương đối nhiều.

Vài năm gần đây, tổng số bệnh nhân đến khám tại phòng khám cơ xương khớp của bệnh viện khoảng 70.000 - 80.000 lượt người mỗi năm, trong khi 4-5 năm trước đó chỉ có khoảng 40.000 - 50.000 người. Những người dưới 40 tuổi khám về cơ xương khớp chiếm ít nhất khoảng 30%.

Theo bác sĩ Khoa, phụ nữ có nguy cơ thoái hóa khớp cao hơn nam giới. Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thoái hóa khớp sớm.

Vì vậy để phòng bệnh thoái hóa khớp, người trẻ nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Ước tính người trẻ bị thừa cân nếu giảm được 5kg cân nặng thì sẽ giảm được khoảng 50% nguy cơ thoái hóa khớp về sau.

Theo Báo Tuổi trẻ, ngày 22/6/2016
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080