Logo Bệnh viện Nhân dân 115
09/07/2014 10:16

Thiếu máu não - Chủ quan là chết!

Thiếu máu não đang có chiều hướng gia tăng ở người lớn tuổi, thậm chí kể cả người trẻ tuổi.
Đây được xem là bệnh lý “tiền” đột quỵ, dễ gây tai biến và tử vong. Tuy nhiên, đa số người bệnh vẫn chủ quan vì biểu hiện bệnh không rõ ràng và thường có dấu hiệu thoáng qua rồi biến mất.

Choáng một cái rồi hết

Vừa bước ra khỏi phòng khám của Bệnh viện Nhân dân 115, ông Phạm Văn H. (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) phải đứng tựa vào vách tường nghỉ chân. “Mới 50 tuổi mà tôi lọm khọm thế này đây. Bữa giờ hay chóng mặt, xây xẩm mà không hiểu sao. Nay đi khám bác sĩ mới chẩn bệnh”, ông H. nói. Kết quả chụp cắt lớp não cho thấy ông H. có dấu hiệu thiếu máu não cục bộ, nguy cơ tắc mạch máu não. Theo bệnh sử, từ 3 tháng qua, bệnh nhân H. thỉnh thoảng bị choáng thoáng qua vài giây, cũng đôi lần cả chục phút rồi hết.

Tuy nhiên, bác sĩ điều trị kết luận đó là biểu hiện của tình trạng thiếu máu não. BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết những trường hợp như ông H. khá phổ biến, bởi vì não tiêu thụ đến 20% dưỡng khí toàn cơ thể, não rất nhạy với tình trạng thiếu oxy. Nếu không được máu cung cấp dưỡng khí trong 3 - 4 phút, các tế bào thần kinh bị hủy hoại không phục hồi lại được. Vì thế, thiếu máu não nhẹ thoáng qua sẽ nhức đầu, hoa mắt, xây xẩm chóng mặt, đi đứng không vững...

Do tình trạng thiếu máu não chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, khả năng vận động của cơ thể có thể sớm trở lại bình thường, nên bệnh nhân rất dễ bỏ qua hoặc tin rằng không có vấn đề gì quan trọng. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm bởi đó là nguyên nhân tiềm ẩn gây thiếu máu não đang tồn tại. Theo các chuyên gia thần kinh, tác nhân trực tiếp gây nên cơn thiếu máu não là do mảng xơ vữa hay cục máu đông làm hẹp, co thắt hoặc tắc nghẽn một mạch máu ở não. Do các triệu chứng tai biến thiếu máu não thoáng qua chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nên bệnh nhân thường không để ý và chủ quan không đi khám bệnh.

Theo BS Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong vòng 10 giây nếu không được tiếp máu, mô não bắt đầu có những rối loạn. Nếu thiếu máu não kéo dài vài phút, thương tổn thần kinh lập tức xảy ra... BS Miên cho biết rất thường gặp tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu não, nhất là ở đối tượng từ 60 tuổi trở lên. Nhưng những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều trường hợp bị thiếu máu não chỉ ở tuổi 35, thậm chí còn trẻ hơn.

Theo các chuyên gia thần kinh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu não, trong đó hai nguyên nhân chủ yếu là xơ vữa thành mạch máu và thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa não. “Gốc tự do gây hại lên thành mạch bằng cách gây tổn thương cấu trúc tế bào thành mạch, dẫn đến sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa và cục huyết khối làm mạch máu nuôi dưỡng não bị chèn ép, tắc, hẹp…” - BS Miên cho biết.

Dấu hiệu đột quỵ

Đầu tháng 10 vừa qua, bệnh nhân Nguyễn Xuân K. (45 tuổi, ngụ TPHCM) được cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn bên phải, mất tri giác và ngôn ngữ. Qua xét nghiệm, chụp MRI, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não cấp, khiến cục máu đông làm tắc động mạch não… Không những vậy, qua điều tra bệnh sử cho thấy bệnh nhân bị cao huyết áp, từng bị chứng thiếu máu não.

Theo BS Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị thần kinh - mạch máu não của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những trường hợp như ông K. khá phổ biến và nguy cơ tử vong rất cao. Theo BS Cường, mỗi tháng bệnh viện can thiệp gần cả trăm trường hợp tai biến mạch máu não (đột quỵ), trong đó không ít trường hợp có tiền sử thiếu máu não.

Theo các chuyên gia, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu não sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ não, tim và tăng tỷ lệ tử vong. Biểu hiện của thiếu máu não thường đau đầu kéo dài (triệu chứng xuất hiện sớm nhất và hay gặp nhất trong thiếu máu não), người bệnh có cảm giác đầu nặng khi di chuyển hoặc suy nghĩ nhiều; tiếp đến hoa mắt, chóng mặt, ù tai; mất ngủ; suy giảm trí nhớ; nhức mỏi chân tay (người bệnh có cảm giác tê bì ở đầu ngón, cảm giác kiến bò); yếu tay chân...

Về yếu tố nguy cơ dẫn đến thiếu máu não, theo Hội Đột quỵ Việt Nam, tuổi tác là yếu tố quan trọng, thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là người lao động trí óc với cường độ cao. Tiếp đến thường gặp ở người có bệnh lý về hệ tim mạch (cao huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, hút thuốc, lười vận động, béo phì, stress, bia rượu…).

Xác định gốc tự do là nguồn gốc gây nên những cơn thiếu máu não, các chuyên gia khuyến cáo cần quan tâm, ngăn chặn và giảm thiểu các nguồn sinh gốc tự do như: căng thẳng tâm lý (stress), thiếu dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, rượu bia, khói thuốc lá, chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm phóng xạ...

Theo BS Trần Chí Cường, chưa có phương pháp điều trị nào có thể làm đảo ngược hoàn toàn quá trình thoái hóa thần kinh nhưng nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định các chất chống oxy hóa từ thảo dược thiên nhiên giúp bảo vệ và ngăn ngừa các tác hại của gốc tự do. Đồng thời, cần cải thiện môi trường sống, xây dựng đời sống tinh thần lạc quan, sinh hoạt điều độ, dinh dưỡng hợp lý và vận động đúng cách.

Theo BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115: "Khoảng 1/3 các trường hợp đột quỵ xuất hiện sau một hoặc nhiều cơn “đột quỵ nhẹ”, hay còn gọi các cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua có thể xảy ra nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng trước khi bệnh nhân bị đột quỵ thật sự".


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080