Logo Bệnh viện Nhân dân 115
04/03/2018 19:31

Tăng huyết áp nguy hiểm thế nào nếu không điều trị?

Huyết áp là gì? Vì sao tăng huyết áp? Những ai dễ bị tăng huyết áp? Điều trị như thế nào?... Đã được BS.CK1 Nguyễn Thị Kim Chi giải đáp trong buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân khoa Tim mạch tổng quát tại Bệnh viện Nhân Dân 115, chiều 1/3.

Huyết áp là lực của dòng máu tác động lên thành động mạch, gồm có huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu, khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg thì được gọi là tăng huyết áp (THA).

Vì sao tăng huyết áp lại nguy hiểm? BS Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, THA nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể như não, gây tai biến mạch máu não có thể dẫn đến xuất huyết não, THA có thể gây biến chứng thận, nếu không điều trị kịp thời thì sẽ gây suy thận, THA gây vỡ các mạch máu trong mắt dẫn đến mù mắt vĩnh viễn, THA cũng là một trong những nguyên nhân dẫ đến nhồi máu cơ tim và suy tim xung huyết.


Có nhiều nguyên nhân gây THA như: một số trường hợp bị bệnh lý bẩm sinh; đường kính động mạch bị hẹp; tim đập quá nhanh và quá mạnh so với bình thường; do dùng thuốc không đúng cách hoặc THA không rõ nguyên nhân.

Đối tượng dễ bị THA: người châu Phi, người châu Mỹ dễ bị THA hơn người châu Á, người lớn tuổi, béo phì, người có tiền căng gia đình bị THA, người có khuynh hướng huyết áp cao hơn bình thường.

Làm thế nào để phát hiện THA: sử dụng dụng cụ đo huyết áp, xác định THA khi huyết áp ≥ 140/90 mmHg trong 2 hay nhiều lần đo trong 1 ngày.

BS Nguyễn Thị Kim Chi đưa ra một số lưu ý để khi kiểm tra sẽ cho chỉ số huyết áp chính xác: Không uống cà phê hay hút thuốc lá trước khi đo huyết áp 30 phút, ngồi ở tư thế thư giãn trong vòng 5 phút trước khi đo huyết áp, đặt tay (nên đo tay trái) lên bàn để vị trí đo huyết áp sẽ ngang với tim, mặc áo ngắn tay để đo huyết áp dễ dàng.


Theo BS Kim Chi, vấn đề mà người bị THA quan tâm nhất đó là điều trị THA.

Một số nguyên tắc quan trọng khi sử dụng thuốc THA đó là: người bệnh phải tuân thủ điều trị và uống thuốc thật đều đặn, không được nghỉ thuốc, không tự động ngưng thuốc đột ngột vì có thể gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát nguy hiểm, có thể dẫn đến các biến chứng về tim, não, mắt.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, khi phát hiện THA thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn nên dùng loại thuốc nào để phù hợp, không được tự động mua thuốc hạ huyết áp về uống.

Không được giảm liều hoặc tự động đổi sang loại thuốc khác để uống, trước khi giảm liều hoặc đổi thuốc phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người bị THA phải nhớ tên thuốc đang sử dụng, báo cho bác sĩ thuốc đang uống hoặc uống trước đó, uống thuốc có kế hoạch, đúng giờ, mỗi ngày, nếu quên uống thuốc thì phải uống thuốc sớm nhất có thể và không được uống liều gấp đôi, nên mang theo thuốc và đơn thuốc nếu phải đi xa.


Tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị THA: đi tiểu nhiều, khát nước, chóng mặt, nhức đầu, chậm nhịp tim, rối loại tiêu hoá, thận trọng khi có bệnh về đường hô hấp, bệnh hen suyễn, một số thuốc có thể làm tăng thêm tình trạng bệnh (thuốc chẹn beta), một số thuốc có thể gây mất ngủ, tăng kali máu, hạ kali máu, phù, đỏ bừng mặt (thuốc chẹn canxi), phù mạch…

Kết thúc bài chia sẻ, BS Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, điều trị THA luôn bắt đầu bằng cách thay đổi lối sống (sống lành mạnh, hạn chế ăn muối và đường, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, loại bỏ căng thẳng lo âu khỏi cuộc sống, ăn uống khoa học) trước khi phải dùng đến thuốc.

Khoa Tim mạch tổng quát - Bệnh viện Nhân Dân 115
527 Sư Vạn Hạnh hoặc 88 Thành Thái,  P.12, Q.10, TP.HCM

Khu B - Tầng 1
ĐT: 028. 3863 2971
Website: www.ntmtq.benhvien115.com.vn


Nguyễn Chúc
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080