Logo Bệnh viện Nhân dân 115
27/11/2017 17:43

Tại sao HP âm tính nhưng vẫn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, trưởng khoa Nội tiêu hóa giải đáp các câu hỏi: HP âm tính nhưng vẫn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày, đang bị trào ngược dạ dày thực quản thì có bị đau dạ dày không, vi trùng HP tái nhiễm thế nào?...
Ngày 25/11, tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115, bác sĩ trưởng khoa TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng đã có buổi chia sẻ với bệnh nhân: thế nào là bệnh dạ dày, biểu hiện, các nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh dạ dày.

Buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 diễn ra vào chiều 25/11

Trong buổi sinh hoạt, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết: “Tỉ lệ bệnh lý dạ dày ở người trên 40 tuổi và những người trung niên trên khoảng trên 10% dân số, người ở mức độ nhẹ có thể điều trị tại nhà, mức độ nặng thì phải nhập viện và có cả một số trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.

Một số nguyên nhân gây nên bệnh dạ dày:

- Vi trùng HP: có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường ăn uống.

- Sử dụng thuốc khám viêm, thuốc giảm đau không theo chỉ định của BS.

- Một số nguyên nhân bên ngoài như: stress, sử dụng rượu bia, thuốc lá…

- Một số bệnh lý do sự phát triển của xã hội như: béo phì, đái tháo đường, bệnh lý về rối loạn mỡ máu dẫn đến tình trạng người bệnh quá cân, quá sức cũng là một yếu tố thuận lợi gây nên tình trạng bệnh lý dạ dày.

- Thói quen ăn uống không điều độ như: bỏ bữa, nhịn ăn, khi đói ăn quá nhiều, ăn khuya…

Theo BS Phượng, để chẩn đoán bệnh dạ dày, ngoài việc dựa vào các biểu hiện: ợ chua, mệt mỏi, kém ăn, chóng mặt, ù tai, nhức đầu,… thì có thể sử dụng phương pháp nội soi và chụp Xquang.

Hiện nay, kỹ thuật nội soi có nhiều tiến bộ nên phương pháp nội soi được sử dụng rộng rãi hơn. Chụp Xquang chỉ dùng cho những trường hợp chống chỉ định nội soi.


Để biết rõ hơn về tình trạng bệnh cũng như các triệu chứng của mình, nhiều bệnh nhân đã đưa ra những câu hỏi để được BS Phượng tư vấn:

“Trước kia tôi bị nhiễm vi trùng HP tôi đã đi khám và được uống thuốc, khi làm xét nghiệm lại thì có kết quả âm tính, nhưng bây giờ tôi có một số triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, chảy nước dãi. Như vậy thì tôi có bị viêm dạ dày không?” - một bệnh nhân thắc mắc.

Với câu hỏi này BS Phượng trả lời: Khoảng 70% dân số nhiễm vi trùng HP trong dạ dày và vi trùng HP có thể gây tổn thương loét, tổn thương viêm, nhưng không phải tất cả người nhiễm HP đều bị viêm dạ dày.

Vi trùng HP có thể nhiễm lại thông qua ăn uống, dùng chung đũa muỗng… do đó, nên đưa cả gia đình đi tầm soát HP và điều trị.

HP không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên bệnh dạ dày, nhưng khi có một số triệu chứng như đau đầu, nóng, sốt, buồn nôn,… thì dạ dày đã bị tổn thương và cần tiến hành điều trị.

Câu hỏi tiếp theo của một bệnh nhân khác: đang bị trào ngược dạ dày thực quản thì có bị đau dạ dày không?

Theo BS. Phượng, khi bị trào ngược dạ dày thực quản thì có nghĩa dạ dày đã bị tổn thương và cần phải điều trị, thời gian điều trị bệnh kéo dài ít nhất 8 tuần.

Một câu hỏi khác: tại sao không có vi trùng HP nhưng lại có nguy cơ bị ung thư dạ dày?

BS Phượng: Vi trùng HP chỉ là một trong những nguyên nhân, bên cạnh đó còn có rất nhiều nguyên nhân khác như là chất độc, rượu bia, thuốc lá có thể làm tổn thương dạ dày và gây nên ung thư dạ dày.

Sau khi phát hiện bệnh phải tiến hành điều trị, chứ để đến khi bị ung thư dạ dày thì điều trị kém hiệu quả.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng tận tình tư vấn cho bệnh nhân

Khép lại buổi sinh hoạt, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng khuyên các bệnh nhân: cần phải hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, tránh ăn các đồ ăn quá cay, quá nóng và đặc biệt không ăn nhiều chất béo, món chiên xào.

Bên cạnh đó, khi cơ thể có các triệu chứng của bệnh dạ dày, nên đi khám bệnh sớm và việc quan trọng là sau khi chẩn đoán cần phải điều trị ngay tức thời, để tránh biến chứng xấu hơn của bệnh.

Nguyễn Chúc

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080