Logo Bệnh viện Nhân dân 115
17/06/2017 11:16

Rối loạn lipid máu

Rối loạn Lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ tim mạch này có thể thay đổi được.
Rối loạn Lipid máu là tình trạng tăng Cholesterol, Triglycerid huyết tương hoặc cả hai, hoặc giảm nồng độ Lipoprotein phân tử lượng cao (HDL_C), hoặc tăng nồng độ Lipoprotein phân tử lượng thấp (LDL_C) làm tăng quá trình xơ vữa động mạch.

I. Nguyên nhân:

Nguyên nhân rối loạn Lipid máu có thể là tiên phát (do di truyền) hoặc là thứ phát. Chẩn đoán bằng xét nghiệm Cholesterol_T. TG_HDL_C và LDL_C. Điều trị bằng thay đổi lối sống và sử dụng các thuốc hạ Lipid máu. Điều trị nguyên nhân rối loạn Lipid máu thứ phát.

II. Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thành phần Lipid máu: Cholesterol TP (TC), T.G, HDL_C và LDL_C. Bảng 1 giúp chẩn đoán và đánh giá mức độ Lipid máu theo NCEP_ATP III (2001)


Xét nghiệm Lipoprotein lúc đói (mg%)

Cholesterol total (mg%)

< 200  

Bình thường

200 - 239        

Giới hạn cao

≥ 240  

Cao

HDL Cholesterol (HDL_C)

< 40    

Thấp

≥ 60    

Cao

LDL Cholesterol (LDL_C)

<100   

Tối ưu

100 - 129        

Gần tối ưu

130 - 159        

Giới hạn cao

160 - 189        

Cao

≥ 190  

Rất cao

Triglycerid

< 150  

Bình thường

150 - 199        

Giới hạn cao

200 - 499        

Cao

≥500   

Rất cao

Bảng 1: Đánh giá mức độ Lipid máu theo NCEP_ATP III

Những ai nên được tầm soát Cholesterol máu?

Theo NCEP khuyến cáo:

- Tất cả những người trường thành từ 20 tuổi đến 40 tuổi nên được xét nghiệm Bilan Lipid lúc đói mỗi 5 năm.

- Đối với những người trên 40 tuổi, nên xét nghiệm Bilan Lipid máu định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện và xử lý kịp thời rối loạn Lipid máu.

- Đối với những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành,… thì có thể xét nghiệm sớm hơn và nhiều lần hơn tùy từng trường hợp.

III. Điều trị:

Đứng trước một người bị rối loạn Lipid máu, người thầy thuốc cần phải thực hiện các bước phân tích, đánh giá và xử trí thích hợp:

- Trước hết là xác định nguyên nhân gây ra Lipid máu

+ Nguyên nhân tiên phát: do đột biến gen, có tính chất gia đình,…

+ Nguyên nhân thứ phát: lối sống ít vận động, ăn nhiều chất béo bão hòa, đái tháo đường, suy giáp, bệnh thận mạn/hội chứng thận hư, do dùng thuốc (Progestin, Corticosteroid…).

- Thứ hai là đánh giá nguy cơ tim mạch đi kèm:

+ Bệnh lí động mạch vành (ĐMV).

+ Các yếu tố nguy cơ tương đương bệnh mạch vành (đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại biên, phình động mạch chủ bụng, bệnh động mạch cảnh, nguy cơ bệnh ĐMV > 20% theo thang điểm Prammingham).

+ Hút thuốc lá.

+ Tăng huyết áp.

+ Nồng độ HDL_C thấp.

+ Gia đình có người mắc bệnh mạch vành sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi).

- Thứ ba là xác định nồng độ LDL_C là mục tiêu điều trị.

+ Những bệnh nhân có nguy cơ cao (bệnh mạch vành và tương đương bệnh mạch vành).

Mục tiêu điều trị: LDL_C < 100mg%.

+ Những bệnh nhân có nguy cơ rất cao: là những bệnh nhân mắc bệnh ĐMV kèm theo:

- Đa yếu tố nguy cơ (đặc biệt là đái tháo đường).

- Đa yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa (TG>200mg%, HDL < 40mg%).

- Bệnh nhân đang bị hội chứng ĐMV cấp.

Mục tiêu điều trị: LDL_C < 70mg%.

+ Đối với bệnh nhân tăng Triglycerid (TG), xử trí theo bảng 2 dưới đây:

Tăng TG

Thái độ xử trí

Giới hạn cao (150 - 199mg%)

Mục tiêu điều trị chính vẫn là giảm LDL_C, giảm cân nặng và tăng cường hoạt động thể lực

Cao (200 - 499mg%)  

Điều trị làm giảm LDL_C bằng Statin hoặc thêm Nicotinic acid hoặc thêm Fenofibrat một cách thận trọng

Rất cao (≥500mg%)   

Cần điều trị giảm nhanh TG để tránh viêm tụy cấp. Sau khi TG < 500mg%, mục tiêu chính lại là LDL_C

Bảng 2: Thái dộ xử trí khi có rối loạn lipid máu

IV. Điều trị cụ thể:

- Đối với bệnh nhân rối loạn Lipid máu dù tăng LDL_C hay TG thì biện pháp điều trị đầu tiên là điều chỉnh lối sống: tăng cường vận động thể lực, chế độ ăn giảm béo, hạn chế ăn các phủ tạng động vật, ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ, ăn cá…

- Dùng thuốc:

+ Đối với bệnh nhân có LDL_C cao có thể dùng một trong những Statin sau:

Simvastatin 10mg/ngày

Atovastatin 10mg/ngày

Fluvastatin 20mg/ngày

Rosuvastatin 5 - 10 mg/ngày

+ Đối với những bệnh nhân vừa tăng LDL_C và Triglycerid: Nếu TG rất cao (>500mg%) nên bắt đầu bằng Fribat để tránh biến chứng

Genfribrozil (Lopid) 300mg/ngày

Fenofibrat (Lipanthyl 200 - 300mg/ngày)

Khi TG giảm <500mg% thì cho bệnh nhân dùng Statin. Nên bắt đầu bằng liều thấp. Nếu sau 4 - 6 tuần điều trị mà LDL_C hoặc TG không đạt mục tiêu thì tăng liều gấp đôi Statin hoặc Fibrat và xét nghiệm lại sau 4 - 6 tuần.

V. Theo dõi bệnh nhân trước và trong khi dùng thuốc:

- Trước khi quyết định dùng thuốc phải xét nghiệm cơ bản cho bệnh nhân. Trong đó lưu ý phải xét nghiệm Creatinin, AST, ALT, CK. Nếu có bất thường thì phải xác định nguyên nhân, và khi xét thấy nếu dùng các thuốc điều trị rối loạn Lipid máu không làm tổn hại đến bệnh nhân thì mới được dùng. Sau 4 - 6 tuần điều trị, cần làm lại xét nghiệm Creatrain, AST, ALT, CK. Nếu kết quả bình thường thì sẽ kiểm tra lại sau 8 - 12 tuần.

- Nếu AST, ALT tăng gấp 3 lần bình thường thì ngưng các thuốc hạ Lipid máu. Khi kết quả xét nghiệm trở về bình thường, có thể cho dùng lại thuốc nhưng phải chọn cho bệnh nhân một nhóm thuốc khác.

- Khi đã đạt LDL_C mục tiêu, bệnh nhân vẫn phải được điều trị duy trì kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc.

- Điều trị rối loạn Lipid máu do các nguyên nhân thứ phát:

+ Điều trị rối loạn Lipid máu ở bệnh nhân suy thận/hội chứng thận hư, hay mắc bệnh gan thận mạn tính cần phối hợp điều trị nguyên nhân và điều trị rối loạn Lipid máu.

+ Rối loạn Lipid máu ở bệnh nhên suy giáp cần được điều trị bằng hóc môn giáp. Giảm liều hoặc ngưng thuốc hạ Lipid máu khi các yếu tố bệnh sinh được giải quyết.


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080