Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/04/2018 14:59

Phụ nữ mang thai uống cà phê trộn pin có thể sinh con dị tật

Phụ nữ uống phải cà phê pha pin có thể ảnh hưởng đến các hóc-môn sinh dục, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai sẽ có thể gây đến nguy cơ sinh ra những em bé không hoàn chỉnh.
Có thể dẫn đến tử vong
 
Liên quan đến vụ việc các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Nông mới đây bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của gia đình bà Nguyễn Thị Loan đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) dùng pin con ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột bán ra thị trường. TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân dân 115 cho biết, rất bàng hoàng khi nghe thông tin này bởi việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.
 
BS Phượng cho biết, trong thành phần của pin có nhiều chất độc, ngoài mangan còn có một số chất khác như chì, thủy ngân…Trong đó, mangan là một kim loại bình thường có thể có trong cơ thể người nhưng với hàm lượng rất rất thấp được gọi là vi lượng. Tuy nhiên, khi hàm lượng mangan trong cơ thể cao lên thì có thể gây một số nguy hại cho cơ thể , đặc biệt là tới hệ thống thần kinh.
 
TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân dân 115

“Đối với những bệnh nhân mà nhiễm độc mangan có biểu hiện rối loạn tri giác, có tình trạng giống parkinson - bệnh lý gây tình trạng rung ở người bệnh, ảnh hưởng đến trí nhớ. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như gan, đường tiêu hóa, thận…”, BS Phượng nói.
 
Theo BS Phượng, ngoài mangan thì thủy ngân một chất đặc biệt nguy hiểm. Con người chỉ cần tiếp xúc một lượng rất nhỏ thủy ngân là có thể gây tử vong.  “Những người thích uống cà phê, uống nhiều ly cà phê mà không may bị trộn lẫn pin trong ngày thì rất nguy hiểm. Thủy ngân gây độc cho cơ thể và có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, chì thì ảnh hưởng đến gan, thận”, BS Phượng cho hay.
 
Trưởng khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân dân 115 lý giải thêm rằng, khi một người bị ngộ độc thì có thể biểu hiện ngộ độc cấp hoặc mãn tĩnh.  Trong trường hợp tiếp xúc một lượng quá lớn, quá nhiều các chất như mangan, thủy ngân, chì… thì có thể gây trường hợp ngộ độc cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong vì tình trạng rối loạn tri giác, suy gan, thận, suy đa cơ quan…. Còn ngộ độc mãn tĩnh thì sẽ dần dẫn đến tổn thương các cơ quan, tế bào và thậm chí gây nên tình trạng ung thư hóa.
 
Đặc biệt, BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết, đối với phụ nữ khi sử dụng cà phê có trộn pin có thể làm ảnh hưởng đến các hóc-môn sinh dục, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Trong trường hợp phụ nữ có thai thì có thể gây đến nguy cơ sinh ra những em bé không hoàn chỉnh.
 
Ngoài ra, đối với những người có sức đề kháng kém, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh như người già, trẻ nhỏ thì khi sử dụng cà phê có trộn pin cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhanh, nặng. Trong trường hợp trẻ em không may bị ngộ độc, dẫn đến suy gan, suy thận quá sớm thì chức năng của các cơ quan khó hồi phục.
 
Người chế biến cũng bị ảnh hưởng
 
Theo BS Phượng, vụ việc cà phê được trộn lẫn pin không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe đến người tiêu dùng mà những người chế biến, trộn lẫn cà phê với pin cũng sẽ bị ảnh hưởng.
 
“Khi một người thực hiện pha cà phê với lõi pin thì họ trực tiếp tiếp xúc với các loại kim nặng có trong pin. Tình trạng ngộ độc không chỉ qua đường tiêu hóa mà còn qua da, hô hấp… Chính những người chế biến là những người chịu ảnh hưởng sớm nhất, nhiều nhất”, BS Phượng nói.
 
Trưởng khoa Nội tiêu hóa - BV Nhân dân 115 cho rằng, bất cứ người tiêu dùng nào cũng muốn lựa chọn những sản phẩm sạch, tốt, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, họ lại thực sự không biết được những sản phẩm nào sạch giữa ‘ma trận’ thực phẩm hiện nay. Do vậy quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải quản lý thật chặt để thực phẩm bẩn không có cơ hội lưu thông trên thị trường.
 
Tuy nhiên, người tiêu dùng nên sử dụng những sản phẩm có uy tín, được các cơ quan chức năng chứng nhận, không sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đừng vì ham giá rẻ, vị lạ, ngon mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng của mình.
 
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở cà phê "bẩn"
 
Trước đó, vào ngày 16/4, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Nông bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của gia đình bà Nguyễn Thị Loan đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đang sản xuất cà phê “bẩn”.
 
Lực lượng chức năng ghi nhận có có hàng chục tấn cà phê "bẩn" đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Cơ quan công an cũng thu giữ 2 chậu chứa bột đen lấy từ pin con ó (khoảng 35kg), 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan.  Chủ cơ sở cũng đã nhuộm đen 12 tấn "cà phê bột" từ chất đen lấy từ bột pin Con Ó, chuẩn bị đóng gói đưa đi tiêu thụ.
 
Bước đầu, bà Loan khai nhận cơ sở sản xuất cà phê này đã hoạt động nhiều năm nay. Nguồn nguyên liệu là các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… được bà Loan thu mua tại các đại lý.  Sau đó bà Loan dùng chất bột màu đen trong viên pin hòa với nước rồi đem nhuộm với các nguyên liệu thu mua về.
 
Từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà đã xuất ra thị trường hơn 3 tấn cà phê "bẩn". Các sản phẩm được đóng gói từ cơ sở bà Loan được xuất bán đi nhiều nơi nhưng không có gắn nhãn hiệu.Hiện cơ quan công an đang tiến hành củng cố hồ sơ để xử lý các hành vi vi phạm của cơ sở này

Theo Đông Quân

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080