Logo Bệnh viện Nhân dân 115
08/10/2017 07:33

Phòng ngừa và phát hiện bệnh thận mạn

Đây là những kiến thức được BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội Thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân dân 115 chia sẻ với các bệnh nhân thận mạn đang điều trị tại bệnh viện.

Thận đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm các nhiệm vụ: Điều hòa dịch cơ thể; Cân bằng khoáng chất; Giảm nội tiết để điều hòa huyết áp; Kiểm soát tạo hồng cầu; Hoạt hóa vitamin D cho xương chắc khỏe; Giúp cơ thể đi tiểu, loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể...

Bệnh thận mạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do giảm chức năng thận, bệnh nhân ở giai đoạn 4 sẽ có tỷ lệ tử vong là 46%. Bên cạnh đó, bệnh thận còn gây thiệt hại về mặt kinh tế cho gia đình và xã hội, bởi vì bản thân người mắc bệnh thận mạn sẽ mất sức lao động và tốn chi phí cho việc chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và lọc máu. Vì vậy dự phòng bệnh tăng huyết áp, tiểu đường sẽ góp phần vào dự phòng ngừa bệnh thận mạn tính.

Nguyên nhân do đâu?

Ngoài nguyên nhân bẩm sinh thì có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận mạn tính như: Chế độ ăn nhiều muối, đường, protid, lipid, ít vận động… Hoặc một số bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu, nhiễm khuẩn đường niệu, bệnh về mạch máu, bệnh tim, viêm cầu thận, hồng cầu hình liềm, béo phì… Cũng là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý về thận.

Các triệu chứng của bệnh?

Hầu hết mọi người có thể không có bất kỳ triệu chứng gì nghiêm trọng cho đến khi bệnh thận của họ đã tiến triển nặng. Tuy nhiên, bạn có thể để ý đến những triệu chứng sau:

+ Cảm thấy mệt mỏi hơn và có ít năng lượng;

+ Khó tập trung;

+ Ăn không ngon miệng;

+ Khó ngủ;

+ Bị chuột rút vào ban đêm;

+ Bàn chân và mắt cá chân bị sưng;

+ Xuất hiện bọng mắt, đặc biệt là vào buổi sáng;

+ Bị khô, ngứa da;

+ Cần đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm.

Hậu quả của suy thận?

Khi đã có suy thận nặng tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng, dẫn đến việc có thể kéo theo các bệnh như: Bệnh lý tim mạch; suy tim và đột quỵ; tăng huyết áp; loãng xương; thiếu máu; tổn thương thần kinh và biến chứng tử vong...

Ngoài ra, xét về mặt kinh tế sẽ gây thiệt hại kinh tế cho gia đình và xã hội. Đa số, người bệnh đang độ tuổi đi làm lại trở thành người mất sức lao động.

Tại Việt Nam chi phí hằng tháng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc khoảng 8-10 triệu đồng. Chi phí ghép thận cũng lên đến vài trăm triệu đồng.

BS.CK2 Tạ Phương Dung đang khám bệnh cho bệnh nhân suy thận mạn tại khoa Nội thận - Miễn dịch ghép

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân thận mạn

Chế độ ăn uống của người bệnh thận đóng vai trò quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh thận.

Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với từng giai đoạn bệnh và với từng thể trạng sẽ giúp bệnh nhân suy thận mạn: Phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng; Phòng ngừa các rối loạn, biến chứng tăng ure máu (buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, xuất huyết tiêu hóa...), tăng kali hay phospho trong máu; Làm chậm diễn tiến bệnh thận để trì hoãn phải điều trị thay thế thận hoặc chạy thận nhân tạo.

Xem thêm: Bệnh nhân suy thận: Nắm rõ chế độ dinh dưỡng quyết định yếu tố sống còn

Làm gì để phòng tránh bệnh thận mạn?

- Giữ cơ thể khỏe mạnh và năng động: Giữ cơ thể khỏe mạnh giúp làm giảm huyết áp và do đó khiến ta ít nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Hãy tham gia bất kì hoạt động thể chất nào mà ta ưa thích như đi bộ, đạo xe, bơi lội... để duy trì sự năng động của cơ thể, giúp phòng tránh bệnh tật nói chúng và bệnh thận nói riêng.

- Uống đủ nước mỗi ngày: Mỗi ngày, cơ thể cần đến 1,5 - 2 lít nước. Uống nhiều nước giúp thận thải trừ natri, urê và các chất độc khỏi cơ thể, làm giảm đáng kể nguy cơ phát bệnh thận mạn tính.

- Không tự dùng thuốc điều trị: Một số thuốc gây tổn thương thận hoặc bệnh thận nếu dùng thường xuyên. Cần thông báo với bác sĩ về tình trạng thận của mình, và luôn tuân thủ điều trị theo toa của bác sĩ.

- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm lượng máu tới thận chị chậm lại. Khi ít máu đến thận sẽ làm giả khả năng hoạt động của thận. Hút thuốc cũng làm tăng khoảng 50% nguy cơ ung thư thận.

- Thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu: Cần kiểm soát lượng đường trong máu và thường xuyên kiểm tra chức năng thận để ngăn chặn tổn thương thận do tiểu đường.

- Theo dõi huyết áp: Huyết áp cao gây tổn thương thận. Nếu huyết áp tăng, cần đi khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị bệnh và thường xuyên theo dõi huyết áp.

- Xét nghiệm tìm bệnh thận: Nên đi khám định kì và làm các xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu, siêu âm thận để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080