Logo Bệnh viện Nhân dân 115
04/09/2017 18:42

Những bệnh thường gặp khi giao mùa

Miền Nam bước vào cuối hè với những trận mưa lớn xen giữa những ngày nắng nóng. Đây là khoảng thời gian thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh hô hấp, cảm cúm, da liễu và đặc biệt là những cơn đau nhức cơ xương khớp.

Trẻ em là đối tượng hay mắc bệnh về hô hấp khi giao mùa

Cảm cúm, hô hấp

Theo BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên (Bộ môn Nội Hô hấp - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch): “Cảm cúm gây ra do virus, thường kéo dài khoảng 5-7 ngày. Việc chăm sóc sức khỏe kém trong giai đoạn cảm cúm thường dẫn đến tình trạng bội nhiễm đường hô hấp, gây viêm phổi, viêm amidan…”. Những người dễ mắc bệnh thường là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Đây là đối tượng mà hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh hoặc suy yếu nên dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công.

Khi có các triệu chứng: sốt, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, nhức đầu... bạn nên đến các cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời; không nên tự ý mua thuốc vì có thể gây lờn thuốc hoặc biến chứng khiến bệnh nặng hơn.

Biện pháp phòng chống cảm cúm bao gồm: chích ngừa cúm, tăng thoáng khí môi trường xung quanh, hạn chế tiếp xúc nguồn bệnh. Cần tăng cường hệ miễn dịch bằng cách chích ngừa cảm cúm, viêm phổi, có khẩu phần ăn phù hợp (vitamin, trái cây, các loại rau xanh, hải sản...), giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh.

Sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến tháng 8, cả nước đã ghi nhận hơn 90 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 24 trường hợp tử vong. Thông thường, đỉnh dịch vào tháng 9 đến 11. Ngành y tế dự báo, dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp và đến sớm hơn mọi năm.

Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình, Phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân 115, sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy việc điều trị cần dựa trên diễn biến lâm sàng và biến chứng của bệnh. Người bị sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng cách hoặc không được điều trị kịp thời có thể gặp biến chứng nguy hiểm, dẫn đến tử vong. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy. Cách phòng chống muỗi đốt như: Mặc quần áo dài tay, ngủ mùng, dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi...

Dị ứng da

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm là tác nhân gây ra các chứng bệnh da liễu như khô nẻ, da dị ứng, mẩn đỏ… Bạn có thể nhờ bác sĩ chỉ định các loại kem dưỡng da để cung cấp độ ẩm cho da. Mưa kèm khí hậu nóng ẩm là “kẻ thù không đội trời chung” của làn da. Mưa không đủ để cuốn trôi bụi bẩn hay các tác nhân gây bệnh trong môi trường mà ngược lại còn giúp cho các yếu tố gây hại này lơ lửng trong không khí. Chúng khiến da dễ bị tổn thương, viêm, nhiễm... và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Để phòng ngừa các bệnh vừa kể trên, bạn nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, vải mỏng nhẹ, mát, thấm hút mồ hôi, tránh dùng quần áo quá dày... Khi làm việc liên tục trong môi trường ẩm ướt nên thay quần áo thường xuyên để cho da được khô thoáng.

Bệnh xương khớp

Theo ThS.BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, mưa, gió lạnh, chuyển mùa... khiến các mạch máu ngoại vi co lại và làm giảm khả năng cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên, trong đó có da, cơ, khớp gây ra các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng. Đây là bệnh điển hình ở độ tuổi trung và cao niên.

Nền hay sàn nhà ẩm ướt, bậc tam cấp... trơn trượt là yếu tố nguy hiểm dễ dẫn đến nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Sự bất cẩn của người nhà cũng như sự chủ quan của người bệnh là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp tai nạn gãy xương quay.

Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh này vào mùa mưa là nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày. Cần thiết kế chế độ ăn uống hợp lý với nhóm thực phẩm giàu vitamin C và E, can-xi, uống nhiều nước để duy trì độ trơn giữa các khớp, 2 ly sữa mỗi ngày và mỗi tuần ăn hai bữa tôm cua để phòng tránh loãng xương…

Theo Lê Bình

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080