Logo Bệnh viện Nhân dân 115
27/01/2019 15:43

Nhiễm khuẩn tiết niệu sau ghép thận

Tại buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân thận lần 1 năm 2019 với chủ đề “Tăng cường chất lượng thận ghép”, BS.CK1 Lê Thị Hồng Vũ đã trình bày về nhiễm khuẩn tiết niệu sau ghép thận, đưa ra các yếu tố nguy cơ, cách nhận biết nhiễm trùng tiểu sau ghép, điều trị thế nào…
Nhiễm khuẩn tiết niệu sau ghép thận là loại nhiễm khuẩn thường gặp nhất sau ghép thận, xuất hiện ở khoảng 25% số bệnh nhân ghép trong năm đầu tiên, chiếm 45% tỷ lệ nhiễm khuẩn sau ghép có biến chứng.
Nhiễm khuẩn tiết niệu sau ghép thận đi kèm tăng nguy cơ thải ghép, suy chức năng thận ghép, mất mảnh ghép, có thể gây nhiễm khuẩn huyết và tử vong.

Nghiên cứu 566 bệnh nhân (BN) ghép thận trên 18 tuổi được ghép thận từ tháng 1/1990 đến tháng 5/2004 cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu là 65 đợt/100 BN trong năm đầu tiên sau ghép thận. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất xuất hiện trong 3 tháng đầu tiên sau ghép (74,5%). Vi khuẩn gây bệnh gặp nhiều nhất là Eschirichia Coli (24,2%).

BS.CK1 Lê Thị Hồng Vũ, khoa Nội thận - miễn dịch ghép

Các yếu tố được xác định là nguy cơ đối với nhiễm trùng đường tiết niệu sau ghép là: giới nữ, nguồn thận cho từ người chết não, tuổi người nhận thận trên 40 và đặt sonde Foley niệu đạo kéo dài hơn 6 ngày.

Yếu tố nguy cơ của nhiễm khuẩn tiết niệu:
- Giới nữ
- Lớn tuổi
- Có nhiễm khuẩn niệu trước ghép,
- Thận ghép chậm hồi phục chức năng, phải lọc máu kéo dài sau ghép
- Thận đa nang, trào ngược bàng quang niệu quản
- Đái tháo đường hoặc NODAT
- Đặt ống thông bàng quang kéo dài sau phẫu thuật
- Quan hệ tình dục, mang thai, tắm bồn…

Yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiểu:
- Tuổi: trẻ em (vệ sinh kém), người già (ở nam giới: u xơ tuyến tiền liệt, ở nữ giới: âm hộ khô, niêm mạc mỏng vì giảm estrogen).
- Suy giảm miễn dịch: đái tháo đường, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý nặng phối hợp…



Chẩn đoán viêm bàng quang cấp: tiểu khó; tiểu gấp, tiểu nhiều lần; tiểu máu; đau vùng trên xương mu; cấy nước tiểu có > 100.000 CFU/ml; không có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân.

Nhiễm khuẩn tiết niệu có biến chứng là khi cấy nước tiểu có > 100.000 CFU/ml; kèm sốt và/hoặc có một trong các dấu hiệu sau: đau vùng thận ghép, lạnh run, mệt mỏi, cấy máu ra cùng loại vi khuẩn cấy nước tiểu, sinh thiết có bằng chứng viêm đài bể thận mủ.

Các cận lâm sàng giúp chẩn đoán:
- Tổng phân tích nước tiểu
- Cặn lắng NT, cặn Addis
- Nuôi cấy vi khuẩn
- Xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh nếu nghi ngờ có biến chứng.

Điều trị tất cả các trường hợp nhiễm trùng niệu không triệu chứng là sử dụng kháng sinh uống, nhạy cảm. Thời gian điều trị từ 7 - 14 ngày tùy theo mới ghép hay đã ghép trên 6 tháng. Riêng nhiễm khuẩn niệu có biến chứng cần được điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, thời gian 14 - 21 ngày.

Thông tin mang về
- Nhiễm trùng tiết niệu là biến chứng nhiễm trùng thường gặp nhất sau ghép
- Là yếu tố thuận lợi gây rối loạn chức năng mảnh ghép, sốc nhiễm trùng và tử vong.
- Nhận biết và điều trị sớm là chìa khóa cho bảo vệ mảnh ghép.
- Nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng bắt buộc phải tầm soát hàng tháng trong ít nhất 6 tháng sau ghép, bệnh nhân cần được điều trị đến khi cấy nước tiểu (-)
- Dùng kéo dài TMP-SMZ đã chứng minh làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, và không có tác động gì lên kết cục mảnh ghép. .

- Nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng vẫn phải điều trị tích cực do đây là yếu tố nguy cơ làm tiến triển biến chứng nặng.

Kim Quy
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080