Logo Bệnh viện Nhân dân 115
21/11/2017 15:43

Người bệnh đái tháo đường đau ốm, chăm sóc thế nào?

Chiều 21/11, tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, BS Bùi Thị Mỹ Hạnh đã có buổi chia sẻ về cách chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường trong những ngày bệnh.
BS Bùi Thị Mỹ Hạnh, khoa Nội tiết hướng dẫn những điều cần làm để bảo vệ sức khỏe khi bị bệnh đái tháo đường

Theo BS Bùi Thị Mỹ Hạnh, do sức đề kháng thấp nên bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) dễ mắc bệnh hơn người bình thường. Đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi hoặc kèm bệnh nội khoa khác như: cushing, suy thận, suy gan…

Những bệnh thường gặp như là: nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm họng) tiết niệu sinh dục (nhiễm trùng tiểu), nhiễm trùng đường tiêu hóa (tiêu chảy, thương hàn) và đặc biệt ĐTĐ rất dễ bị lao.

Khi người bệnh ĐTĐ bị bệnh, nhất thiết phải gặp BS để được đánh giá tình trạng sức khỏe: cần nhập viện hay điều trị tại nhà, điều chỉnh thuốc và hướng dẫn chăm sóc cụ thể...

Bên cạnh đó, BS Mỹ Hạnh cũng nêu 4 nguyên tắc để chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ:

Nguyên tắc thứ nhất là theo dõi đường huyết, từ 2-4g trong 1-2 ngày đầu.

Bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết khi ăn uống kém mà vẫn dùng thuốc hạ đường huyết như thường ngày.

Hạ đường huyết là khi đường huyết< 70 mg/dl. Các triệu chứng kèm theo: lo lắng, vã mồ hôi, đói, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu…

Nếu thử đường huyết < 70 mg/dl, cần xử trí sớm khi tri giác còn tỉnh, ngưng thuốc hạ đường huyết, uống thêm ít nước đường.

Triệu chứng sẽ rõ rệt khi đường huyết<50 mg/dl. Đặc biệt nguy hiểm khi đo đường huyết tại nhà xuất hiện chữ “LO” (Low- đường huyết< 20 mg/dl), lúc này cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Bệnh nhân ĐTĐ cũng có thể bị tăng đường huyết. Đường huyết tăng khi 250- 300 mg/dl trở lên, kèm các triệu chứng: tiểu nhiều, khát, mệt… thì cần liên lạc với BS để được xử trí sớm.


Nguyên tắc thứ 2 là điều trị bệnh theo toa BS. Đối với bệnh lý nhiễm trùng thì dùng kháng sinh. Điều trị triệu chứng đi kèm: sốt, ho, nôn ói, tiêu chảy…

Nguyên tắc thứ 3 là điều chỉnh thuốc ĐTĐ phù hợp. Trong những ngày bị bệnh nên lưu ý xem xét tạm ngưng Metformin trong vài ngày.

ĐTĐ típ 2: thuốc viên và insulin- nên có ý kiến BSvề thay đổi hay giữ nguyên liều dùng.

ĐTĐ típ 1: không ngưng insulin, điều chỉnh liều hợp lý.

- Nguyên tắc thứ 4 là ăn uống đúng cách.

Ăn cháo, súp loãng dễ tiêu, xen kẽ loại sữa phù hợp.

Bệnh nhân cần chú ý uống nước đầy đủ, đặc biệt khi có sốt, tối thiểu 2- 2,5lít/ngày. Người bệnh có thể tự theo dõi bằng lượng nước tiểu, nước tiểu nhạt màu là đã uống đủ nước, nước tiểu có màu vàng đậm là thiếu nước.

Trên hết thì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, theo BS Hạnh đây là việc rất đơn giản: mọi người cần giữ ấm khi thay đổi thời tiết, thường xuyên giữ vệ sinh cơ thể, tự bảo vệ trong môi trường ô nhiễm.

Đây là buổi thứ 3 trong 8 buổi tư vấn của chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường” tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115

Ông Thái Phạm Ngọc Q. đặt câu hỏi: “Tôi uống theo BS 2-2,5 lít nước 1 ngày thì tôi bị tối đa 2 tiếng là phải đi tiểu, như vậy thì tôi có nên uống ít nước lại không?”

Trong trường hợp này BS Bùi Thị Mỹ Hạnh cho biết, ông Q. nên tiếp tục như vậy, bởi vì người bình thường cũng phải 2 tiếng đi tiểu 1 lần, do đó không cần uống ít nước lại.

Một bệnh nhân khác cũng lo lắng vấn đề tương tự: “BS cho tôi hỏi một đêm đi tiểu 3-4 lần, như vậy thì có sao không?”

Theo BS Bùi Thị Mỹ Hạnh, đi tiểu như vậy là nhiều, người bình thường buổi tối ngủ một mạch tới sáng dậy mới đi tiểu, còn người tiểu đường hay ăn, hay uống sữa buổi tối làm cho ngưỡng đường cao lên, thải ra nước tiểu và đưa nước ra nên gây ra tiểu nhiều. Đó là một triệu chứng báo cho bệnh nhân biết là đường của mình hơi cao.

Trong chương trình, một bệnh nhân chung sống khỏe mạnh với bệnh ĐTĐ hơn 20 năm chia sẻ: “Việc ăn uống và thể dục hợp lý là rất quan trọng, hằng ngày tôi ăn điều độ rồi quen như một cái máy, luôn ăn đúng giờ nên gần như không có cảm giác đói. Đã bị bệnh nhiều năm nhưng cho tới giờ tim mạch hay các bộ phận khác trong cơ thể vẫn còn y nguyên.”

Kết thúc chương trình BS Hạnh bày tỏ: “Tôi luôn luôn mong muốn cho bệnh nhân của mình được nhiều sức khỏe và hãy cố gắng bảo vệ chính bản thân mình. Bởi vì sức khỏe là trong tầm tay”.

Nguyễn Chúc

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080