Logo Bệnh viện Nhân dân 115
05/08/2020 16:00

Ngón tay rơi - Ngón tay Mallet là gì?

Ngón tay rơi (drop-finger), là một dạng chấn thương kín thường gặp tại nơi bám tận của gân cơ duỗi ngón tay (terminal slip). Dấu hiệu đầu tiên là mất chức năng duỗi đốt xa của ngón, nghĩa là người bệnh không tự duỗi ngón tay ra được.

Bệnh lý này có liên quan đến công việc, môn thể thao sử dụng bàn tay như khuân vác, bóng rổ, bóng chày hay do các tai nạn trong sinh hoạt thường ngày như kẹt ngót tay vào cánh cửa, thậm chí việc nhét khăn trải dưới đáy nệm, mang vớ mà đôi lúc người bệnh có thể bỏ qua.

Hình 1: TRÁI - mô tả tổn thương đầu bám tận của gân duỗi ngón tay với nhiều mức độ từ rách nhẹ đến đứt hoàn toàn; PHẢI - mô tả tổn thương bứt một phần xương ra khỏi nền đốt ngón xa.

Lực tác động của một vật thể cứng trực diện với các đầu ngón tay hoặc các đầu ngón tay va chạm với các mặt phẳng cứng khiến cho gân vị trí đốt ngón xa bị tổn thương với nhiều mức độ: rách gân, đứt gân hoàn toàn hoặc thậm chí vỡ một phần xương đốt xa ngón tay. Chính điều này làm mất cân bằng giữa gân gấp và duỗi khiến ngón tay bị biến dạng Mallet.


Hình 2: Lực tác động vào đầu ngón tay gây tổn thương tại vị trí khớp liên đốt xa ngón tay


Hình 3: Ngón giữa bàn tay phải bị biến dạng Mallet

Tổn thương thường gặp ngón tay giữa và ngón áp út. Tam chứng kinh điển gồm đau, biến dạng và giảm chức năng vận động. Triệu chứng đau thường gặp nhất. Sưng, tấy, biến dạng là dấu hiệu gợi ý có thể tổn thương gẫy một phần xương đốt ngón xa. Người bệnh không thể duỗi thẳng đầu xa của ngón tay theo ý muốn. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám khả năng gấp duỗi chủ động và thụ động tại vị trí tổn thương để có chẩn đoán lâm sàng.

Phim Xquang ngón tay thẳng và nghiêng giúp xác định dấu hiệu gãy phần xương đốt ngón xa.

Hình 4: Hình ảnh Xquang cho thấy một mẩu xương nhỏ bị bứt ra khỏi nền xương đốt ngón xa.

Tổn thương Mallet nếu không điều trị sẽ có thể diễn tiến đến thoái hóa khớp sớm ngay tại vị trí tổn thương. Một số trường hợp có thể gây viêm xương tủy xương tại chỗ nếu tổn thương gây hở da. Hậu quả là gây biến dạng đầu móng tay hoặc tật ngón tay giống cổ thiên nga làm mất hoàn toàn chức năng vận động của ngón.

Mục tiêu điều trị là cố gắng hồi phục chức năng vận động của đốt ngón xa càng nhiều càng tốt, song song với việc giảm đau tích cực.

Giai đoạn cấp tính: tùy theo biểu hiện lâm sàng, mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định phù hợp. Trường hợp chưa có trật khớp thì nẹp cố định là ưu tiên hàng đầu (nẹp Alluminium, nẹp Stack, nẹp Kleinert) trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần, nẹp cả ngày lẫn đêm và sẽ được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá lại sau đó.


Hình 5: Các loại nẹp cố định tổn thương ngón tay Mallet

Giai đoạn mạn tính: các tổn thương Mallet để quá 4 tuần không điều trị. Lúc này thời gian nẹp sẽ tăng lên từ 8 đến 20 tuần. Người bệnh được tư vấn rõ về nguy cơ biến dạng và các biến chứng do can thiệp điều trị chậm trễ và nguy cơ phẫu thuật sẽ cao hơn.  

Phẫu thuật đặt ra cho những trường hợp tổn thương có hở da, gãy xương lớn, ngón tay không thể duỗi thụ động được, trật khớp ngón tay hoặc thất bại điều trị nẹp cố định.


Hình 6: Phẫu thuật cố định đầu ngón tay bằng K wire

* Khi cần tư vấn về triệu chứng sưng đau bàn ngón tay, mất khả năng vận động bàn ngón tay, biến dạng ngón tay, quý vị có thể liên hệ: Phòng khám Dịch vụ khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Nhân dân 115. Điện thoại:  028 3868 3385.

 

Tài liệu tham khảo

1. Mallet finger – Uptodate 2020.

2. James S. Lin, BS,* Julie Balch Samora, Surgical and Nonsurgical Management ofMallet Finger: A Systematic Review, J Hand Surg Am. 2017;-1.e1-e20.

3. Gregory A. Lamaris1 and Michael K. Matthew HAND2017, Vol. 12(3) 223–228© American association forHand Surgery 2016.


BS. CKI Đỗ Thiên Ân

Khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080