Logo Bệnh viện Nhân dân 115
13/06/2018 12:48

Lựa chọn phù hợp để sống khỏe với bệnh nhân thận mạn

Lọc màng bụng là phương pháp điều trị thay thế thận hiệu quả nhất đối với bệnh nhân thận mạn, là “cứu cánh” cho bệnh nhân trước khi phải điều trị bằng phương pháp chuyên sâu như chạy thận nhân tạo và ghép thận.
Hiện nay, kỹ thuật lọc màng bụng được các trung tâm, bệnh viện trên cả nước đẩy mạnh, giúp cho người dân được tiếp cận dịch vụ lọc máu thuận lợi, dễ dàng hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, qua đó góp phần giảm quá tải tình trạng chạy thận nhân tạo ở các bệnh viện tuyến trên.

CLB Bệnh nhân thận mạn - BV Nhân dân 115 tháng 6/ 2018

Từ năm 2008, do yêu cầu nghiêm ngặt, tại BV Nhân dân 115 mới chỉ tiến hành ghép thận được cho 196 bệnh nhân. Hơn nữa, đối với các phương pháp ghép thận hay chạy thận nhân tạo luôn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe và bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ. Trong khi đó, kỹ thuật lọc màng bụng giúp người bệnh thoải mái hơn trong yêu cầu điều trị và ít đối diện với những biến chứng y khoa.

BS.CK2 Nguyễn Thúy Quỳnh Mai - Phó khoa Nội Thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân Dân 115

Vậy, bệnh nhân nào được lựa chọn bệnh nhân lọc màng bụng, các bước thay dịch lọc màng bụng cũng như các biến chứng có thể gặp phải như thế nào… Thông tin được BS.CK2 Nguyễn Thúy Quỳnh Mai - Phó khoa Nội Thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân Dân 115 giải đáp.

Trước hết, cần hiểu: Lọc màng bụng là phương pháp điều trị thay thế thận, sử dụng phúc mạc như một màng lọc để loại bỏ nước và các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Lọc màng bụng gồm những phương pháp: Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD: 75%), lọc màng bụng tự động (APD: 25%) và kết hợp 2 phương pháp trên (Hybrid).

Để thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt ống thông (catheter) và được hướng dẫn tỉ mỉ cách tự lọc màng bụng.

Hàng tháng, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện kiểm tra định kỳ một lần. Mỗi ngày, người bệnh thực hiện khoảng bốn lần lọc màng bụng, mỗi lần thực hiện chỉ mất khoảng 30 phút.

Các bước thay dịch lọc màng bụng

Phương pháp này được đánh giá cho nhiều điểm cộng trong quá trình điều trị của người bệnh như: Bệnh nhân có thể tự làm ở nhà; không cứng nhắc về thời gian thay dịch; lọc máu liên tục 24/24 giờ và gần giống chức năng thận tự nhiên; chế độ ăn kiêng ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể; huyết áp ít biến động hơn; ít bị nhiễm trùng máu và siêu vi viêm gan hơn chạy thận nhân tạo; thích hợp cho bệnh nhân tim mạch, giảm suy tim…

Tuy nhiên, khi thực hiện lọc màng bụng cần chú ý đến vấn đề vệ sinh, phải vô trùng tuyệt đối. Trước khi thực hiện thao tác truyền dịch, cần vệ sinh tay, thân thể sạch sẽ, đeo khẩu trang theo đúng quy định… Nếu không, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, có thể tử vong, hoặc người bệnh bị tắc Catheter lúc đó sẽ phải chuyển sang thận nhân tạo. Cần báo ngay cho nhân viên y tế nếu có bất cứ biến chứng bất thường nào trong khi lọc màng bụng.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080