Logo Bệnh viện Nhân dân 115
22/11/2018 11:34

Lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng trong dự phòng và điều trị tăng huyết áp

Để phòng và điều trị tăng huyết áp, mọi người cần giảm bớt việc ăn muối, tăng cường kali, cung cấp đủ canxi, hạn chế chất béo, hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, kiểm soát cân nặng…
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.

Tại Việt Nam, tần suất tăng huyết áp ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ tăng huyết áp là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (≥ 25 tuổi) tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng lên đến 25,1% nghĩa là cứ 4 người lớn ở nước ta thì có 1 người bị tăng huyết áp.

Vì vậy việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng.

I. Ai dễ có nguy cơ tim mạch?

1.Xơ vữa mạch máu

2.Tiểu đường

3.Béo phì đặc biệt béo bụng

4.Chế độ dinh dưỡng không đúng: ăn nhiều muối, uống nhiều rượu bia, dùng nhiều thực phẩm có nhiều cholesterol, nhiều chất béo no và chất béo thể trans.

5.Căng thẳng, stress.

6.Lối sống ít vận động.

7.Hút thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

8.Tiền căn gia đình.

II. Chẩn đoán

1.Tăng huyết áp: Đo huyết áp khi nghỉ ngơi:

Chẩn đoán tăng huyết áp khi:

- Huyết áp tâm thu: ≥ 140 mHg

- Huyết áp tâm trương: ≥ 90 mmHg

2.Rối loạn chuyển hóa lipid: Bao gồm các rối loạn liên quan đến chuyển hóa chất béo. Các chỉ số để chẩn đoán rối loạn mỡ máu:

- Tăng Triglycerid trong máu: Triglycerides ≥ 200mg/dL

- Tăng Cholesterol trong máu: Cholesterol ≥ 200mg/dL

- Tăng LDL-cholesteol máu: LDL Cholesterol ≥ 100 mg/dL

- Giảm HDL máu: HDL Cholesterol ≤ 35 mg/d

III. Điều trị và cách phòng ngừa

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp… Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh tăng huyết áp.

Điều chỉnh lối sống luôn song hành cùng việc điều trị bằng thuốc, góp phần làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc . Điều chỉnh lối sống là biện pháp điều trị cần thực hiện trước khi phải dùng thuốc nếu tăng huyết áp nhẹ và cũng là phương thức phòng ngừa bệnh tăng huyết áp cho tất cả mọi người.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với việc rèn luyên cơ thể đều đặn cùng với việc ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia và các chất kích thích, giữ tinh thần luôn vui tươi lạc quan là thể hiện lối sống tích cực có tác động tốt đến việc giữ huyết áp luôn ổn định.

Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115

IV. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

1. Hạn chế Natri (thành phần chính của muối ăn)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa muối ăn và bệnh cao huyết áp. Những quần thể dân cư có tập quán ăn mặn luôn có tỷ lệ người cao huyết áp lớn hơn so với các quần thể có tập quán ăn nhạt.

Người dân Bắc Nhật Bản từng dùng 25-30 g muối/ngày, và 40% dân số ở đây bị cao huyết áp. Trong khi đó, dân miền Nam chỉ ăn mỗi ngày 10 g muối, tỷ lệ mắc bệnh là 20%. Người Eskimô và vài bộ lạc châu Phi rất ít bị cao huyết áp do thói quen ăn nhạt.

Ở Việt Nam, Viện dinh dưỡng từng điều tra về lượng muối mà một người tiêu thụ mỗi ngày, kết quả: người Nghệ An 14g, người Thừa Thiên Huế 13g; tỷ lệ cao huyết áp ở 2 địa phương này là 18%. Ở Hà Nội, người dân ăn mỗi ngày 9g muối, tỷ lệ mắc bệnh là 11%.

Thực tế lâm sàng cũng cho thấy: một chế độ ăn nhạt, nhiều rau và quả chín có tác dụng hạ huyết áp. Những người bị cao huyết áp dùng thuốc lợi tiểu thải muối sẽ hạ được huyết áp.

Thành phần chính của muối ăn là natri. Natri trong chế độ ăn có từ 2 nguồn: nguồn có sẵn trong thực phẩm và nguồn cho thêm vào thức ăn trong quá trình chế biến (phần này phụ thuộc vào từng người).

Theo một số tác giả, một chế độ ăn không cho thêm muối cũng đã cung cấp 1,6 g natri, tương đương với 4,1 g muối ăn.

Một số hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng muối :

- Ở người bình thường không nên ăn quá 6g muối /ngày.

- Đối với bệnh nhân tăng huyết áp: Không nên ăn quá 4g muối /ngày.

- Đối với những bệnh nhân bị suy tim: không nên ăn quá 3g muối/ngày.

- Không nên dùng các loại nước chấm mặn trong bữa ăn.

- Không dùng các loại thực phẩm có nhiều muối như cà muối, dưa muối, mắm, thực phẩm đóng hộp, giò chả, …

- 01 gói mì ăn liền chứa gần 2g muối

- Một muỗng cà phê nước tương, nước mắm tương đương 1g muối.

- Một muỗng canh nước tương, nước mắm tương đương 2g muối.

- Hạn chế các loại nước sốt pha sẵn (tương cà, tương ớt,…)

2. Tăng cường kali

- Chế độ ăn giàu kali (4-5g/ngày) có tác dụng giảm huyết áp. Rau xanh, quả chín là nguồn thực phẩm cung cấp Kali chủ yếu. Nhóm rau quả cung cấp nhiều Kali bông cải xanh, rau dền, rau ngót, rau đay, mồng tơi.

- Các loại quả chín có nhiều kali như : Táo tây, lê, cam, chuối, đu đủ.

- Lượng rau quả tươi nên dùng mỗi ngày > 400 - 500g/ngày.

- Rau quả còn là nguồn cung chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol toàn phần trong thực phẩm.

- Các loại ngũ cốc, đậu hạt,… cũng chứa nhiều kali.

3. Cung cấp đủ canxi

- Đảm bảo đủ calci, magnesi theo nhu cầu khuyến nghị : Các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, sữa, trứng, tôm cua,…có nhiều canxi, magnese.

- Uống 2 ly sữa tách béo mỗi ngày giúp đảm bảo nhu cầu canxi cho cơ thể.

- Bổ sung vitamin D nếu thường xuyên ở trong mát, thiếu ánh nắng mặt trời.

4. Hạn chế chất béo

- Lượng chất béo trong khẩu phần ăn không nên vượt quá 25% tổng năng lượng.

- Nên hạn chế các loại chất béo no, chất béo dạng trans và cholesterol như mỡ, dầu dừa, bơ, sốt mayonaise (dầu dừa là dầu thực vật nhưng có nhiều axít béo no không có lợi cho tim mạch) mà nên tăng cường các chất béo có lợi từ mè, đậu phộng, hạt điều, trái bơ và bổ sung ít dầu oliu hoặc dầu cải, dầu nành, dầu mè để cho thêm vào món ăn (trộn salad, nấu canh, súp, kho), tránh dùng các loại dầu này để chiên rán.

- Hạn chế các món chiên rán, nhiều dầu.

5. Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol

- Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol: lượng cholesterol ăn vào hàng ngày nên < 300 mg. Đối với những người đã bị bệnh tim mạch lượng cholesterol nên < 200 mg/ngày.

- Cholesterol có nhiều trong nội tạng động vật như tim, não, cật, gan, lòng đỏ trứng, bơ, mỡ, sữa nguyên kem,…(Tuy nhiên, trong lòng đỏ trứng có lecithin giúp chuyển hóa cholesterol do đó không cần kiêng trứng hoàn toàn mà nên ăn 1-2 quả/tuần ).

- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu, thịt chó, thịt heo.. vì có hàm lượng cao cholesterol hơn các loại thịt trắng như gà, vịt, bê,…

- Nên tăng cường các thực phẩm giàu chất béo omega-3. Các thực phẩm giàu omega-3 như cá mỡ (cá basa, cá ngừ, cá trích, cá bông lao, cá mè...), các loại rau có lá xanh đậm (họ cải, bông cải, cải bó xôi,..), đậu nành, dầu hạt cải,…

- Khuyến khích ăn cá (3-4 lần/tuần) thay cho thịt đỏ: tùy theo trường hợp có thể bổ sung từ 2-6 g dầu cá omega 3 mỗi ngày có tác dụng giúp giảm cholesterol- LDL, triglycerides trong máu.

- Nên dùng thực phẩm giàu đạm thực vật như đậu nành, đậu hủ, các loại đậu hạt (chúng có nhiều chất đạm, chất béo mà không chứa cholesterol).

- Chọn những loại sữa tách béo, phô mai ít béo sẽ có lợi hơn sữa nguyên kem

- Chọn những loại bánh trên bao bì ghi rõ lượng chất béo < 2g/mỗi một phần.

- Hạn chế những thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, xào, nướng. mà nên thay bằng các món luộc, hấp, kho.

- Hạn chế dùng những loại thực phẩm công nghiệp có chất béo trans hoặc trên bao bì không đề cập đến lượng chất béo trans là bao nhiêu như mì gói, bánh quy.

V. Kiểm soát cân nặng

- Cân nặng được tính theo chiều cao

- Tính chỉ số BMI = cân nặng (kg) chia cho (chiều cao (m) x chiều cao (m)) hoặc đo chu vi vòng eo.

- Người bình thường sẽ có BMI từ 18.5- 23. Lý tưởng là 20-22

Ví dụ: cân nặng 50kg, chiều cao 1.55m, BMI sẽ là 20.8 (= 50 /(1.55 x 1.55 )

- Đối với những người thừa cân/béo phì: Chỉ số BMI > 23, hoặc vòng eo ở nam > 90cm, ở nữ > 80 cm và chỉ số eo/mông ở nam >0.9 và nữ >0.85 cần thực hiện chế độ giảm cân.

- Nên ăn những loại thực phẩm ít đường, ít béo, giàu chất xơ phối hợp với tập thể dục điều đặn.

- Đối với những người có cân nặng chuẩn (BMI từ 20-22) cũng nên theo dõi cân nặng thường xuyên ít nhất mỗi tháng 01 lần để giúp điều chỉnh cân nặng kịp thời, không để tăng cân.

VI. Hạn chế các yếu tố kích thích thần kinh

- Hạn chế hoặc ngưng hẳn các chất kích thích thần kinh như trà đặc, cà phê, thuốc lá, bia, rượu mạnh tùy thuộc vào mức độ bệnh.

- Nam giới có thể uống tối đa 2 lon bia/ngày, nữ thì 1 lon.

- Chú ý là 1 lon bia cung cấp khoảng 150 calo. Vì vậy nếu dùng bia ngoài yếu tố kích thích thần kinh còn gây ra béo bụng do năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ dự trữ ở bụng.

- Tuy nhiên các loại rượu chát (rượu nho đỏ) thì có lợi cho bệnh tim mạch do đó có thể uống < 140 ml/ngày (tương đương một cốc nhỏ).

- Giữ trạng thái tinh thần ổn định, tránh căng thẳng bằng các phương pháp thiền, yoga,…

VII. Vận động thể lực hợp lý

- Một chế độ ăn ít béo, ít đường phối hợp với hoạt động thể lực hợp lý giúp giảm cân, và phòng ngừa thừa cân béo phì, giảm huyết áp, giảm LDL và tăng HDL trong máu, đồng thời giảm 30% nguy cơ bệnh mạch vành.

- Nên tập thể dục từ 30 - 45 phút mỗi ngày. Nên luyện tập đều đặn tối thiểu 3 lần/tuần. Chọn môn tập vừa sức, người lớn tuổi nên chọn hình thức đi bộ, đạp xe đạp.

* Lời khuyên cho người bị tăng huyết áp

1. Không ăn các loại khô, mắm cá, mắm tép, tương, chao...

2. Hạn chế dùng các thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: cải muối chua, trứng muối, thịt hộp, chả lụa, thịt chà bông (ruốc), xúc xích...

3. Không dùng thêm nước chấm mặn trong bữa ăn: nước mắm nguyên chất, muối tiêu, mắm nêm, mắm tôm...

4. Ăn nhạt hơn bình thường lúc chưa có bệnh. Nêm ít muối và bột nêm khi chế biến món ăn (giảm ít nhất 50% so với lúc bình thường).

5. Giảm sử dụng chất béo đặc biệt khi có thừa cân bằng cách hạn chế các món chiên xào nhiều mỡ hoặc dầu.

6. Giảm sử dụng các loại nước sốt pha sẵn vì có nhiều dầu và muối ( sốt cà chua, sốt ớt, sốt mayonnaire, dầu hào…)

7. Ăn cá thay cho ăn thịt tối thiểu 3 lần /tuần, đặc biệt các loại cá có nhiều chất béo omega 3 như cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá hồi, cá basa…

8. Tăng cường ăn rau củ và quả chín tùy theo khả năng.

9. Bổ sung các loại khoai củ và đậu hạt.

10. Uống thêm 1-2 ly sữa tách béo hoặc sữa đậu nành/ngày.

11. Theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn kịp thời, tránh béo phì.

12. Ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia và các chất gây kích thích thần kinh.

13. Rèn luyện cơ thể đều đặn mỗi ngày hoặc cách ngày. BN lớn tuổi đi bộ là tốt nhất.

14. Luôn vui tươi, lạc quan yêu đời để giảm bớt áp lực cho tim mạch.

15. Uống thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Không tự ý ngưng thuốc.

Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân

- Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080