Logo Bệnh viện Nhân dân 115
18/11/2020 08:51

Hút thuốc lá gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng về da

Có đến 7000 chất hóa học trong khói thuốc lá. Tác hại của thuốc lá gây ra cho sức khỏe là vô cùng lớn, trong đó có những bệnh lý về da nghiêm trọng.

7000 chất hóa học trong khói thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì thói quen hút thuốc. Có ít nhất 17 loại ung thư là do thuốc lá gây ra. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này thế giới sẽ có hơn một tỷ người chết vì nguyên nhân liên quan đến khói thuốc.

Khi đốt điếu thuốc lá, một lọat chất độc khác hình thành, con số 2500 chất hóa học trong điếu thuốc lá đã chuyển thành 7000 chất hóa học trong khói thuốc lá. 7000 chất hóa học này được chia làm 4 nhóm:

- Oxyde carbon (CO): Đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu. Ái lực của hemoglobine hồng cầu với CO mạnh gấp 210 lần so với O2 và như thế sau hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển O2 vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.

- Hắc ín: Là những chất có có khả năng sinh ung thư, khoảng 60 chất như là benzopyrene, chlorua vinyl (thành phần túi nhựa tổng hợp), napthalene (chất diệt mối), diméthynitrosamine, dibenzacridine, ...

- Chất kích thích: aldenydes, acroleine, phénols, ... kích thích cây phế quản và là nguồn gốc gây nên các bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm nặng thêm bệnh hen, ...

- Nicotine: Có ái lực lớn với thụ thể nicotine ở não bộ, khi gắn kết vào thụ thể này gây ra các hiệu ứng tâm thần kinh, quyết định việc phát sinh và duy trì tình trạng nghiện thuốc lá.

Ở khía cạnh về da, theo ThS. BS. Trịnh Minh Trang - Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, biểu hiện đầu tiên ở những người hút thuốc lá đó là thâm da và vàng da ở những vùng xung quanh môi và đầu ngón tay.

Sau vài năm, da mặt của người hút thuốc lá sẽ có dấu hiệu lão hóa rõ rệt, độ săn chắc giảm, da chảy xệ, khô da và sắc tố da không đồng đều.

Ngoài ra, ở những người hút thuốc lá lâu năm có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm hơn ở da, điển hình là ung thư da ở vùng môi, niêm mạc trong vòm miệng, ung thư da, ...

Các tác hại chính của thuốc lá đối với làn da bao gồm:

Lão hóa da

Hút thuốc gây tổn thương collagen và elastin, đây là một yếu tố lớn gây lão hóa da sớm nhưng co thắt mạch máu do hút thuốc cũng đóng một vai trò. Các mạch máu bị co thắt dẫn đến hạn chế lưu lượng máu và oxy đến các tế bào da, thúc đẩy quá trình lão hóa da.

"Đường kẻ khói" là những nếp nhăn dọc quanh miệng, xuất phát từ việc mím môi để hút thuốc lá hết lần này đến lần khác.

Vết chân chim là nếp nhăn phổ biến phát triển ở rìa ngoài của mắt. Đối với những người hút thuốc, dấu hiệu này thường bắt đầu sớm hơn nhiều so với những người khác.

Da nhăn nheo

Tổn thương da liên quan đến hút thuốc có thể gây ra da chảy xệ ở các bộ phận khác của cơ thể. Đặc biệt, ngực và cánh tay trên thường bị ảnh hưởng do mất độ đàn hồi của da do hút thuốc.

Ung thư da

Nếu bạn hút thuốc, khả năng bạn bị ung thư biểu mô tế bào vảy có thể cao hơn tới 52% so với khi bạn không hút thuốc. Ung thư tế bào vảy là dạng ung thư da phổ biến thứ hai và thường xuất hiện trên môi của những người hút thuốc.

Bệnh vảy nến

Nicotine có trong thuốc lá ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, viêm da và tăng trưởng tế bào sừng, tất cả đều có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh vảy nến.

Khó làm lành vết thương

Độc tố trong khói thuốc lá có tác động tiêu cực đến việc chữa lành vết thương, thiếu lưu lượng máu làm chậm khả năng tự sửa chữa của cơ thể. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương, suy ghép da, chết mô và hình thành cục máu đông.

Viêm tuyến mồ hôi mủ

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đối với viêm tuyến mồ hôi mủ, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bị.

Viêm mạch máu

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh buerger, một dạng viêm mạch. Các mạch máu ở những khu vực này bị tắc nghẽn hoặc bị chặn, dẫn đến đau, tổn thương mô gây loét da ngón tay và ngón chân.

Nhuộm màu da

Màu da của người hút thuốc có thể không đồng đều và xỉn, có xu hướng về tông màu cam hoặc xám.




Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080