Logo Bệnh viện Nhân dân 115
01/11/2017 10:51

Hiểu về bệnh Đái tháo đường

Đây là bài chia sẻ đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình “Sinh hoạt nhóm và tư vấn trực tiếp cùng bệnh nhân đái tháo đường” của BV Nhân dân 115 được thực hiện bởi BS.CK1 Lê Duy Hưng.
Bài chia sẻ của BS.CK1 Lê Duy Hưng - Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115 nhằm cung cấp khái quát nhất cho bệnh nhân, thân nhân về căn bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

BS.CK1 Lê Duy Hưng đang chia sẻ những kiến thức cho bệnh nhân đái tháo đường

Nếu như ông bà ta có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” thì đối với căn bệnh ĐTĐ lại khác: biết để làm giảm thiểu và ngăn chặn biến chứng mà thôi. Hiện, thế giới chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị được căn bệnh “đỏng đảnh” này. Cũng giống như “bà mẹ thiên nhiên”, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức làm giảm thiệt hại chứ chưa bao giờ làm nguôi “cơn giận dữ” của bà.

Chẩn đoán

Người bệnh ĐTĐ thường có triệu chứng: khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mau đói, giảm cân, mệt mỏi toàn thân, hoa mắt, choáng váng.

Để chẩn đoán bệnh ĐTĐ dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

- HbA1c ≥ 6,5%.

- Đường máu đói ≥ 7.0 mmol/ L (≥ 126 mg/dL). Đường máu đói đo khi đã nhịn không ăn ít nhất 8 giờ.

- Đường máu 2 giờ trong nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 11,1 mmol/L (≥ 200 mg/dL). Nghiệm pháp dung nạp glucose phải được thực hiện theo đúng mô hình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sử dụng 75 gam glucose.

- Đường máu bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L (≥200 mg/dL) trên bệnh có triệu chứng của ĐTĐ cổ điển.


Hậu quả

Tình trạng tăng đường huyết kéo dài trong bệnh ĐTĐ dẫn tới những biến chứng mãn tính:

- Loét chân do đái tháo đường: Có hơn 25% bệnh nhân đái tháo đường có các vấn đề về bàn chân. Loét chân trên bệnh nhân đái tháo đường xảy ra trên cả  type 1 và type 2.

- Biến chứng ở mắt: Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính gây tổn thương vi mạch toàn thân dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho thận, mạch, thần kinh… đặc biệt là võng mạc. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở lứa tuổi từ 20 - 65.

- Biến chứng ở thận: Trên bệnh nhân đái tháo đường, đường huyết tăng cao thường xuyên trong máu sẽ làm tổn thương hệ thống lọc của thận.

- Biến chứng tim mạch: Có 2 loại bệnh tim mạch thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường: bệnh mạch vành và suy tim. Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nguy cơ bị suy tim.

- Biến chứng thần kinh: Bệnh thần kinh do đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nghiệm trọng, bao gồm: mất cảm giác chân, khớp Charco, nhiễm trùng tiểu và tiểu không kiểm soát, hạ đường huyết không cảnh báo, huyết áp thấp, rối loạn tiêu hóa…

Tại sao mắc bệnh?

Insulin là nội tiết tố do tụy tiết ra giúp đường trong máu đi vào trong tế bào. Khi cơ thể thiếu insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả, dẫn đến đường tăng cao trong máu dễ dẫn tới mắc bệnh ĐTĐ.

Hiện nay số lượng người mắc bệnh ĐTĐ ngày càng tăng nhanh trên toàn thế giới như một đại dịch. Do cuộc sống có quá nhiều stress, ít vận động, ăn quá nhiều thức ăn có nhiều năng lượng dẫn đến tăng cân, béo phì.

Bệnh có thể điều trị khỏi không?

Hiện nay, trên thế giới hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh ĐTĐ. Đừng tin với những lời quảng cáo “có cánh” rằng bệnh ĐTĐ có thể điều trị được.

Mục tiêu điều trị là làm sao ổn định được đường huyết tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh ĐTĐ, hoặc làm giảm các biến chứng mãn tính.

Do đó bệnh ĐTĐ phải được điều trị và theo dõi cho đến cuối đời. Mỗi bệnh nhân nên gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định mục tiêu điều trị cụ thể (đường máu, HbA1c, Mỡ máu, HA...).

 Lê Bình

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080