Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/01/2019 16:24

Để khám sức khỏe cho tài xế, cần khám những gì?

BS.CK2 Ngô Thị Cẩm Hoa - Trưởng khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ về ý nghĩa của việc khám sức khỏe định kỳ và hướng dẫn về việc khám sức khỏe cho các tài xế.

1. Ý nghĩa của việc khám sức khỏe định kỳ?

Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp chúng ta:
- Phát hiện sớm nhiều bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ung thư… Rất nhiều bệnh khi bắt đầu có biểu hiện ra ngoài thì đã qua giai đoạn trễ.
- Phòng ngừa bệnh ngay từ khi bệnh mới khởi phát. Một số bệnh ở giai đoạn khởi phát chưa cần dùng thuốc, chỉ cần thay đổi lối sống giúp phòng ngừa hoặc giúp trì hoãn đến gian đoạn bệnh thật sự.
Ví dụ: Tăng đường huyết giai đoạn nhẹ, rối loạn mỡ máu hoặc đái tháo đường típ 2 thì sẽ có kết quả tốt với điều chỉnh lối sống mà chưa cần đến điều trị thuốc.
- Điều trị bệnh giai đoạn sớm cho kết quả tốt hơn, ít tốn kém hơn. Bệnh giai đoạn nặng luôn có chi phí điều trị cao hơn và kết quả vẫn không như mong muốn.
Khám sức khỏe định kỳ còn là hoạt động bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng lao động, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề… cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo đối tượng có đủ sức khỏe để lao động, học tập.

2. Khi nào nên đi khám sức khỏe định kỳ?

Với mỗi người trưởng thành, nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần mỗi năm. Một số đối tượng cần khám mỗi 6 tháng. Ví dụ như:
- Nhóm nguy cơ cao hoặc chuẩn bị qua tăng huyết áp thật sự, bệnh Đái tháo đường mà chưa cần dùng thuốc.
- Nhóm có nguy cơ ung thư cao hơn thông thường: phụ nữ có mẹ, chị hay em gái bị ung thư vú; gia đình có nhiều người bị ung thư; hay các bệnh lý có yếu tố gia đình...
- Nhiễm viêm gan siêu vi B, C.
- Nhóm người có nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao: công nhân mỏ than, xưởng dệt may, hóa dầu, hóa chất, phóng xạ…
- Nhóm người có nghề nghiệp áp lực và trách nhiệm cao: phi công, tài xế xe khách đường dài, tài xế xe tải nặng...

3. Khám sức khỏe định kỳ là khám những gì, và nên đi đến đâu để khám?

Việc khám sức khỏe định kỳ được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.
Khám sức khỏe tổng quát gồm các bước khám thể trạng, khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.
Sau đó dựa trên các kết quả khám, bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát sẽ kết luận tình trạng sức khỏe của người tham gia khám và có hướng cần khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lâm sàng nếu nghi ngờ có bệnh hoặc khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lân sàng đối với trường hợp khám sức khỏe cho đối tượng có nghề nghiệp đặc thù.
+Khám thể trạng: chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp.
+Khám lâm sàng tổng quát: bác sĩ thăm khám trực tiếp hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận-tiết niệu, nội tiết, cơ-xương-khớp, hệ thần kinh, tâm thần, mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, da liễu.
+Nếu nghi ngờ có bệnh, bác sĩ Nội khoa tổng quát sẽ yêu cầu người đi khám đăng ký khám thêm các chuyên khoa: ung bướu, phụ khoa, nam khoa, lão khoa, tâm thần…
+Xét nghiệm máu, nước tiểu: như công thức máu (đếm tế bào máu), tổng phân tích nước tiểu, đường máu, mỡ máu (Cholesterol, Triglycerid, LDL, HDL), chức năng thận (urea, creatinin), men gan (SGOT, SGPT), viêm gan B, C, acid Uric máu, chức năng tuyến giáp, một số chất chỉ thị nghi ung thư nếu có chỉ định hay yêu cầu.
+Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang ngực; siêu âm ổ bụng và/hoặc tuyến giáp...
+Nội soi dạ dày, đại tràng, siêu âm vú... khi có chỉ định như gia đình có nhiều người: bị ung thư dạ dày, bị đa pô-líp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng, bị ung thư vú...
+Thăm dò chức năng: Điện tâm đồ...

4. Khám sức khỏe cho lái xe có quan trọng không? Vì sao?

Lái xe chở khách là công việc đòi hỏi sức khỏe thật tốt vì nó liên quan đến an toàn cho một hay nhiều người ngồi trong xe cũng như an toàn cho nhiều người và các phương tiện xung quanh. Đã có những vụ tai nạn gây thiệt hại tính mạng và tài sản do người tài xế không đảm bảo sức khỏe khi lái xe.
Luật đã quy định rất rõ: Tài xế sử dụng loại xe gì cần có sức khỏe thế nào, ví dụ: Tài xế lái xe từ 9 chỗ trở lên cần tiêu chuẩn cao hơn tài xế lái xe dưới 9 chỗ. Nếu anh/chị cần biết rõ hơn xin tham khảo thêm Thông tư liên tịch số: 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT giữa Bộ Y tế và Bộ giao thông vận tải ban hành 21/08/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

5. Để khám sức khỏe cho lái xe, cần khám những gì?

Để khám sức khỏe cho lái xe, lái xe phải kê khai rõ chi tiết tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng và được khám về tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp... Ngoài ra cần thực hiện các xét nghiệm bắt buộc như: Xét nghiệm ma túy (test Morphin/Heroin, Amphetamin, Methamphetamin, Marijuana (cần sa)), Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở; các xét nghiệm chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ khám sức khỏe như: Huyết học/sinh hóa/X.quang...
Nội dung khám sức khỏe cho tài xế căn cứ theo: Phụ lục số 02 mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21 tháng 8 năm 2015)

6. Hậu quả nếu tài xế lái xe không được khám sức khỏe ban đầu, khám định kỳ?

Hậu quả là tài xế không đảm bảo sức khỏe khi lái xe, có thể gây tai nạn thiệt hại tính mạng và tài sản cho chính tài xế, hành khách và những người xung quanh.


ThS.BS.CK2 Ngô Thị Cẩm Hoa
Trưởng khoa Khám và điều trị theo yêu cầu – Bệnh viện Nhân dân 115

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080