Logo Bệnh viện Nhân dân 115
27/09/2017 10:14

Cảnh báo tình trạng răng giả “đi lạc” vùng bụng

Tại Đơn vị Nội soi - BV Nhân dân 115 tiếp nhận khá thường xuyên tình trạng răng giả bị rơi vào vùng bụng do nhiều nguyên nhân. Nhiều trường hợp nguy kịch, phải hội chẩn và phối hợp phẫu thuật nhiều chuyên khoa.
Theo BS Trịnh Nguyễn Hưng, nuốt phải răng giả là trường hợp cấp cứu khá thường gặp tại Đơn vị Nội soi trong thời gian gần đây. Trung bình, có những tháng, Đơn vị tiếp nhận và xử lí gắp răng giả cho 60-70 cho bệnh nhân, gây thủng tại các vị trí khác nhau ở vùng bụng như: thực quản, dạ dày, ruột già, đại tràng…

Mới đây, trường hợp của anh Đ.V.D. (25 tuổi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) được cấp cứu, chuyển tới Đơn vị Nội soi vào 23g đêm 17/9 do nuốt phải răng giả là trường hợp điển hình. Bệnh nhân được chuyển từ Long An tới TPHCM do việc gắp nội soi trước đó ở bệnh viện tuyến dưới không thành. Qua nội soi, phát hiện có một chiếc răng giả bị trôi xuống ống tiêu hóa. Bệnh nhân D. được bác sĩ dùng snare gắp dị vật qua ngã nội soi an toàn.

Nuốt phải răng giả là tình trạng khá phổ biến ở những người hay sử dụng vật liệu nha khoa này

Trường hợp bệnh nhân H.V.H. (62 tuổi, huyện Bình Chánh, TPHCM) nhập viện ngày 21/9 cũng có tình trạng tương tự. Khi vào viện, bệnh nhân đau vùng bụng dữ dội. Khi nội soi, bác sĩ cũng tìm thấy một chiếc răng giả đang “đi lạc” trong ống tiêu hóa và đã được xử lý ngay.

Theo BS Hưng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Răng giả được gắn không chặt; người bệnh sặc nước, say rượu bia… Biến chứng có thể gây khó thở hoặc ngạt thở nếu hàm răng giả án ngự tại vùng hạ họng - thanh quản; làm trầy xước khi dị vật chuyển trong lòng thực quản và tiếp tục gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác như chảy máu lòng thực quản, thủng động mạch chủ, viêm trung thất hoặc áp xe trung thất và có thể dẫn đến tử vong.

“Những bệnh nhân có lắp răng giả cần cẩn trọng nhai kỹ, uống chậm, không vội vàng trong quá trình ăn uống để tránh nuốt sặc dễ khiến dị vật rơi lọt vào thực quản và dạ dày, nhất là với những người đeo răng giả có thể tháo rời. Nên kiểm tra răng giả định kỳ tại các cơ sở y tế vì theo thời gian, khuôn nhựa hàm giả lão hóa, mòn, không còn chặt, dễ rơi ra khỏi hàm thật khi ăn vội, nhai thức ăn cứng…” - BS Hưng khuyến cáo.

Ngoài ra, lúc ngủ cũng nên tháo bỏ răng giả để tránh răng giả vô tình rớt ra mà lọt vào đường thở hay đường ăn thì lại càng nguy hiểm… Khi đã nuốt phải các dị vật vào họng như những vật sắc cạnh, nhọn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời. BS Hưng nhấn mạnh: “Đừng cố móc họng để nôn ói, hay dùng mẹo dân gian, đừng cố gắng ăn uống để dị vật trôi ra ngoài… đó là hành động phản khoa học và gây nguy hiểm cho bệnh nhân”.

Lê Bình
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080