Logo Bệnh viện Nhân dân 115
06/12/2017 01:27

3 nguyên tắc vàng giúp bệnh nhân tiểu đường tránh hạ đường huyết

Tại buổi sinh hoạt ngày 5/12, bệnh nhân đái tháo đường hiểu thêm về tình trạng hạ đường huyết, biết cách xử trí khi hạ đường huyết và 3 nguyên tắc vàng để không bị hạ đường huyết.

Theo ThS.BS Mai Trọng Trí - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, hạ đường huyết (HĐH) là một điều khó tránh khỏi ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ), bệnh nhân ĐTĐ dễ bị tăng và cũng dễ bị hạ đường huyết, bởi vì cơ thể không điều tiết được lượng đường phù hợp.

Các triệu chứng khi HĐH: đói bụng, run, đổ mồ hôi và hạ đường huyết nhiều thì dễ gây ra tình trạng choáng váng, chóng mặt, thậm chí là có thể hôn mê, mất ý thức nếu nặng và không sơ cứu kịp thời.

Nguyên nhân HĐH là do dùng quá liều insulin hoặc một số thuốc HĐH, ăn không đủ hoặc chờ quá lâu để ăn, uống quá nhiều rượu và cả việc tập luyện quá nhiều.

Bên cạnh đó, BS Mai Trọng Trí cho biết HĐH mà không nhận biết rất nguy hiểm, người bệnh thường không có biểu hiện đến khi tình trạng quá nặng.

Những người có nguy cơ bị HĐH không nhận biết: người ngủ thấy ác mộng, tỉnh dậy thấy mệt, đau đầu nhiều, ướt mồ hôi; người uống rượu say; người già có biến chứng tai biến mạch máu não hay người đã bị HĐH nhiều lần. Bởi vì trong những trường hợp này, ý thức của họ thường suy giảm, không được tỉnh táo như người bình thường nên dễ bị HĐH nặng.

Để xử trí khi HĐH có thể làm một số cách như: hòa tan 15 gram đường với nước ấm, uống 1/2 lon nước ngọt, hoặc ăn từ 4-8 viên kẹo. Kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút, nếu đường huyết còn thấp thì lặp lại tương tự, nếu đường huyết đã ổn định thì tiếp tục theo dõi, khi làm tất cả việc trên mà đường huyết vẫn còn thấp hoặc bệnh nhân có các biểu hiện co giật, lú lẫn, hôn mê phải lập tức chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Tại buổi sinh hoạt BS Mai Trọng Trí cũng đã đưa ra “3 nguyên tắc vàng” để giúp bệnh nhân biết cách ngừa HĐH:

- Nguyên tắc thứ nhất: phải kiểm tra đường huyết thường xuyên.

- Nguyên tắc thứ 2: phải có chế độ ăn uống điều độ, không bỏ bữa, không ăn quá nhiều và ăn đúng giờ.

- Nguyên tắc thứ 3: luôn luôn mang theo kẹo bên người.

Bệnh nhân ĐTĐ thường có 2 khuynh hướng, một là chán ăn, bỏ ăn. Khuynh hướng thứ 2 là bệnh nhân luôn thèm ăn và ăn quá nhiều. Theo BS Mai Trọng Trí, cả 2 điều này đều không tốt, vì người bệnh ĐTĐ muốn sống khỏe mạnh và để không bị tăng hoặc hạ đường huyết nhất định phải tuân thủ chế độ ăn một cách khoa học.


Tiếp theo buổi sinh hoạt, BS Mai Trọng Trí đã giải đáp thắc mắc của một số bệnh nhân:

Các câu hỏi về việc uống cà phê như: “Tôi ghiền cà phê sữa thì mỗi sáng tôi có thể uống 1 ly cà phê sữa thay cơm được không” hay “Tôi uống cà phê đen nhưng uống với đường dành cho người ăn kiêng thì có được không?”…

Với vấn đề này, BS Mai Trọng Trí bày tỏ: “Quan điểm của tôi đối với bệnh nhân tiểu đường là không cấm ăn uống gì hết, bệnh nhân có thể ăn uống được hết mọi thứ, nhưng cần phải ăn đúng và vấn đề là nếu bác uống cà phê có sữa thì bác phải chấp nhận việc đường huyết lên. Bởi vậy, bác nên cho ít sữa và phải uống đều đặn, khi có thói quen như vậy thì BS có thể điều chỉnh lượng thuốc làm sao cho phù hợp với bác.

Đối với đường dành cho người ăn kiêng, nếu dùng nhiều nó cũng làm tăng đường huyết. Cho nên bác cần phải điều chỉnh lượng đường cho phù hợp”.

Câu hỏi tiếp theo: “Tôi bị hạ đường huyết nên buổi tối tôi thường ăn 1 gói mỳ và thấy đỡ, như vậy có được không bác sĩ?”

BS Mai Trọng Trí trả lời: Bệnh nhân có thể ăn mỳ, nhưng mỳ thường có tác dụng chậm hơn so với các cách khác như là uống nước đường hoặc ăn kẹo.


Bệnh nhân khác hỏi: “Buổi sáng tôi đi bộ tập thể dục và cởi áo phơi nắng thì không sao, nhưng khi tôi đi xa hơn để mua bánh mỳ, khi đi về thì tôi mệt và HĐH thì là sao BS?”

BS Trí cho rằng, trường hợp này bệnh nhân đã vận động nhiều quá. Thức ăn mà bệnh nhân ăn vào phục vụ cho các hoạt động nhất định, nếu như hoạt động nhiều quá, năng lượng bị tiêu hao quá mức, dẫn đến dễ bị hạ đường.

Kết thúc buổi sinh hoạt BS Mai Trọng Trí nhấn mạnh việc, bệnh nhân ĐTĐ phải sử dụng máy đo đường huyết để có thể luôn theo dõi và kiểm soát được đường huyết của cơ thể, điều chỉnh lượng đường cho phù hợp, tránh tình trạng HĐH hoặc HĐH không nhận biết.

Nguyễn Chúc

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080