Logo Bệnh viện Nhân dân 115
28/02/2015 10:14

Khi bác sĩ trở thành… thợ chế tạo

Không đành lòng nhìn bệnh nhân của mình tàn phế vì gãy xương mâm chày, BS Nguyễn Đình Phú tự nhủ: “Mình phải làm cái gì đó”.
Vậy là suốt hơn 4 năm trời miệt mài, trải qua 3 lần thất bại, ông đã thực hiện thành công ý tưởng chế tạo một khung cố định ngoài cho bệnh nhân bị gãy xương mâm chày. Phương pháp của ông đã giúp hàng ngàn bệnh nhân gãy xương mâm chày trở lại cuộc sống bình thường với một đôi chân lành lặn.

Gần 30 năm gắn bó với nghề y và hàng ngàn ca phẫu thuật tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, BS Nguyễn Đình Phú không ít lần cảm thấy day dứt khi những bệnh nhân của mình bị gãy nát xương mâm chày đối diện với nguy cơ tàn phế. Gãy xương mâm chày một chấn thương rất thường xuyên xảy ra và là nỗi ám ảnh của nhiều bệnh nhân. Thông thường, bệnh nhân có khó tránh khỏi những biến chứng về khớp. Hoặc nếu điều trị không tốt, bệnh nhân có thể bị đoạn chi.

Khi ấy, phương pháp điều trị của các y bác sĩ vẫn là bảo tồn, bó bột cho bệnh nhân. Nhưng nếu bó bột, bệnh nhân rất dễ bị cứng khớp và đi lại rất khó khăn. Còn nếu mở mâm chày rồi ghép các mảnh xương lại thì phải sử dụng rất nhiều công cụ để nẹp xương, ốc vít. Nếu dùng phương pháp này, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Và tỉ lệ phục hồi chức năng rất chậm, đặc biệt là để lại vết sẹo dài sau mổ. Không ít lần, bác sĩ chấn thương chỉnh hình cảm thấy loay hoay khi chọn phương pháp phù hợp nhất cho bệnh nhân: “Chẳng lẽ, mình chỉ có bấy nhiêu cách đó thôi sao?”.

Hồi ấy, ở nhiều nước, phương pháp đặt khung cố định bên ngoài và nắn chỉnh kín xương bệnh nhân được ứng dụng rất tốt. Dưới màn tăng sáng, bác sĩ có thể quan sát hết các mảng gãy của xương rồi điều chỉnh, làm kín hoàn toàn. Phương pháp vừa khắc phục được nguy cơ nhiễm trùng vừa giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chức năng của xương. Nhưng đây không phải là cách tốt đối với những bệnh nhân nghèo.

Vì khung cố định bên ngoài do nước ngoài sản xuất, giá khoảng 12-13 triệu đồng. Khung lại khá cồng kềnh, nặng nề .Việc nhập về sử dụng trong nước khá phức tạp và rất dễ phụ thuộc vào nhà sản xuất. BS Phú chợt nghĩ: “Tại sao ta không tự sản xuất một khung made in Việt Nam, giá thành rẻ, bớt chi phí cho bệnh nhân, bớt phụ thuộc vào nước ngoài”. Và ông không ngần ngại bắt tay vào việc nghiên cứu, trở thành một người thợ chế tạo máy “bất đắc dĩ”.

Nhen nhóm ý tưởng từ năm 2000, sau những giờ trực trên bệnh viện, ông mày mò, nghiên cứu, thiết kế ra cái khung gồm 2 vòng bán nguyệt có chất liệu không cản quang, khi chụp phim khung không bị che khuất phần xương bệnh nhân. Cộng với chức năng của một thanh trụ, khung cố định giúp nắn chỉnh kín cho những ca gãy phức tạp mâm chày.

Nhưng điều khó khăn nhất là phải tìm cho được một loại chất liệu không cản quang, mức độ chịu lực tốt và quan trọng là giá phải… rẻ, tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh. Lần đầu tiên, ông sử dụng sợi thủy tinh để chế tạo 2 vòng bán nguyệt. Nhưng thất bại vì với chất liệu này, khung vẫn cản quang 50%. Thử lại một lần nữa, ông thử lại một chất liệu khác là sợi tổng hợp. Nhưng ông chưa hài lòng vì mức cản quang 60-70%. Lần này, thực sự trong bác sĩ đã có “nỗi buồn thoáng qua”. Ông băn khoăn mãi câu hỏi, hai loại vật liệu được cho là ưu việt đã không thành công. “Phải loại vật liệu nào mới đúng?”.

Lần thứ 3, ông muốn hét lên “Ơ rê ca” khi khung hình bán nguyệt bằng một loại vật liệu tổng hợp đã không còn cản quang nữa, giá lại rẻ, chịu lực tốt: “Đúng thứ là thứ mình cần đây rồi!”.

Vậy là sau hơn 4 năm, đến năm 2004, chiếc khung cố định ngoài của BS Nguyễn Đình Phú đã thành với thực hiện nghiên cứu thực nghiệm tại Đại học Bách Khoa trên xương bò. Cũng nhờ đề tài này, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được nhận giải thưởng Kova năm 2011. Sau này, với giá thành rẻ gấp 10 lần khung của nước ngoài, chiếc khung cố định ngoài của BS Nguyễn Đình Phú được chế tạo và ứng dụng trong điều trị ở khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 cùng rất nhiều bệnh viện khác trong nước.

BS Nguyễn Đình Phú cười khi nhắc đến người “cộng sự” đặc biệt của mình, đó là vợ. Chính vợ ông là người sáng nào cũng ghé chợ, mua vài khúc xương bò về đập bể ra, cho chồng thử nghiệm ghép xương với chiếc khung cố định mà ông dày công chế tạo.

Trong vai trò là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình, cộng với gánh nặng trên vai là Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, BS Phú tuổi 54 vẫn miệt mài với những trang sách, với những công trình nghiên cứu mới của ngành y. Ông tâm niệm, kiến thức y khoa và vô hạn và không có điểm dừng và đổi mới liên tục. Nếu không cập nhật thì sẽ còn nhiều bệnh nhân “đáng lẽ được sống” sẽ không cứu được.

Theo Minh Phạm - Lao động
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080