Logo Bệnh viện Nhân dân 115
19/01/2018 11:13

“Điện tâm đồ rối loạn nhịp tim chậm” và “Điện tâm đồ rối loạn điện giải và ngộ độc thuốc”

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Điện tâm đồ trong tình huống cấp cứu” chiều 18/1, BS.CK2 Trần Diệp Khoa - Phó trưởng khoa Nhịp tim học - Bệnh viện Nhân Dân 115 đã trình bày 2 bài báo cáo “Điện tâm đồ rối loạn nhịp tim chậm” và “Điện tâm đồ rối loạn điện giải và ngộ độc thuốc”.

BS Trần Diệp Khoa mở đầu với bài báo cáo “Điện tâm đồ trong rối loạn nhịp tim chậm” gồm các nội dung: Phân loại rối loạn nhịp tim chậm; điện tâm đồ rối loạn chức năng xoang; điện tâm đồ rối loạn dẫn truyền nhĩ thất; nhận diện điện tâm đồ rối loạn nhịp tim chậm trong cấp cứu.

BS Khoa cho biết, rối loạn nhịp tim chậm có 2 nguyên nhân chính là: rối loạn chức năng nút xoang và rối loạn dẫn truyền nhĩ thất.

Điện tâm đồ rối loạn chức năng nút xoang gồm có: nhịp xoang chậm, blốc xoang nhĩ, ngừng xoang, nhịp thoát (thoát bộ nối, thoát thất), hội chứng tim nhanh - tim chậm.

Điện tâm đồ rối loạn dẫn truyền nhĩ thất gồm có: blốc nhĩ thất độ I, blốc nhĩ thất độ II và blốc nhĩ thất độ III.

Mỗi loại rối loạn nhịp tim chậm có những đặc điểm điện tâm đồ khác nhau. Việc phát hiện các rối loạn nhịp tim chậm trên điện tâm đồ sẽ có các phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.

Chủ đề thứ 2 mà BS Trần Diệp Khoa chia sẻ là “Điện tâm đồ rối loạn điện giải và ngộ độc thuốc” với 2 nội dung chính: Điện tâm đồ rối loạn kali máu và điện tâm đồ ngộ độc Digoxin.

Rối loạn kali máu gồm có tăng kali máu và hạ kali máu.

Theo BS Khoa, tăng kali máu sẽ làm giảm tốc độ dẫn truyền, rút ngắn độ dài điện thế hoạt động gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Tăng kali máu có biểu hiện sóng T cao, nhọn, QRS dãn rộng, PR dài.

Tuỳ vào mức độ tăng kali máu mà sẽ có những biểu hiện trên điện tâm đồ khác nhau, nếu tăng từ 5.5 - 7.5 mEq/l thì T cao, nhọn, từ 7.5 - 10 mEq/l thìblốc nhĩ thất, mất sóng P, ngừng xoang, nếu lượng kali trong máu tăng nhiều hơn 10 mEq/l thì xuất hiện nhịp nhanh thất, rung thất, nhịp tự thất. Với những đặc điểm trên điện tâm đồ sẽ giúp gợi ý chẩn đoán nguyên nhân để chữa trị kịp thời cho bệnh nhân.

Thứ hai là điện tâm đồ hạ kali máu, hạ kali máu sẽ làm rút ngắn thời kỳ trơ hiệu quả, kéo dài thời kỳ trơ tương đối, tăng tự động tính, hậu khử cực sớm. Hạ kali máu có biểu hiện T thấp, dẹp, hoặc đảo ngược, U cao, ST chênh xuống nhẹ, PR dài, QTc dài.


Kết thúc buổi sinh hoạt
, BS Khoa nêu ra một vấn đề thường gặp nữa trong lâm sàng là điện tâm đồ trong ngộ độc Digoxin. Ngộ độcDigoxin có thể gây ra các rối loạn nhịp tim. Một đặc điểm thường thấy trên điện tâm đồ khi “ngấm” Digoxin là ST chênh xuống hình đáy chén.

Nguyễn Chúc


TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080