Logo Bệnh viện Nhân dân 115
25/01/2018 23:30

Trào ngược dạ dày thực quản kháng thuốc, điều trị thế nào?

Chiều 24/1, tại buổi sinh hoạt chuyên môn của Bệnh viện Nhân Dân 115, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - trưởng khoa Nội tiêu hóa trình bày bài báo cáo với chủ đề “GERD kháng trị”.
Mở đầu bài báo cáo, TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng đưa ra 2 trường hợp lâm sàng để giới thiệu cách tiếp cận bệnh nhân trào ngược dạ dày - thực quản (GERD), chẩn đoán (GERD) kháng trị và phương pháp điều trị GERD kháng trị.
GERD là một bệnh tiêu hóa mạn tính, xảy ra khi acid dạ dày hoặc dịch mật trào ngược vào thực quản. Các acid kích thích niêm mạc thực quản và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng GERD.


Để điều trị GERD, bác sĩ sử dụng nhóm thuốc PPI để ức chế tiết acid dạ dày. Khi bệnh nhân GERD không đáp ứng với PPI, các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn và kéo dài thì được xác định là GERD kháng trị.

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng cho biết, theo nghiên cứu trên thế giới, có 30% bệnh nhân thất bại với PPI trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Khi chẩn đoán bệnh nhân GERD kháng trị, để điều trị hiệu quả, theo BS Phượng, cần xác định tình trạng ức chế acid của bệnh nhân đã tối ưu chưa, thông qua việc xác định bệnh nhân có uống đúng thuốc và đúng cách hay chưa, xác định bệnh nhân có tuân thủ đúng liều lượng, thời gian sử dụng thuốc hay không, xem xét các yếu tố tăng nặng như dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, stress kéo dài, chế độ ăn không phù hợp… làm cho bệnh GERD không hết.



Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, để điều trị GERD kháng trị ta cần xem xét tính ức chế acid đã tối ưu hay chưa, nếu đã tuân thủ PPI đúng cách mà GERD không giảm thì ta nên chuyển sang loại PPI khác, tăng liều PPI hoặc kết hợp sử dụng thêm thuốc khác như Anti-H2 (không uống cùng lúc với PPI) vào ban đêm để ức chế acid tối ưu hơn.

“Để điều trị hiệu quả bệnh GERD, cần kết hợp với một lối sống khoa học như ăn trước giờ ngủ hơn 3 giờ, nằm đầu cao bằng gối dày 6-8 inches, tránh mặc quần áo quá chật, ngưng hút thuốc lá, tránh ăn thức ăn giàu chất béo, chocolate, cà chua, chanh, gia vị chua cay quá mức, rượu bia, giải khác có gas, cà phê”. Đó là lời khuyên củaTS.BS Lê Thị Tuyết Phượng dành cho các bệnh nhân GERD.

Buổi sinh hoạt chuyên môn còn có bài báo cáo “Tổng quan vai trò miễn dịch trong điều trị ung thư” của TS Phan Minh Liêm, đến từ Trung tâm ung thư MD Anderson (Mỹ) gồm 3 nội dung: vai trò và ảnh hưởng của hệ miễn dịch đối với tế bào ung thư, các biện pháp tự vệ của tế bào ung thư trước hệ miễn dịch và liệu pháp miễn dịch trong điều điều trị ung thư. Nhiều thông tin thú vị được TS Phan Minh Liêm chia sẻ như: cách thức tế bào ung thư "tàng hình" trước hệ miễn dịch, đồng thời khôn khéo lợi dụng các tế bào miễn dịch để giúp ích cho sự phát triển của mình.



Cuối chương trình là phần thảo luận của các bác sĩ với 2 báo cáo viên về những vấn đề liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư.

Nguyễn Chúc
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080