Logo Bệnh viện Nhân dân 115
20/05/2018 15:12

Điều trị tân bổ trợ ung thư vú giai đoạn sớm: từ lý thuyết đến thực hành

Chương trình sinh hoạt chuyên môn của khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, BV Nhân Dân 115, với sự tham gia của GS Woftgang Eiermann đã bàn luận về điều trị tân bổ trợ ung thư vú giai đoạn sớm.
Ngày 18/5, tại khoa Ung bướu và Y học hạt nhân diễn ra chương trình sinh hoạt chuyên môn với sự tham gia của GS Wolfgang Eiermann - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật ung thư vú - phụ khoa, TP Munich, Đức.

Ở Việt Nam bệnh nhân ung thư vú thường đến bệnh viện rất trễ, khối u thường lớn, rất khó để phẫu thuật, và thường bệnh nhân đã có di căn. Do đó vai trò điều trị trước khi mổ rất quan trọng, giúp làm giảm kích thước khối u, giảm giai đoạn của khối u, giảm di căn, để biến khối u từ không mổ được thành mổ được, từ nguy cơ phải đoạn nhũ trở thành chỉ phải cắt một phần vú, bảo tồn vú phần còn lại, đó là mục tiêu của buổi sinh hoạt chuyên môn - BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh, trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân cho biết.


Các phác đồ hiện nay trên thế giới khuyến cáo là khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ, việc đầu tiên là phải làm sinh thiết lõi. Nhưng ở Việt Nam hiện nay 60-70% các cơ sở chỉ làm sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA).

Sinh thiết bằng kim nhỏ chỉ cho chẩn đoán về giải phẫu bệnh, chứ không cho kết quả về sinh học phân tử hoặc hóa mô miễn dịch, gây khó khăn cho người bệnh và cả bác sĩ. Cụ thể, sau khi điều trị bằng hóa trị một thời gian, bướu nhỏ lại nhưng nhỏ không đáng kể khiến bác sĩ phân vân, phải chăng là không đáp ứng với hóa trị và sẽ quyết định chuyển đổi phác đồ, đồng thời, bệnh nhân phải chịu thêm tác dụng phụ khi chuyển đổi từ các phác đồ này sang phác đồ kia.

Do đó, GS Wolfgang Eiermann khuyến cáo là dù khối bướu lớn như thế nào thì cũng phải làm sinh thiết lõi, lấy mẫu mô để xét nghiệm hóa mô miễn dịch và sinh học phân tử, từ đó bác sĩ sẽ dễ dàng đưa ra phác đồ phù hợp nhất cho bệnh nhân. Đặc biệt, GS Wolfgang Eiermann nhấn mạnh đến vai trò của hai loại thuốc Trastuzumab và Pertuzumab trong điều trị tân bổ trợ ung thư vú.


GS Wolfgang Eiermann cũng trao đổi về việc đứng trước một bệnh nhân ung thư vú phải điều trị khó khăn thì nên thành lập một Tumor Board, bao gồm các bác sĩ hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thẩm mỹ nhằm đem đến cho bệnh nhân một phương hướng điều trị hiệu quả hơn.

Cuối chương trình, các bác sĩ cùng bàn luận về phương pháp điều trị một số ca lâm sàng đặc biệt đang điều trị tại khoa Ung bướu và Y học hạt nhân.


Kim Quy
Ảnh: Phan Nhân

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

028 1080